| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh dưới lòng hồ thủy điện

Thứ Bảy 19/07/2025 , 19:52 (GMT+7)

Gia Lai Nghề khai thác hến trên lòng hồ thủy điện An Khê – Kanak dù mới xuất hiện nhưng đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống.

"Lộc trời" sông nước

Từ mờ sáng, khi mặt nước lòng hồ thủy điện An Khê - Ka Nak (xã Cửu An, tỉnh Gia Lai) còn mờ sương, hàng chục hộ dân với những chiếc xuồng độ chế đã ra khơi, bắt đầu công việc mưu sinh nghề khai thác hến.

Sau nhiều giờ lênh đênh giữa sông nước, dưới cái nắng chói chang, người dân trở về bên những sọt hến đầy ắp, thành quả của ngày lao động miệt mài. Sau đó, những sọt hến nhanh chóng được đưa đi bán cho thương lái cách đó không xa.

Ông Bảy bên những sọt hến đầy ắp vừa được khai thác dưới lòng hồ thủy điện. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Bảy bên những sọt hến đầy ắp vừa được khai thác dưới lòng hồ thủy điện. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo tìm hiểu được biết, công việc khai thác hến trên lòng hồ thủy điện An Khê – Kanak cũng khá công phu. Sau khi những chiếc xuồng độ chế ra khơi, chiếc cào sắt buộc bởi dây thừng được người dân thả xuống đáy hồ. Chiếc cào sắt dài khoảng hơn 1m có hình răng thưa. Dưới đáy cào được buộc thêm mành lưới để đựng khi hến lọt qua răng cào.

Sau nhiều giờ cào kéo, những sọt hến đầy ắp được đưa lên bờ, ông Đỗ Văn Bảy (phường An Khê, tỉnh Gia Lai) nhanh tay đổ vào bao tải, trong khi vợ ông buộc miệng bao, chuẩn bị chở về bán cho các thương lái.

Lau những giọt mô hôi, ông Bảy cho biết, trước đây gia đình trồng mía, khoai mì trên vùng đất đồi cằn cỗi, cuộc sống luôn bấp bênh. Khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông quyết định chuyển sang nghề khai thác hến trên lòng hồ thủy điện. Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng dần ông tích lũy kinh nghiệm, sắm được chiếc xuồng độ chế và các dụng cụ cần thiết phục vụ công việc khai thác hến.

“Ngày nào may mắn thì khai thác được khoảng hơn 1 tạ, còn trung bình thì khoảng 70-80kg, bán cho thương lái với giá 6.000 đồng/kg. Trừ chi phí xăng dầu, mỗi ngày gia đình cũng thu lợi nhuận được khoảng 400.000-500.000 đồng”, ông Bảy nói và cho biết, nhờ nghề mới, kinh tế gia đình ổn định hơn, không còn cảnh chạy ăn từng bữa như trước và có thời gian chăm lo cho gia đình.

Nghề khai thác hến giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Tuấn Anh.

Nghề khai thác hến giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, sau nhiều năm lăn lộn với nghề lái xe tải đường dài, ông Nguyễn Văn Diệp (thôn 3, xã Cửu An) quyết định gác vô lăng, chuyển sang nghề khai thác hến trên lòng hồ thủy điện. Gắn bó với công việc mới chưa lâu, nhưng ông Diệp xem đây như một cơ duyên để gắn bó. Công việc vất vả, ông Điệp phải lăn lộn dưới lòng hồ trong nhiều giờ, nhưng đổi lại là nguồn thu nhập ổn định.

Ông Diệp cho biết, hôm nay lòng hồ xuất hiện những đợt gió lớn nên việc khai thác hến gặp bất lợi, gia đình chỉ khai thác được khoảng 60kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 250.000 đồng. "Bình thường mọi ngày, tôi khai được gần cả tạ hến, hôm nay gặp gió to nên đành chịu thôi”, ông Diệp nói và cho biết, nhờ nghề khai thác hến, cuộc sống gia đình ông dần ổn định hơn, không còn phải xa nhà, đối mặt với những rủi ro khi chạy xe đường dài.

Chủ yếu tiêu thụ sang Campuchia

Anh Nguyễn Hữu Chiến (thôn 3, xã Cửu An) thực hiện công việc thu mua hến dưới lòng hồ thủy điện An Khê – Kanak đã được hơn 2 năm. Cứ đến 15 giờ hằng ngày, vợ chồng anh Chiến lại tất bật công việc thu mua hến từ các hộ dân khai thác. Sau khi thu mua của người dân với giá 6.000 đồng/kg, vợ chồng anh lại khẩn trương sàng lọc, phân loại hến thành 3 kích cỡ khác nhau rồi gửi xe khách ra cửa khẩu để đưa sang Campuchia tiêu thụ.

Anh Chiến cho biết, tùy thuộc vào kích cỡ của hến, gia đình sẽ bán cho các đầu mối với giá khác nhau. Thông thường loại lớn có giá 12.000 đồng/kg, trung bình 10.000 đồng/kg và nhỏ 8.000 đồng/kg. “Trung bình mỗi ngày, gia đình thu mua được khoảng hơn 1 tấn, nếu may mắn thì được 2 tấn. Trừ chi phí vận chuyển, lợi nhuận thu về cho gia đình được khoảng hơn 1 triệu đồng”, anh Chiến chia sẻ.

Sau khi thu mua, thương lái sàng lọc hến theo nhiều kích cỡ khác nhau rồi vận chuyển đến các đầu mối để đưa sang Campuchia tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau khi thu mua, thương lái sàng lọc hến theo nhiều kích cỡ khác nhau rồi vận chuyển đến các đầu mối để đưa sang Campuchia tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo anh Chiến, dù cho thu nhập khá nhưng nghề thu mua hến không phải lúc nào cũng thuận lợi, đôi khi gặp không ít rủi ro. Chẳng hạn, có những hôm hến bị ngộp nước và chết nhiều, nhưng gia đình không biết, đến khi vận chuyển sang Campuchia thì bị trả về, chuyến hàng hôm đó xem như mất trắng.

Ông Dương Phú Thọ, Phó Trưởng phòng Kinh tế xã Cửu An cho biết, giá trị kinh tế mang lại từ khai thác hến tương đối cao nên đã thu hút được rất nhiều hộ dân tham gia. Mặt khác, nghề khai thác hến cũng rất có tiềm năng bởi nhu cầu thị trường tiêu thụ rất lớn và được ưa chuộng.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn của nghề này là người dân khai thác hoàn toàn tự phát, sử dụng công cụ thô sơ nên dễ xảy ra những tại nạn đáng tiếc. Chính vì vậy, cần phải có sự tham gia quản lý của Nhà nước để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ khoanh vùng để quản lý việc khai thác hến của người dân. Khi đó, người dân nào thực sự có nhu cầu thì địa phương sẽ hỗ trợ khoa học kỹ thuật cũng như đầu tư con giống để phát triển bền vững nghề nuôi hến trong tương lai”, ông Thọ chia sẻ.

Xem thêm
Mình thương cá là đặng thương mình

Tiếng cá quẫy, tiếng bạn chài hò reo khi kéo cá cờ gòn hàng trăm cân lên khỏi mặt nước, và câu chuyện của Ngô Tấn Lộc… khiến tôi háo hức theo tàu ra khơi.

Bình luận mới nhất