| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 22/04/2025 - 13:45

Thế giới

Ngày Trái đất 2025 kêu gọi chuyển đổi năng lượng tái tạo

Thứ Ba 22/04/2025 - 13:08

Chủ đề của Ngày Trái đất 2025 là lời kêu gọi mở rộng quy mô năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp 3 lần vào năm 2030.

Ngày Trái đất được tổ chức vào ngày 22/4 hằng năm. Đây là dịp để thế giới cùng suy ngẫm về sự phát triển và thịnh vượng của hành tinh. Năm 2025, Ngày Trái đất lấy chủ đề “Sức mạnh của chúng ta, Hành tinh của chúng ta” (Our Power, Our Plane). Chủ đề này nhằm thúc đẩy mở rộng quy mô năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp 3 lần vào năm 2030.

Thúc đẩy năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo đến từ các nguồn tự nhiên, chẳng hạn như gió, ánh sáng mặt trời và nước. Theo Liên hợp quốc, đây là nguồn tài nguyên dồi dào và có khả năng tái tạo nhanh hơn so với mức tiêu thụ. Ngoài ra, năng lượng tái tạo cũng không gây phát thải khí độc như CO2, methane và N2O.

Năng lượng tái tạo đang được thúc đẩy để thay thế nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu và than, để hướng tới tương lai bền vững. Theo các nhà khoa học, nhiên liệu hóa thạch cũng là một nguồn phát thải cao, gây biến đổi khí hậu - một trong ba cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới toàn cầu hiện nay, bên cạnh ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. 

Ngày Trái đất 2025 nhấn mạnh lời kêu gọi mở rộng quy mô năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp 3 lần vào năm 2030. Ảnh: Earth.com.

Ngày Trái đất 2025 nhấn mạnh lời kêu gọi mở rộng quy mô năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp 3 lần vào năm 2030. Ảnh: Earth.com.

Trên toàn cầu, nhiên liệu hóa thạch chiếm 82% năng lượng toàn cầu vào năm 2023. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ đáp ứng gần một nửa nhu cầu toàn cầu vào năm 2030.

Mặc dù thân thiện với môi trường, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản bao gồm chi phí ban đầu cao, phụ thuộc vào thời tiết và vấn đề về  lưu trữ năng lượng. Như năng lượng mặt trời phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng dồi dào để tạo ra điện, trong khi đó,  các tua-bin gió cần tốc độ gió ổn định, từ khoảng 10 đến 90 km/giờ, để tiếp tục tạo ra năng lượng.

Một phân tích năm 2019 của IEA  ước tính, việc chuyển đổi lưới điện sang 100% năng lượng tái tạo tại Hoa Kỳ sẽ tốn 4,5 nghìn tỷ  USD. Tuy nhiên, chi phí hộ gia đình có thể giảm đáng kể sau quá trình chuyển đổi. Một báo cáo năm 2022 của Viện Rocky Mountain chỉ ra sau khi hoàn tất chuyển đổi lưới điện, Hoa Kỳ có thể tiết kiệm được 5 tỷ USD/năm.

Tiến bộ của Mỹ

Trong năm 2024, thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo.Trong đó, năng lượng mặt trời dẫn đầu xu hướng, tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy trước đây.

Tính đến cuối năm 2024, 37 GW điện mặt trời đã được đưa vào lưới điện quốc gia, gần gấp đôi so với năm trước. Con số này báo hiệu một động thái quyết liệt từ bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các hệ thống năng lượng không gây hại cho hành tinh.

Trong đó, khung chính sách đóng quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Hoa Kỳ. Cụ thể, Đạo luật Giảm lạm phát, được thông qua vào năm 2022, đã thúc đẩy làn sóng đầu tư năng lượng sạch trên khắp cả nước.

Từ đó, Đạo luật đã huy động được hơn 500 tỷ USD cho các dự án liên quan đến năng lượng sạch, bao gồm xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhà máy sản xuất pin lưu trữ và cơ sở hạ tầng cho xe điện.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 75 tỷ USD đã được chi cho các nỗ lực trên, qua đó khởi động ít nhất 160 địa điểm sản xuất năng lượng sạch mới. Các dự án đã tạo ra gần 100.000 việc làm mới ở những khu vực từ lâu đã phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Sự bùng nổ năng lượng sạch của Hoa Kỳ cũng vượt ra phạm vi ngoài khơi biển. Các tiểu bang ở Trung Tây và Nam Hoa Kỳ đang xây dựng các cơ sở sản xuất tiên tiến. Từ đó, nền kinh tế năng lượng được thiết kế lại, hỗ trợ cả mục tiêu khí hậu và sinh kế của cộng đồng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) kỳ ​​vọng năng lượng mặt trời sẽ chiếm phần lớn sản lượng điện mới cho đến năm 2026.

Các tấm pin mặt trời không chỉ được lắp trên mái nhà mà còn định hình tương lai năng lượng của đất nước. Và, không giống như các nhà máy nhiên liệu hóa thạch, chúng hoạt động một cách lặng lẽ, không tạo ra khói hoặc ô nhiễm.

Những dữ liệu trên cũng phản ánh sự thay đổi trong thái độ của công chúng: Hướng tới những sự lựa chọn sạch, thân thiện với môi trường. Trong đó, các công ty đang coi năng lượng tái tạo là thực tế mới, chứ không chỉ là trách nhiệm về mặt đạo đức. Chính quyền địa phương thì công nhận mặt trời không chỉ cung cấp điện mà còn mang lại sự độc lập cho họ về mặt năng lượng.

Ngày Trái đất 2025 được tổ chức giữa xu hướng tích cực này. Đây là nhắc nhở chúng ta rằng lợi ích về môi trường và kinh tế có thể cùng nhau phát triển.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ngay-trai-dat-2025-keu-goi-chuyen-doi-nang-luong-tai-tao-d749602.html