| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 15/04/2025 - 10:31

Quản lý chất thải rắn

Nghệ An: Bất cập trong phân loại rác tại nguồn

Thứ Ba 15/04/2025 - 10:12

Ý thức người dân chưa cao, thiếu hạ tầng là những khó khăn khiến việc triển khai phân loại rác tại nguồn ở Nghệ An chưa đạt kết quả như mong muốn.

Mô hình thí điểm 

Triển khai quy định phân loại rác tại nguồn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ giữa năm 2021, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) đã ban hành Đề án “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Vinh giai đoạn 2021- 2025”, triển khai thí điểm tại một số xã, phường. 

Tại phường Trường Thi, Hội Liên hiệp phụ nữ phường ban hành Kế hoạch triển khai gắn với xây dựng “tổ phụ nữ 5 không, 3 sạch” tại tổ 1, tổ 3 và tổ 4 đường Nguyễn Xí thuộc Chi hội khối 13, 50 hộ gia đình. Bước đầu, các hộ gia đình biết phân loại rác hữu cơ dùng để ủ phân bón, rác tái chế có thể bán gây quỹ, rác còn lại thì đem chôn lấp. Nhờ đó, lượng rác thải giảm đáng kể. 

Thu gom rác thải tái chế tại TP. Vinh. Ảnh: Đình Tiệp.

Thu gom rác thải tái chế tại TP. Vinh. Ảnh: Đình Tiệp.

Định kỳ chủ nhật hàng tuần, rác thải tái chế được người dân tự thu gom, tập trung tại nhà văn hóa, khối lượng dao động khoảng vài trăm kilôgam mỗi tháng. Số rác thải này sau đó được bán sung quỹ để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn.

Dù có lợi ích song việc phân loại rác tại nguồn ở TP.Vinh chưa thể được triển khai rộng rãi và có hiệu quả lâu dài, đồng đều do ý thức người dân. Nhiều hộ gia đình chưa thực hiện, thậm chí chưa…biết. Mặt khác, qua phản hồi của một số hộ dân, dù gia đình đã phân loại rác, song khi thu gom, công nhân vệ sinh lại đổ chung vào một xe, nên việc phân loại trở nên mất tác dụng.

Người dân thiếu ý thức đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định. Ảnh: Đình Tiệp.

Người dân thiếu ý thức đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định. Ảnh: Đình Tiệp.

Thiếu hạ tầng

Tại Nghệ An, qua khảo sát, mỗi ngày tổng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong toàn tỉnh ước tính khoảng gần 1.850 tấn/ ngày (tương đương khoảng 673.000 tấn/năm), trong đó khoảng 65% là rác ở nông thôn, 35% rác thải đô thị.

Lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất lớn. Ảnh: Đình Tiệp.

Lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất lớn. Ảnh: Đình Tiệp.

Số liệu đầu năm 2025 cho thấy, Nghệ An đã thu gom được 92,4% rác thải sinh hoạt, trong đó, tại đô thị  đạt 98,7%, nông thôn đạt 89,1%). Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý khoảng 89,4%. Tuy nhiên, hầu hết lượng rác thải này đều thực hiện bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt thủ công, dẫn đến nguy cơ cao tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Bên cạnh ý thức phân loại, thu gom, Nghệ An còn thiếu hạ tầng để triển khai đồng bộ quy định này. Khu xử lý rác lớn nhất tỉnh - Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên mới xử lý khoảng 800 tấn rác thải/ngày) mới chỉ đạt khoảng 50% tổng lượng rác phát sinh hằng ngày. 

Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên bình quân tiếp nhận và xử lý đến khoảng 800 tấn rác/ngày đêm của Nghệ An (gần 1/2 toàn tỉnh) nhưng là bằng hình thức chôn lấp. Ảnh: Đình Tiệp.

Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên bình quân tiếp nhận và xử lý đến khoảng 800 tấn rác/ngày đêm của Nghệ An (gần 1/2 toàn tỉnh) nhưng là bằng hình thức chôn lấp. Ảnh: Đình Tiệp.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại chưa đáp ứng, chưa phù hợp với rác đã được phân loại; chủ yếu áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả rác đã thu gom. Quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ…

Ông Phạm Hữu Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có nhà máy sản xuất phân vi sinh và nhà máy đốt rác nên sau khi thu gom, phân loại, tất cả đều chỉ xử lý bằng chôn lấp.

Việc phân loại rác thải tại nguồn đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: ĐT.

Việc phân loại rác thải tại nguồn đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: ĐT.

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An cho biết, ưu tiên trong xử lý chất thải sinh hoạt của tỉnh là thu hút đầu các nhà máy xử lý chất thải, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện các sáng kiến, giải pháp tốt về tái chế, tái sử dụng chất thải.

Về cơ chế, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An đề xuất, cần sớm xây dựng và ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Một trong những hướng tiếp cận để nghiên cứu, xây dựng khung giá lĩnh vực này là đánh vào “túi tiền” của người dân, gia đình phát thải càng nhiều rác mức phí đóng càng cao; gia đình không phân loại rác sinh hoạt đầu nguồn thì đơn vị tiếp nhận xử lý rác có quyền từ chối; nếu để rác ùn ứ, gây ô nhiễm trong cộng đồng thì xử phạt…

Với những biện pháp tích cực, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và người dân nâng cao nhận thức...mục tiêu phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới mong đạt được hiệu quả như mong muốn.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nghe-an-bat-cap-trong-phan-loai-rac-tai-nguon-d748209.html