Thứ ba 13/05/2025 - 13:07
Xã hội
Mùi củi lửa
Thứ Sáu 24/01/2020 - 16:16
Đất nước của rừng ruộng và vườn tược, con người quen với rất nhiều thứ. Một cái cây chẳng hạn. Cây cho gì? Dĩ nhiên cây cho ân sủng đầu tiên là bóng mát.
![]() |
Ảnh minh họa: Trọng Chính. |
Đang đi giữa nắng, vào dưới tán cây, khi ấy ai cũng muốn reo lên, hát lên, có thế chứ! Cây không cho trái thì cũng cho hoa, lũ ong, lũ sóc, lũ chim... Và, quả tình là không kể hết những thứ mà cây cho con người cho dù, có thể cây tự mọc, tự lớn lên, con người không trồng không tưới tắm không chăm sóc chi cả.
Rất nhiều bực mình khi vỉa hè bị những chậu cây lấn chiếm. Hoặc không có vỉa hè, đường cư dân cho nội bộ mà cũng khổ sở vì cố tật trồng cây và dàn chậu của dân phố. Hoặc đang quần áo đẹp đi bên dưới thì trên cao bắn xuống những giọt nước tưới cây, tưới lan…
Nghĩ lại, ai cũng gốc gác nông thôn, đô thị bê tông cốt thép ô trọc nên không quên được màu xanh của cây. Thôi thì bỏ quá cho nhau vì nỗi nhung nhớ, thèm khát ai cũng có ở trong lòng.
Đã thấy có người chờ xin cánh công nhân Cây xanh thành phố những cành nhánh họ vừa cưa xuống. Nhiệm vụ của họ là mỗi năm đôi lần dọn cắt lũ nhánh ấy cho an toàn lưới điện. Ngày xưa bao cấp đói rạc, người ta còn lăn vào giành giựt với công nhân, như thể giựt vàng.
Ngày nay, gần Tết mới có cảnh đứng chờ xin. Để chi? Không hỏi cũng đoán biết để nấu món gì đó cho mấy ngày Tết, bánh chưng bánh tét, làm heo làm gà vịt rồi nấu chúng, hoặc luộc giò, các thứ…
Những nhà tiếp đất không nói gì, nhà lưng chừng cao, vẫn xin với nhà bên dưới một hốc cất mấy cành củi khô. Thế là, nhất định bọn trẻ của nhà đó và của cả khu phố sẽ được vài đêm xem nhóm bếp, xem ngọn lửa nhảy nhót, xem cái nồi to bị khói ám.
Nhiều lần thấy những gia chủ biệt thự độc lập hẳn hoi nhưng họ vẫn dành cho củi ở một góc kho. Mấy cây dừa mỗi tháng cho bẹ dừa và lá khô, cho vỏ của trái. Dừa thẳng thớm nhưng vô địch về chuyện thải củi.
Người ngăn nắp sẽ chặt khúc bẹ dừa ra phơi thật nỏ, lá bó riêng để nhóm bép, cội của quầy cũng dùng được và vỏ dừa tươi cùng với gáo dừa khô, chao ơi, quá đáng yêu lũ dừa đặc sắc này.
Nhìn cái bếp ngoài vườn của một nhà giàu từng tay trắng đi lên sẽ hình dung được mớ củi ấy để làm gì. Họ nấu nước chín để uống các bạn ạ, nước sôi để nguội đổ vô bình nước có giá đỡ đặt trong phòng khách, ai nhìn qua tưởng nước gọi từ cửa hàng. Không đâu, thứ nước họ tự nấu ấy ngọt hơn, vì sự cần kiệm và kỹ càng của gia chủ, tin cậy hơn trong hoàn cảnh Việt Nam nhiều thứ đang rất dối dá.
![]() |
Bếp rơm rạ. Ảnh: Trọng Chính. |
Thôn quê một thời ám khói nay rất nhiều gia đình đã khuân bình gas về. Gas giải phóng con người nhưng củi ứ đầy vườn. Đã có lúc ghe thương hồ đến hỏi mua củi cưa khúc dài để mang đi cho các lò nghề thủ công. Nhưng rồi, hàng quán, chủ lò đều dùng gas hoặc dùng than đá. Con người không biết rằng để củi mục và nấu bằng gas bằng than đá là chí ít có tới ba cái tội với môi trường.
Tội thứ nhất lãng phí của cải tự nhiên trời cho mình, tội thứ hai dùng gas là đốt quặng mỏ lý ra phải để dành hoặc bất khả kháng mới động đến (than đá cũng thế), tội thứ ba, đầu độc không khí mình đang thở bởi sự độc hại của than đá.
Vẫn dùng củi cho những ngày giỗ, ngày tiệc, ngày Tết. Người phụ nữ từ giã củi chỉ vì củi nó ấn vào cái gánh nhọc nhằn của họ thêm một thứ có tên là lọ nghẹ. Sau ngày giỗ Tết, họ đưa lũ nồi xuống sàn nước ở mé sông mé rạch và dùng chính tro bếp ấy trộn với xà bông giặt rồi đẩy chúng. Một vệt nước váng đen tản ra nhưng bàn tay đã chà nồi không găng tay nào chịu nổi, nó để lại trên da, trên vành móng dấu vết hàng tuần mới phai.
Những cái nồi lại trắng bóng được treo lên, cũng treo theo chúng nỗi niềm buồn bã của phụ nữ thôn quê. Có nhiều vùng phía Bắc hay phía Trung phụ nữ không đánh bóng nồi kiểu đó, cứ thế họ giữ và thi thoảng, đưa ra sân sau gõ như gõ xi măng đã đeo dính vào hông và đáy nồi.
Dù vậy, củi lửa vẫn đeo đẳng vì ký ức cần cái mùi của nó để con người được xao động. Đừng nghĩ ký ức không có bộ gene, có chứ, có mạnh. Vì sao khói lam chiều, vì sao mùi than đước không lẫn với mùi than không phải đước? Vì sao lá dừa cháy bình an hơn rẻo thông, là vì khi nghe cái mùi cháy ấy, ta nghĩ nó đang hóa thân, nó dành cho việc này còn rẻo thông ư, thông phải được đứng, thông phải reo, thông phải hiển hách sống!
Nhiều lúc tần ngần nhớ tuổi thơ với củi lửa. Lửa cười hẳn hoi, bạn có tin không? khi ta cho vào lò những mảnh gáo dừa khô, lửa sẽ cười khà khà, lửa rất say sưa, lửa nói, có thế chứ có thế chứ, đừng phí phạm, thứ này là dành cho ra đấy chứ. Lửa cười, ngày xưa lửa cũng cười, thật mà.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/mui-cui-lua-d256187.html