Thứ năm 01/05/2025 - 15:24
Phóng sự
Mùa hoa dứa Đồng Giao
Thứ Năm 01/05/2025 - 15:23
Nắng mai lấp lánh trên những đồi dứa trải ngút ngàn. Mùa hoa dứa ở Đồng Giao năm nay như một bức tranh tươi sắc của đất và người.
Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao
Má hồng để lại, xanh xao mang về.
Ngồi cùng xe anh Phạm Ngọc Thành, cán bộ của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đi giữa mênh mông dứa, lớp lớp nối dài trên đồng đất từ Tam Điệp đến Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tôi bất chợt nhớ hai câu thơ trên, ai đó đã viết về Đồng Giao một thuở.
Nghe thế anh Thành cười bảo: Ngày ấy đã lùi xa lắm rồi. Qua Đồng Giao hôm nay là “má hồng thêm thắm, môi đào thêm xinh”. Là chứng kiến nơi tình đất, tình người gắn bó bền chặt để cây dứa đơm hoa kết trái. Những mùa dứa ngọt ngào.

Mênh mông vùng dứa Đồng Giao. Ảnh: Tùng Đinh.
Cán bộ trẻ của DOVECO tính sơ sơ, cả Đồng Giao hiện còn khoảng hơn 5.000ha đất. Gần như chỉ độc mỗi cây dứa và một ít diện tích trồng chuối tiêu hồng. Nói về giá trị kinh tế, dứa là số một. Bình quân một ha đất trồng dứa thu mỗi vụ thu về từ 500 - 700 triệu đồng. Dù mức đầu tư so với các loại cây trồng khác khá cao nhưng trồng dứa ổn định. Sau khi trừ đi chi phí cho lãi ít nhất 200 - 300 triệu đồng. Chính vì thế mà dân Đồng Giao gần như nhà nào cũng trồng dứa, sống nhờ vào dứa.
Ngoài diện tích giao khoán từ thời xóa chế độ bao cấp, những năm gần đây bà con các xã của Thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan còn khai hoang cả đất đồi, chuyển diện tích các loại cây trồng khác sang dứa. Một số người táo bạo còn lên vùng núi gần Vườn quốc gia Cúc Phương, đi ra tỉnh ngoài thuê đất mở rộng diện tích. Hoặc tự làm, hoặc liên kết với DOVECO. Đất đai ngày một quý, nếu người biết yêu đất, biết chăm chỉ làm lụng, dẫu không muốn giầu… cũng khó.
Ô tô lắc lư đôi chút khi leo lên một quả đồi. Phóng tầm mắt xuống phía dưới, đường cao tốc Bắc Nam chạy qua Đồng Giao như một vết rạch ngang. Thẳng tắp như căng dây kẻ. Nghe đâu để thi công tuyến cao tốc này nhà nước đã thu hồi của vùng dứa hơn 100ha đất. Một vết rạch khác. Tuyến đường trục chính đi qua 4 huyện thành phố của tỉnh Ninh Bình là Kim Sơn, Yên Mô, thành phố Tam Điệp và Nho Quan lấy thêm 100ha nữa.

