| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 09/05/2025 - 20:21

Tâm sự Dạ Hương

Nghĩa tử là nghĩa tận

Thứ Hai 09/11/2009 - 11:08

Nay ông đã trên 80 tuổi, rất khắc khoải chuyện gặp em...

Chị Dạ Hương kính mến!

Em sinh ra trong gia đình nghèo khổ phía Bắc, ba đi bộ đội, mẹ tần tảo nuôi con. Hồi ấy cơm không đủ, phải ăn rau củ, trái rừng qua ngày. Sau giải phóng có chủ trương di dân đi kinh tế mới, gia đình em vào Nam liền. Đang học cấp III, là chị cả, em phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Mót lúa mót khoai, mua từng luống rau về bỏ nhỏ mang đi bán, mua lúa xay gạo lấy cám… dần dần kinh tế gia đình tạm ổn. Rồi em tự đi xin việc nhà nước, đi làm vài năm thì đi học trung cấp, sau đó lập gia đình và sinh con. Khi đứa bé nhất 4 tuổi, em học tiếp cấp III và sau đó học tại chức.

Cũng là người Bắc đi kinh tế vào Nam, cũng bộ đội xuất ngũ, ông xã em yêu em 7 năm, em chính thức yêu anh 5 năm trời mới cưới. Cũng hờn ghen, lục đục, cũng từng định bỏ nhau thời em đi học xa nhưng bây giờ em thấy mình hạnh phúc. Hơn 20 năm chung sống, anh không cờ bạc gái gú hay nhậu nhẹt, vợ chồng chia nhau việc nhà, giờ chúng em đã có một cháu trai học đại học và một cháu học cấp II.

Nhưng chị ơi, gần đây em vừa nhận được mấy cú điện thoại của một người nhận là em trai em. Mẹ em đã mất, em hỏi một người dì ruột đang ở miền Bắc thì dì bảo không được nhận, rồi cuộc sống của em sẽ đảo lộn hết, bà nội, ba em, các em của em, chồng con em… Em chắp nối sự việc và được biết xưa kia ba ở trong Nam đi tập kết, yêu rồi mới lấy mẹ em. Mẹ có một người yêu trước, họ yêu nhau 3 năm, ngoại cũng đồng ý nhưng ông đi bộ đội. Trong thời gian ông đi vắng, ở nhà ngoại và bà con ép mẹ lấy ba em. Ba là người đàn ông lý tưởng, mẫu mực. Khi ông ấy ra quân về địa phương công tác thì ba vẫn còn ở bộ đội. Mẹ có với ba mấy người con, cho đến một hôm bom Mỹ giết hết anh chị của em, chỉ còn mẹ và bà nội sống sót. Lúc đó ông ấy chưa lấy vợ, hay lui tới động viên mẹ. Và em là kết quá của những ngày chăm sóc ấy. Ông chấp nhận mọi kỷ luật để nếu ba bỏ thì ông ấy sẵn sàng cưới mẹ em. Không biết ba có biết chuyện không mà ba vẫn thương yêu em cho đến tận bây giờ. Sau người ấy có vợ, nhà có ăn có để và có tới mấy người con.

Nay ông đã trên 80 tuổi, rất khắc khoải chuyện gặp em. Ba em cũng đã già và vẫn mẫu mực như xưa. Sự việc làm em suy sụp suýt chết. Em đành kể với chồng, anh rất thông cảm và bảo tùy em. Một con người trong em hận ông ta nhưng một con người khác lại thấy nôn nao khi nghĩ tới ông và những đứa em khác mẹ ngoài kia. Nhưng em là con gái duy nhất của ba, thỉnh thoảng em mới đến và chăm sóc ông. Nếu đi gặp họ thì em rất có lỗi với ba. Làm sao cho phải đạo đây chị?

Em gái (Tây Nguyên)

Em thương mến!

Lá thư dài kín 6 trang của người có nội tâm sâu sắc khiến chị xúc động mạnh mẽ. Làm sao tưởng tượng được cuộc đời lại nhiều bi kịch kiểu đó. Không địch không ta, không giới tuyến hận thù mà lại làm cho nhau đau đớn như vậy. Nghĩ kỹ, sự việc của mẹ cũng không quá khó hiểu, chê trách. Mẹ với ông ấy là tình cũ, khi những đứa con của mẹ chết bom, mẹ quá đau khổ và tay trắng, đó là hai yếu tố nhân văn để mẹ xích lại gần ông ta. Người ấy không hèn, không tính toán, chỉ một chữ yêu mà thôi cho dù ông mang tiếng là “hủ hóa với vợ bộ đội”. Ai đã giành người yêu của ông? Gia đình nhà nội và ba của em đó. Mọi việc sẽ an bài nếu mẹ không mất những đứa con. Mọi việc sẽ yên ổn một cách thông thường khi ông ấy có vợ, cả khi mẹ không đi kinh tế mới thì chuyện cũng không thể khác được. Mẹ đã bị mất mát quá lớn, mẹ đã muốn buông xuôi nhưng ba của em đã lấy lại được mẹ, cũng từ mất mát của những đứa con. Tâm lý con người là vô cùng phức tạp, ông ấy như vậy, mẹ như vậy và ba đã quyết giành lại mẹ lần nữa. Có thể lý giải, mẹ là người rất hay, ba cũng rất tuyệt vời, chỉ có ông ấy là 2 lần thua thiệt. Và cũng có thể lý giải, giữa mẹ và ba là cái chết của những đứa con, chiến tranh đã làm cho họ gắn bó trong đau khổ tột cùng nhưng vì thế mà bền chặt.

Rất cần thăm dò xem ba đã trải qua việc đó như thế nào, việc em xuất hiện ấy mà. Chắc chắn là ba phải biết vì ông ấy là cán bộ địa phương bị án kỷ luật bởi gái có chồng. Dì em biết, xóm giềng biết thì nhà nội em phải biết. Một anh bạn của chị từng là lính cộng hòa bị đi cải tạo, ở nhà vợ có cảm tình với một ông cán bộ và có con với nhau. Anh bạn của chị về, anh thương vợ lấy thân mình để che chắn cho chồng và anh đã chăm đứa con ấy như con ruột, cho đến tận hôm nay. Trong nghĩa cử này có sự cao thượng, tình thương và sau đó là kỷ niệm ruột rà với chính đứa con mình cưu mang. Cái tình ấy, cái ơn ấy người phụ nữ đã ghi nhận và tình vợ chồng sẽ cao quý hơn lên, sâu sắc lên.

Nghĩa tử là nghĩa tận, sau khi biết tâm trạng của ba, em cần bàn với chồng. Có thể chồng em đi ra với họ, nói hết mọi chuyện, kể cả những sóng gió nội tâm của em và yêu cầu họ nên liên lạc một cấch ý tứ, không để khinh suất và khuấy động đến ba em cùng hai đứa con của em. Hoặc em sẽ viết thư bày tỏ hết, cả việc sau đó ông ấy có ăn có để mà em đói khát gần bên, bao năm dằng dặc đến bây giờ em nên nhà nên cửa ông mới cho con điện thoại nhận chị nhận em. Có rất nhiều dịp để ông ấy ngồi lại với ba và cùng chia sẻ trách nhiệm với em chứ. Với ông ấy chỉ nên gặp một lần cho khỏi ân hận, thế thôi. Ba em, người mà em tôn thờ vẫn là nhất, người ấy và sự yên ấm của chồng con em mới đáng để em hy sinh và phụng sự.

Cảm ơn những lời đóng góp của em cho chị và Trang tư vấn.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nghia-tu-la-nghia-tan-d42515.html