Em là một trong những "chiến binh" chống ung thư vú kiên cường nhất, cùng mẹ mình chiến đấu lại căn bệnh quái ác này.
![]() |
Hai mẹ con Phượng trước khi bị ung thư và bây giờ |
Mẹ Phượng là bà Đào Thị Thu, sinh năm 1958, có tới 5 người con, nhưng vì nghèo đói, và bệnh tật nên chỉ còn nuôi được 2 đứa. Đến năm 1991, khi mang trong mình đứa con út 4 tháng thì cha Phượng bỏ đi theo người khác. Buồn bã, mẹ dắt díu anh em Phượng từ Thái Bình trôi dạt vào xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tá túc.
Cuộc sống khó khăn dường như lúc nào cũng bủa vây lấy mẹ con Phượng, không có ruộng vườn, nhà cửa, nên kiếm miếng ăn qua ngày cũng không đơn giản. Hàng ngày, mẹ Phượng lấy trái cây của bà con trong xóm làng đem ra đầu đường, đầu chợ bán kiếm miếng cơm qua ngày.
Thương 4 mẹ con neo đơn, do bà Thu trước đi bộ đội, nên xã vận dụng chế độ ưu đãi cựu chiến binh, cấp cho 1 miếng đất nhỏ, Hội cựu chiến binh thì gom được 20 triệu, đủ cất căn nhà nhỏ có chỗ chui ra chui vào. Có nhà rồi, một mình người mẹ lại buôn thúng bán bưng, mong sao các con khôn lớn, gả chồng gả vợ cho chúng là bà toại nguyện.
Trời đâu chiều lòng người, khi 2 anh em Phượng lần lượt lập gia đình thì bà Thu bị phát hiện ung thư phổi, đó là năm 2015. Lúc đầu, bà thường ói, không thở được, cứ nghĩ bệnh tuổi già, nên vẫn gắng gượng kiếm sống. Đến khi không cầm cự nổi, anh em Phượng động viên, vay mượn hàng xóm đưa mẹ lên khám tại BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) thì phát hiện một lá phổi của mẹ đã bị mất.
“Nhà nghèo, kiếm cái ăn không đủ, nay lại bị căn bệnh “chết người”, tôi không biết sẽ thế nào nữa”, bà Thu buồn bã nói. Bà dường như đã cạn sức, và tỏ ra tuyệt vọng. Nhưng vì các con, bà ráng sống. Qua 6 lần hóa trị, đến nay bệnh không thuyên giảm, giờ chỉ điều trị giảm nhẹ ở Viện Y học dân tộc.
Còn Phượng, thoạt nhìn không ai nghĩ em bị bệnh ung thư vú, bởi dáng người nhanh nhẹn, nước da trắng, khuôn mặt xinh. Em cũng giống như bao cô gái nông thôn khác, đến tuổi trưởng thành muốn có một gia đình nhỏ, ấm áp. Kết hôn năm 2007, hai vợ chồng làm thuê, sống đơn sơ. Những tưởng hạnh phúc êm đềm khi lần lượt chào đón 2 thiên thần, thì đùng một cái, chồng em không tu chí, còn em thì phát hiện bị ung thư vú, đã di căn xương và não, đó là năm 2016.
Điểm tựa duy nhất là người chồng, thì nay Phượng cũng không thể nhờ cậy. Hai vợ chồng ly thân, em đem con về nhà ngoại. Đời người con gái thế là hết. Và cứ mẹ khỏe thì vào viện chăm Phượng, khi Phượng khỏe lại đến lượt mẹ nằm viện để Phượng chăm mẹ. Dù đã được bảo hiểm hỗ trợ, nhưng chi phí 2 mẹ con Phượng điều trị suốt mấy năm nay, khiến số nợ đã lên đến hơn 200 triệu đồng.
Tiền thuốc hai mẹ con giờ chỉ biết trông chờ các nhà hảo tâm. Còn chuyện cơm cháo của Phượng, mẹ và 2 con, cũng như số tiền còn nợ, phải nhờ cậy vào tiền lương ít ỏi của người anh cả đi làm thuê được 4 triệu đồng/tháng trong khi anh còn phải nuôi vợ và 2 đứa con.
Kể đến đây, Phượng cho tôi xem những toa thuốc được xếp chồng lên nhau của 2 mẹ con, cùng giấy chứng nhận hộ nghèo. Em nói: “Xã em nhiều người bị ung thư lắm. Người nghèo ở nông thôn như chúng em đã rất khổ rồi, nay lại bị K, càng thêm khổ. Hai mẹ con em giờ sức khỏe rất yếu, không làm gì nổi nữa. Em thương các con rất nhiều. Hai năm nay đến ngày sinh nhật con, em đều ở viện. Không biết rồi đây, cuộc sống của các con em sẽ ra sao”. Vừa kể, em vừa khóc...
Phượng nói: “Bệnh em và mẹ giờ hết thuốc chữa. 2 mẹ con vào Viện Y học dân tộc để điều trị giảm nhẹ bằng thuốc nam. Em thì ung thư vú. Mỗi khi lên cơn em không thở nổi, có khi ngất xỉu, đau đầu lắm, bác sĩ kê cho morphin. Mà bảo hiểm chỉ cho morphin có hạn, nhiều khi không đủ. Đôi khi những người bạn cùng điều trị với em “ra đi”, bác sĩ lại cho em morphin thừa của họ. Chứ tiền đâu mà mua hả chị”.
“Nhiều khi chỉ muốn chết đi cho nhẹ nhàng, nhưng nghĩ đến con, em ráng kiên cường chiến đấu từng ngày. Dù còn một giây, một phút em cũng cố gắng sống vì các con. Lấy chồng, em "lời" mỗi hai đứa con thôi. Em và mẹ sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chúng”, Phượng tâm sự.
Rời bệnh viện, tôi ước mong có một phép màu để Phượng và bà Thu khỏe lại. Nhưng tôi biết điều ước đó là quá xa xỉ. Có thể lần sau, tôi đến không còn được gặp họ nữa. Họ sẽ ra đi, như bao bệnh nhân ung thư khác, vẫn hàng ngày vĩnh viễn rời bệnh viện để trở về với đất...
Một chiến binh K trong nhóm “Cuộc chiến chống ung thư” đã nhận xét về Phượng: “Em là chiến binh trẻ tuổi nhất, nhưng cũng kiên cường nhất. Dù có ngày dùng morphin 6 viên, đau ghê gớm em vẫn cười. Di căn vô xương, vô não nhưng nếu còn 1 ngày em ấy vẫn cứ vui vậy đó, chưa bao giờ buông bỏ”. Hoàn cảnh hai mẹ con Phượng rất mong nhận được tấm lòng của bạn đọc gần xa, mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Đào Thị Thu, chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Phú An, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, số điện thoại 0965373073 (Phượng). |