Thứ năm 01/05/2025 - 10:34
Thế giới
Mỹ và Ukraine ký kết thỏa thuận khoáng sản
Thứ Năm 01/05/2025 - 10:26
Ukraine và Mỹ đã ký một thỏa thuận khoáng sản. Theo đó, Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên của Ukraine và đầu tư vào công cuộc tái thiết Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliya Sviridenko chụp ảnh sau khi ký kết thỏa thuận khoáng sản. Ảnh: X.
Thỏa thuận này ghi nhận việc thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Hoa Kỳ - Ukraine. "Tổng thống Trump xây dựng mối quan hệ đối tác này giữa người Mỹ và người Ukraine để thể hiện cam kết của cả hai bên đối với hòa bình, thịnh vượng lâu dài ở Ukraine", Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent tuyên bố.
Toàn văn của thỏa thuận hiện vẫn chưa được công bố. Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliya Sviridenko cho biết, quỹ này sẽ được Ukraine và Mỹ cùng quản lý "trên cơ sở 50/50" và "không bên nào sẽ có số phiếu áp đảo".
Bà Sviridenko cho biết thêm, 50% doanh thu từ giấy phép ký mới trong các lĩnh vực năng lượng trọng yếu, dầu mỏ và khí đốt sẽ được đổ vào quỹ.
"Quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn vẫn thuộc về Ukraine", Bộ trưởng Ukraine bổ sung. "Chính nhà nước Ukraine sẽ quyết định khai thác những gì và ở đâu. Đất ngầm vẫn thuộc quyền sở hữu của Ukraine - điều này được thiết lập rõ ràng trong Thỏa thuận".
Theo bà Sviridenko, thỏa thuận không làm thay đổi quá trình tư nhân hóa hay quản lý các công ty nhà nước. Bà cũng cho biết, Tập đoàn dầu khí Ukrnafta, cũng như Energoatom - đơn vị vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine - sẽ vẫn thuộc quyền sở hữu của chính phủ.
Mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Biden đã phê duyệt các gói viện trợ lớn cho Ukraine, bao gồm cung cấp vũ khí hiện đại, Tổng thống Trump lại tập trung vào việc chuyển gánh nặng viện trợ cho các đồng minh châu Âu của Kiev.
Vào tháng 2/2025, Mỹ thậm chí đã tạm ngừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống J.D. Vance và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo nhiều ước tính khác nhau, Washington đã cung cấp ít nhất 170 tỷ USD cho Kiev. Nhà Trắng khẳng định, số tiền trên nên được hoàn trả thông qua việc tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine, bao gồm các nguyên tố đất hiếm quan trọng đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Các cuộc đàm phán giữa hai nước về một thỏa thuận khoáng sản đã được tiến hành kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Một bản ghi nhớ về một thỏa thuận sơ bộ được ký vào ngày 17/4, nhưng Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích sự chậm trễ trong việc hoàn tất thỏa thuận. Trong một bài đăng trên Truth Social vào ngày 25/4, ông cáo buộc Tổng thống Zelensky "trễ 3 tuần" trong việc ký và yêu cầu hoàn tất thỏa thuận "ngay lập tức".
Mặc dù thỏa thuận khoáng sản không quy định rõ ràng các đảm bảo an ninh của Mỹ cho Ukraine, nhưng thỏa thuận này được coi là "một biểu hiện của một sự liên kết chiến lược dài hạn, rộng lớn hơn... và một minh chứng rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ đối với an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập vào các khuôn khổ kinh tế toàn cầu của Ukraine", theo Financial Times.
Tuần trước, ông Zelensky phát biểu, Kiev hy vọng sẽ nhận được hỗ trợ an ninh dài hạn từ Washington, tương tự như mô hình Mỹ - Israel.
Trong khi đó, ông Trump từ chối làm rõ liệu Mỹ có tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moscow hay không. "Tôi muốn để đó là một bí mật lớn, bởi vì tôi không muốn phá hỏng một cuộc đàm phán", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 29/4.
Trang tin Axios đưa tin vào tuần trước, rằng Washington đã đưa ra cho Kiev điều mà Tổng thống Donald Trump gọi là "lời đề nghị cuối cùng" để giải quyết xung đột. Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng đối với sự chậm tiến trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuần trước nói, Washington có thể rút khỏi hoàn toàn nếu các cuộc đàm phán không có tiến triển.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/my-va-ukraine-ky-ket-thoa-thuan-khoang-san-d751014.html