Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, từ đầu năm 2025, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh khơi thông dòng chảy, phá bỏ ách tắc trên toàn bộ hệ thống tiêu thủy lợi.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh cần nạo vét khoảng 470.000 m3 bùn đất ở các kênh tiêu, trong đó kênh liên huyện, liên xã hơn 100.000 m3 và mương nội đồng hơn 366.000 m3; đồng thời vớt bèo tây, rau muống, bè mảng với diện tích trên 1,4 triệu m2, chiều dài gần 784.000 m.
Các địa phương, đơn vị quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra ngập úng do chủ quan, lơ là công tác nạo vét, phá dỡ ách tắc. Với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, thời gian qua toàn tỉnh đã triển khai chiến dịch ra quân nạo vét hệ thống kênh tiêu, góp phần bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nhấn mạnh: “Thanh Hóa với đặc thù địa hình sông ngòi, kênh mương dày đặc, khả năng tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai phụ thuộc nhiều vào sự thông suốt của dòng chảy.
Do đó, nếu không chủ động khơi thông dòng chảy, hệ thống tiêu có thể quá tải, gây úng ngập cục bộ. Bèo tây, rau muống hay bùn đất tích tụ lâu ngày là những 'nút thắt cổ chai' trong tiêu thoát nước. Do đó, việc đồng loạt ra quân khơi thông dòng chảy là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện mưa ngày càng thất thường, cực đoan”.

Bèo rác cản trở dòng chảy trên sông Mậu Khê, xã Thiệu Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành nạo vét hơn 549.000 m3 bùn đất, vượt hơn 16% kế hoạch đề ra. Trong đó, kênh liên huyện, liên xã nạo vét hơn 112.000 m3, kênh nội đồng hơn 437.000 m3. Toàn tỉnh đã phá dỡ ách tắc do bèo tây, bè mảng, rau muống với khối lượng 1,44 triệu m2, đạt khoảng 101% kế hoạch.
Ông Chính khẳng định, công tác nạo vét được đơn vị xem là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục, xuyên suốt. “Chúng tôi không chờ nước ngập mới xử lý, mà phải xử lý rác gây ách tắc dòng chảy trước khi nước đổ về. Đây là nguyên tắc để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất”.

Đơn vị thủy lợi thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Quốc Toản.
Hiện nay, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền các cấp duy trì lực lượng tại chỗ, theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời vận hành hệ thống bơm tiêu, ứng phó hiệu quả với mưa lũ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không vứt rác, không thả bèo, rau muống xuống kênh mương. Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp dòng chảy thông thoáng, bền vững.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó thiên tai và đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị được gần 256.000 bao tải, hơn 740.000 rọ sắt, gần 138.000 áo phao và hơn 289.000 cọc tre, tập trung tại những điểm thuận lợi để dễ dàng sử dụng và ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Các đơn vị thủy lợi cũng đã kiểm tra, vận hành thử tất cả các trạm bơm, cống tiêu và hoàn thành các hạng mục tu bổ công trình phòng chống thiên tai theo đúng kế hoạch đề ra
Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Để đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, các chi nhánh đã vận chuyển các loại vật tư đến chân công trình, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và đã hoàn thành công tác nạo vét, tu bổ kênh mương, trục vớt rác".
Các địa phương còn thường xuyên kiểm tra tại các hồ đập xung yếu, các cống tiêu lớn, chỉ đạo lực lượng liên quan ra quân nạo vét kênh dẫn, tu bổ kịp thời các sự cố, đảm bảo 100% máy bơm hoạt động tiêu nước kịp thời khi có mưa lớn.
Với những kết quả tích cực, ngành thủy lợi Thanh Hóa đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa lũ, bảo vệ an toàn cho mùa màng và cuộc sống người dân.