Ông Phạm Ngọc Chi và đồng dứa ở Bãi Sải. Ảnh: Tùng Đinh.
Tiếc lắm các anh ạ. Ông Phạm Ngọc Chi, một nông dân trồng dứa ở đội Bãi Sải chép miệng. Nhưng đành thôi chứ biết làm sao. Năm ngoái Thủ tướng Phạm Minh Chính về thăm tôi cũng chia sẻ: Mình phải ủng hộ chủ trương phát triển hạ tầng giao thông của trung ương, của tỉnh. Bởi giao thông chính là mạch máu để phát triển kinh tế đất nước. Cũng như đất là máu thịt của người nông dân vậy. Mất tấc nào đau tấc đó. Như gia đình tôi mất khoảng 1ha. Đổi lại có đường sá đi lại thuận tiện, quả dứa trồng ra bán cũng được giá hơn. Cũng may gia đình vẫn còn hơn 4ha, khéo tính toán gọi là sống khỏe. Giọng ông Chi tươi tắn hòa vào làn gió sớm mai đang mơn man trên đồng dứa xanh thẫm, rộng mênh mông. Chỉ vài hôm nữa đồng dứa này sẽ cho thu hoạch nên mấy hôm nay ông phải dựng lều, ngủ đêm trên đồi. Hương dứa thoang thoảng, dịu ngọt, ông Chi bảo, đi du lịch chắc gì đã được thế này.
Ông Chi là thế hệ thứ hai ở Đồng Giao. Cả hai vợ chồng đều là công nhân của DOVECO, nhận đất công ty giao khoán và liên kết trồng dứa xuất khẩu. Nghe kể, ông cụ thân sinh ra ông Chi ngày trước là chiến sĩ Điện Biên. Sau năm 1955 trở về, đáng ra làm ruộng dưới quê nhà Yên Mô nhưng đúng thời điểm Nông trường quốc doanh Đồng Giao mới được thành lập nên khăn gói lên tham gia khai khẩn. 70 năm rồi nhỉ. Giọng anh Thành nói chen vào.
Ừ. Ông Chi gật. 70 năm và 4 thế hệ. Người Đồng Giao từ già đến trẻ, mấy đời nay đều mang hơi thở của đất nông trường này. Ngày trước là đồn điền cà phê trồng từ thời Pháp, đất bao quanh Tam Điệp, kéo dài đến gần thành phố Ninh Bình ngày nay. Hết cà phê đến mía. Từ năm 1972 đến nay là dứa. Đất đai tuy có hẹp dần nhưng vẫn là nguồn sống của người Đồng Giao. Có lẽ do người không phụ đất nên đất cũng chẳng phụ người.

Hoa dứa Đồng Giao. Ảnh: Tùng Đinh.
Mấy chục năm gắn bó cùng cây dứa, thế hệ trung tuổi như ông Chi ở Đồng Giao bây giờ đa phần đã đủ tích lũy để làm chủ. Nông dân mà dáng dấp nhàn nhã, đi thăm đồng toàn thấy lái ô tô. Nói rằng, đồng đất từ nhiều năm nay cơ giới hóa vào, máy móc làm thay sức người hầu hết. Công đoạn nào không làm được thì thuê. Nhất là khoảng 5 năm trở lại đây, trồng dứa ổn định, lãi cao, tiền công thuê lao động mới chỉ dao động mức 300- 500 ngàn đồng, tội gì.
Ông Chi xách bình rượu từ trong lán tạm, bày ra ngay giữa đồi. Rượu ngâm dứa. Vừa mở nắp bình ra hương thơm dịu ngọt bay ngào ngạt. Rút điện thoại Iphone ra “a lô”, mấy phút sau đã thấy một, hai rồi ba chiếc ô tô nối đuôi nhau xé bụi leo lên đồi. Tôi ngó qua toàn xe ô tô tiền tỷ, cái bét nhất cũng chừng tám chín trăm. Cầm chén rượu ông đưa, chưa kịp uống mà mồm tôi đã há hốc khi nghe mấy ông cười nói. Đây là xe thăm đồng, thi thoảng chở dứa còn xe đi chơi để ở nhà. Đẹp và đắt hơn nhiều.
Tính cho nhà báo nghe, mấy người bạn ông Chi thay nhau nói. Một ha đất bây giờ chúng tôi trồng 6.000 gốc dứa. Tiền thuê máy làm đất, tiền nhân công, tiền giống, vật tư… tất tần tật hết từ 200 đến 250 triệu đồng. Trồng theo kiểu rải vụ quanh năm, thu cũng quanh năm. Nếu dứa Queen được hơn 70 tấn/ha, còn dứa Cayenne có khi lên đến gần 100 tấn/ha. Giá bán hiện tại đang là 8,5 nghìn đồng/kg. Tính ra đã lãi hơn 300 triệu đồng/ha. Còn như năm ngoái, năm kia, có lúc giá dứa cân tại đồi lên đến 15 nghìn đồng/kg. Chỉ cần trong tay có 2-3 ha đất thì “nhanh tiền” lắm. Muốn nhà lầu, muốn xe hơi gì mà không được.

