| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 17:13

Quản lý chất thải rắn

Ngột ngạt, khó thở trước nạn đốt rác tại Thủ đô

Thứ Tư 21/05/2025 - 11:40

Hành vi đốt rác tự phát đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ đốt rác thải

Tình trạng đốt rác lộ thiên bừa bãi không chỉ làm suy giảm chất lượng không khí mà còn đang trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý tình trạng này từ phía chính quyền còn thiếu hiệu quả.

Tại nhiều khu vực ven đô Hà Nội, tình trạng đốt rác thải sinh hoạt diễn ra thường xuyên, bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường. Những đám cháy âm ỉ không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Bãi rác lộ thiên bị đốt tại khu vực đường vành đai 3. Ảnh: Hoàng Hiền.

Bãi rác lộ thiên bị đốt tại khu vực đường vành đai 3. Ảnh: Hoàng Hiền.

Việc đốt rác thải sinh hoạt không đúng quy trình không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn phát sinh các chất độc hại như dioxin, furan - những chất có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, các khu vực gần nơi đốt rác như trường học, khu dân cư phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ khói bụi và mùi hôi thối.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, hơn 40% dân số Hà Nội đang "phơi nhiễm" với nồng độ bụi PM2.5 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và vượt xa tiêu chuẩn quốc tế của WHO. Đáng lo ngại, khoảng 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí.

Tại Hà Nội, nơi mật độ dân cư dày đặc, việc đốt rác sinh hoạt diễn ra hàng ngày tại nhiều khu dân cư, vùng ngoại thành và thậm chí trong nội đô. Hệ quả là lượng khói đen, mùi khét lẹt cùng bụi độc tràn lan trong không khí khiến chất lượng không khí tại nhiều điểm nóng luôn vượt ngưỡng an toàn của Bộ Y tế và tiêu chuẩn quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó phần lớn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ một phần nhỏ được xử lý bằng công nghệ hiện đại như đốt phát điện. Tại một số nơi, rác thải thường xuyên tồn động, không được xử lý kịp thời, dẫn đến việc bị đốt như một giải pháp tạm thời nhằm giảm thể tích, giảm ô nhiễm... Tuy nhiên, hành động này lại kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Người dân bức xúc, chính quyền cần hành động

Việc đốt rác không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành động "đầu độc" cộng đồng một cách âm thầm nhưng nguy hiểm. Trong bối cảnh chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức "xấu" đến "rất xấu", việc tiếp tục đốt rác càng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Bức xúc trước vấn nạn này, người dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân cho biết, tình trạng đốt rác trực tiếp ngoài trời, thường vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, khi gió yếu khiến khói độc bám lâu trong không khí. “Khói rác bay vào nhà, tôi và con cái phải đóng cửa suốt ngày, nhưng vẫn không tránh được ho, khó thở. Mỗi lần đốt rác là cả khu phố ngột ngạt, không thể chịu nổi. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng không thấy ai xử lý", một người dân sinh sống gần bãi tập kết rác khu vực cầu Định Công cho biết.

Lượng khói độc, mùi khét lẹt cùng bụi độc tràn lan trong không khí tại một bãi rác bị đốt. Ảnh: Hoàng Hiền.

Lượng khói độc, mùi khét lẹt cùng bụi độc tràn lan trong không khí tại một bãi rác bị đốt. Ảnh: Hoàng Hiền.

Theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, trẻ em và người già là những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất trước ô nhiễm do đốt rác. Việc hít phải khói độc kéo dài gây suy giảm chức năng phổi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mạn tính và thậm chí làm giảm tuổi thọ trung bình. Điều đáng lo ngại, trong bối cảnh Hà Nội đang phải gồng mình đối phó với ô nhiễm không khí từ giao thông và công nghiệp, tình trạng đốt rác như “thêm dầu vào lửa" khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí càng thêm trầm trọng và khó kiểm soát, kéo theo các hậu quả khó lường.

Từ đồ gỗ, xốp, phế liệu xây dựng, nhựa, nilon... đều bị đốt. Ghi nhận tại bãi tập kết rác trái phép ở đường ven sông Tô Lịch thuộc quận Hoàng Mai. Ảnh: Hoàng Hiền.

Từ đồ gỗ, xốp, phế liệu xây dựng, nhựa, nilon... đều bị đốt. Ghi nhận tại bãi tập kết rác trái phép ở đường ven sông Tô Lịch thuộc quận Hoàng Mai. Ảnh: Hoàng Hiền.

Là một người dân sống gần bãi rác thường xuyên bị đốt, anh Minh, một người dân ở khu vực Thanh Xuân bức xúc: “Chính quyền cần có biện pháp mạnh tay hơn, xử phạt thật nghiêm, thậm chí có thể dùng công nghệ giám sát để ngăn chặn triệt để hành vi đốt rác. Đốt rác là hành vi thiếu ý thức, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, chúng tôi không thể làm ngơ được nữa và chúng tôi hy vọng chính quyền cũng vậy”.

Bãi rác bị đốt ở gần cầu Định Công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Hiền.

Bãi rác bị đốt ở gần cầu Định Công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Hiền.

Để Hà Nội thực sự “sạch” hơn, chính quyền thành phố phải nhanh chóng vào cuộc với những giải pháp đồng bộ: tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc; mở rộng mạng lưới thu gom, xử lý rác thải hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của việc đốt rác. Việc này không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống và hình ảnh đô thị xanh, sạch trong mắt người dân và khách du lịch.

Hà Nội không thể làm ngơ trước nạn đốt rác - hành vi không chỉ vi phạm luật pháp mà còn là tội ác với sức khỏe và tương lai của người dân. Đã đến lúc cần một sự quyết liệt từ chính quyền, để trả lại bầu không khí trong lành vốn có cho Thủ đô.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ngot-ngat-kho-tho-truoc-nan-dot-rac-tai-thu-do-d753270.html