Mùa dứa trổ bông. Ảnh: Tùng Đinh.
Hoa dứa năm nay đẹp quá. Ông Nguyễn Văn Giang (58 tuổi), một thế hệ F2 khác ở Đồng Giao thốt lên. Thấy tôi mặt nghệt ra như người lần đầu nghe nói đến hoa dứa, ông Giang đứng dậy, sải bước lên đồi. Vạch lớp lá dứa đang dựng đứng giữa trời như mũi kiếm, ông kéo tay tôi chỉ: Hoa dứa đấy. Bên trong lớp lá vốn hình hoa thị, nay được bó lại với nhau thành hình thoi là những quả dứa từ 9 - 10 tháng tuổi. Tầm này dứa đang phân hóa màu hoa. Quan sát kỹ thấy lớp hoa bao quanh thân quả chi chít, màu tím đỏ. Nghe ông Giang giảng giải, mỗi mắt khóm là một hoa, khi tàn đi sẽ thành quả, hợp lại với nhau thành quả dứa hoàn chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Giang, thế hệ F2 ở Đồng Giao. Ảnh: Tùng Đinh.
Nếu để tự nhiên thì dứa sẽ ra hoa vào độ tháng 2 - 3 âm lịch, thời điểm gọi là trà chính vụ. Nhưng với người trồng dứa có thâm niên ở Đồng Giao họ sẽ ép bằng mọi giá để hoa dứa không bung vào dịp này. Bởi dứa ra hoa theo kiểu tự nhiên, không đồng nhất. Nếu để tự nhiên đến lúc chín cũng sẽ không đồng đều. Bà con kinh nghiệm, thời điểm dứa chuẩn bị trổ hoa lấy dây “đai” lá ngọn lại với nhau như phụ nữ búi tóc đỉnh đầu. Lá bọc lấy quả, vừa bảo vệ vừa ngăn sự quang hợp, làm chậm phân hóa mầm hoa. Giữ nguyên trạng thái ấy ít lâu, đến lúc bung ra sẽ đồng loạt thụ phấn. Đến thời điểm dứa chín, nghìn quả như một, đều nhau tăm tắp.

Đồng Giao hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.
Năm nay thời tiết thuận hòa, làm hoa dứa càng dễ. Ông Giang nói. Dứa đang nở hoa tự. Có năm gặp thời tiết khắc nghiệt, mắt bị lép, quả dứa còi cọc như trẻ suy dinh dưỡng. Nhưng năm nay mắt nào mắt nấy to gần bằng chiếc móng tay. Nếu ông trời thương, cho mưa thuận gió hòa từ giờ đến lúc dứa chín, cộng với công chăm bón đầy đủ thì mỗi quả đạt chừng 1,2 đến 1,5kg là chuyện bình thường.
Riêng kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa, người Đồng Giao là nhất. Ông Giang không giấu nổi tự hào. Ngoài chuyện ép hoa, rải vụ, Đồng Giao là nơi tiên phong phủ nilon cho đồng đất trước thời điểm trồng, bắt đầu làm từ năm 2009. Nhờ giải pháp này mà trồng dứa vừa đỡ tốn công làm cỏ vừa giữ cho đất không bị rửa trôi, đông ấm hè mát. Hay chuyện phạt ngang thân dứa sau thu hoạch để tuyển chọn chồi; chuyện phay lá dứa xong đốt, vùi vào đất cũng là người Đồng Giao tiên phong. Chỉ tính riêng tiền bán chồi dứa, mỗi một vụ người dân đút túi thêm 100 triệu đồng/ha.

1ha dứa Đồng Giao thu từ 600 -700 triệu đồng. Ảnh: Tùng Đinh.
Còn nói về chất lượng quả. Vào thời điểm thu hoạch, bao giờ dứa ở Đồng Giao hết sạch trên đồng thì cánh lái buôn mới đi vào mạn Bỉm Sơn, Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa. Cộng thêm thương hiệu Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, quả dứa Đồng Dao như cô hoa hậu kén chồng, tha hồ lựa chọn.
Nói chung Đồng Giao hôm nay là một cuộc cách mạng của người với đất. Anh Thành đúc kết. Nhớ về một thời chưa xa lắm, khi năng suất dứa Đồng Giao lúc ấy mới chỉ đạt xấp xỉ 20 tấn/ha mà Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc DOVECO Đinh Cao Khuê đã được mời ra Bộ báo cáo điển hình. Bây giờ năng suất dứa đã đẩy lên mức bình quân hơn 70 tấn/ha, cá biệt có nơi còn đạt gần một trăm tấn/ha liệu rằng đã tới hạn hay chưa?
Chắc chắn là chưa. Bởi vì Đồng Giao sẽ lại bước sang trang sử mới. Ánh mắt anh cán bộ trẻ của DOVECO dường như sáng thêm. Trước đấy, bình quân mỗi hộ ở Đồng Giao được nhận từ 1-2 ha đất. Cũng lắm thăng trầm, từ giai đoạn mới xóa bao cấp, nhất là giai đoạn thị trường chưa ổn định, giá cả bấp bênh... Cũng may nhờ người Đồng Giao thủy chung với đất, thủy chung với cây dứa, để đến hôm nay, có hơn 2.000 hộ nhận khoán thì đa phần đều khá giả. Hơn 5.000ha được chia làm 8 đội, có người công ty trả lương làm đội trưởng, tổ chức, hướng dẫn bà con sản xuất. Thêm tin vui là năm ngoái tỉnh Ninh Bình đã làm hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho dứa Đồng Giao, cùng với chè Ba Trại và đào phai Tam Điệp. Thương hiệu dứa Đồng Giao giờ đây đã vươn tầm quốc tế.

Tỷ phú trẻ Trần Thị Thu Hường. Ảnh: Tùng Đinh.
Chia tay mấy ông chủ dứa thuộc thế hệ F2 ở Đồng Giao, anh Thành tiếp tục dẫn tôi qua Phú Long, Kỳ Phú của huyện Nho Quan; qua Tây Sơn, Yên Sơn, Tân Bình, Đông Sơn, Trung Sơn rồi Trung Sơn, Nam Sơn của thành phố Tam Điệp... Bất cứ ở đâu cây dứa cũng là số một. Cây làm giàu.
Đôi vợ chồng trẻ Đinh Minh Tuấn và Trần Thị Thu Hường là thế hệ F3 của Đồng Giao, hiện đang liên kết với DOVECO trồng dứa ở thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp. Dù chưa phải hộ sở hữu nhiều đất trồng dứa nhất xã, nhưng họ lại trẻ nhất trong số những “vua dứa” ở Quang Sơn. Bình quân trong vài ba năm trở lại đây, cứ qua một vụ dứa thì gia đình Tuấn và Hường “cất tủ” khoảng 3,5 tỷ đồng.
“Một ha trồng dứa Queen hay Cayenne thì gia đình em cũng thu tầm 700 triệu, cả tiền quả và tiền chồi. Trừ hết chi phí đi cũng lãi chừng 350 triệu đồng/ha. Chúng em chưa dám nhận là tỷ phú hay gì nhưng so với làm lúa đúng là một trời và một vực anh ạ”, Hường cười tươi.
Nói thế hệ F3 của Đồng Giao nhưng thực ra quê của Hường ở dưới vùng đồng chiêm Yên Mô, cách vùng dứa mấy chục cây số. Ngày mới về nhà Tuấn, khi ông bà, bố mẹ anh gọi lại cho 2 đứa 3ha đất nhận khoán để trồng dứa, Hường bảo cô suýt ngất. 3ha đất, bằng cả cánh đồng làng mình. Người khỏe làm được đôi ba sào ruộng đã vất vả lắm rồi, giờ nhà chồng bảo làm 3ha đất, chắc chết.
Vậy mà sau có mấy năm, bây giờ vợ chồng cô đang trồng đến hơn 10ha dứa. Hường cười bảo: Không ngờ trồng dứa nhàn đến vậy anh ạ. Toàn thuê máy móc, thuê người làm hết chứ bọn em không vất vả gì nhiều. Như đợt cao điểm “bó đai” này, nhân công từ 40 - 50 người, chủ yếu một mình em trông coi, còn chồng vẫn làm thêm trong nhà máy cán thép. Tính diện tích thì nhiều vậy nhưng nhờ liên kết với công ty nên đầu vào, đầu ra đều có trong hợp đồng cả rồi. Vợ chồng em đang tính, nếu ai cho thuê lại thì mình nhận thêm, mở rộng liên kết. Đất Đồng Giao giờ quý hơn vàng. 5 anh em trong gia đình nhà chồng, người nào cũng làm dứa. Người ít nhất cũng làm 3ha. Dứa mấy năm nay thắng liên tục nên ai cũng ham làm, có bao nhiêu đất đều làm dứa hết.

Dứa leo đồi. Ảnh: Tùng Đinh.
Xem ra những cặp vợ chồng trẻ như Tuấn và Hường ở Đồng Giao ngày một nhiều lên. Tất nhiên đất đai Đồng Giao vẫn thế, không đẻ thêm nên anh Thành bảo, đang có “làn sóng” người Đồng Giao đi ra tỉnh khác tìm đất trồng dứa. Chiến lược của DOVECO cũng theo chiều hướng mở ra ngoài tỉnh. Mục tiêu năm nay là mở rộng thêm diện tích khoảng 1.000ha vùng liên kết. Từ năm ngoái DOVECO đã triển khai liên kết trồng dứa ở Hà Tĩnh. Qua theo dõi đến nay cho kết quả rất tốt, dứa phát triển không hề thua kém gì ở Đồng Giao. Hiện công ty đang tập trung triển khai thêm ở tỉnh Hòa Bình.
Chiến lược ấy, tôi còn nhớ, trong chuyến thăm vùng dứa ở Hà Tĩnh đầu năm nay, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc DOVECO từng chia sẻ: Nếu phát triển được vùng nguyên liệu ổn định, tôi cam kết sẽ kiếm về hàng tỷ USD từ quả dứa.

Ông Đinh Cao Khuê (đứng giữa) trong chuyến thăm vùng nguyên liệu dứa ở Hà Tĩnh đầu năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.
Mở rộng ra hệ sinh thái của DOVECO, hiện công ty đã có 3 nhà máy chế biến đặt tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La, có công suất 136.000 tấn hoa quả mỗi năm với hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu từ các nước G7.
DOVECO cũng đã hình thành 4 vùng nguyên liệu chính tại Ninh Bình với hơn 5.000ha đất trồng dứa, vùng nguyên liệu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với tổng diện tích 4.500ha, vùng nguyên liệu tại Tây Bắc hơn 8.500ha, vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên hơn 8.500ha…
Ông Khuê chia sẻ, từ Nông trường Đồng Giao 70 năm trước đến DOVECO hôm nay là một hành trình. Hành trình của đất và người, hành trình của những mùa hoa. Để không chỉ ở Đồng Giao mà ở nhiều nơi khác DOVECO đặt chân đến, một hệ sinh thái đồng hành cùng bà con nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn ngày càng rộng mở. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá trong lần đến thăm và làm việc với DOVECO vào tháng 5 năm ngoái: "DOVECO là hình mẫu tiêu biểu chuyển đổi thành công từ nông trường quốc doanh sang công ty cổ phần".
Một mùa hoa dứa nữa lại khoe sắc ở Đồng Giao. Hoa dứa không sặc sỡ như nhiều loài hoa khác. Nhưng tươi tắn và giàu sức sống.
Như là biểu tượng của đất và người Đồng Giao vậy.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/mua-hoa-dua-dong-giao-d750417.html