Thứ bảy 17/05/2025 - 17:02
Kinh tế
Một góc Mộc Châu giữa lòng Hà Nội
Thứ Bảy 29/01/2022 - 08:24
Nằm trên bãi bồi sông Hồng, thuộc xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, nông trại dâu tây của anh Vũ Văn Đôn định hướng canh tác hữu cơ gắn với phát triển du lịch.

Bạn Trà My, hiện làm bán thời gian tại nông trại dâu tây huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.
Trải nghiệm việc nhà nông
Những ngày giáp tết, dù thời tiết lạnh giá, du khách vẫn nườm nượp đến tham quan, trải nghiệm tại vườn dâu tây Chimi Farm 4. Gác sang một bên những đào, quất, bánh chưng, ai cũng cảm thấy mọi lo toan, thường nhặt trong cuộc sống như dừng cả lại sau cánh cổng phủ kín hoa của nông trại.
Nắm chặt tay cô bạn đi giữa những luống dâu tây, ký ức tuổi thơ chợt ùa về với anh Chu Thế Quân, trú tại Ngã Tư Sở, Đống Đa. Anh kể, ngày bé hay theo bố mẹ đi làm ruộng, làm nương. Lên thành phố chục năm, giờ anh lại được làm nông nghiệp một lần nữa, từ cách hái dâu, chăm sóc dâu đến cả thu hoạch dâu như thế nào cho đúng cách.
“Tôi đã lên Mộc Châu trải nghiệm hái dâu vài lần. Không ngờ, ngay giữa Hà Nội lại có một nơi làm sống dậy cảm giác ấy”, anh Quân bày tỏ.
Ngoài dâu tây, nông trại còn trồng nho, hoa hướng dương, tam giác mạch và một số loại cây ngắn ngày trên diện tích khoảng 5 ha. Cả một bãi đất lớn, nằm sát cầu Nhật Tân, chỉ toàn cây cối, hoa cỏ mang tới không khí thư thái, vốn tưởng chỉ có trên miền Tây Bắc.
Để có được những trái dâu mọng nước và chín đỏ, nhà vườn phải chuẩn bị kỹ từ khâu làm giống đến chăm sóc hàng ngày. Tại vườn, lúc nào cũng có nhân viên hướng dẫn khách cách hái quả để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ hay làm dập nát trái dâu. Dâu tây ra quả quanh năm, nhưng từ tháng 12 đến tháng 3 sẽ cho năng suất cao nhất.
Do đảm bảo quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, giá dâu trong vườn dao động từ khoảng 250.000 đồng - 350.000 đồng/kg. Du khách có thể tự hái rồi cân tính tiền. Ngoài ra, nông trại còn bán mỗi gốc dâu tây trồng trong chậu với giá khoảng 50.000 đồng, và cam kết hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trồng dâu tây cho du khách có nhu cầu trồng tại nhà.
Giống dâu tây tại vườn chủ yếu là giống Nhật Bản, Hàn Quốc được vận chuyển từ Mộc Châu, Sơn La xuống. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của hai vùng khác nhau nên dâu trồng ở Hà Nội cho ra quả muộn hơn một chút. Về nho, vườn hiện có 2 giống chính là nho móng tay đen và nho hạ đen. Tất cả đều được chủ vườn che bạt, phủ ni lông, đề phòng mưa hoặc sương muối.
Tại huyện Mộc Châu, Sơn La, cây dâu tây bén rễ từ khoảng 10 năm trước, với diện tích khoảng 60 ha, trồng chủ yếu tại ba huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Mai Sơn. Khoảng một nửa diện tích này đang được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP.
Thông thường, vụ thu hoạch dâu tây bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến cuối tháng 5 năm sau. Tuy nhiên, nhiều nơi đã sản xuất thành công dâu tây trái vụ.
Giá bán dâu tây thông thường từ 250.000 - 350.000 đồng/kg. Với những quả to thuộc hàng loại I, giá bán có thể lên tới 400.000 - 500.000 đồng/kg. Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ chính của dâu tây, và chủ yếu ở dạng quả tươi. Khoảng 10 - 20% lượng quả được đưa vào chế biến.
Dâu tây đòi hỏi nhiều công chăm bón, nhất là lúc ra quả. Một số nhà sản xuất lớn đã sử dụng nhà màng, nhà lưới để dễ điều chỉnh môi trường, khí hậu vùng trồng dâu tây. Bên cạnh việc sử dụng như thực phẩm, dâu tây còn có thể làm cây cảnh, phục vụ dịp tết Nguyên đán.

Dâu tây tại Chimi Farm được canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Bảo Thắng.
Doanh thu hàng trăm triệu đồng
Bắt nguồn từ hai cơ sở đầu tiên tại huyện Mộc Châu là thôn Bản Áng, xã Đông Sang và cạnh đồi chè trái tim Mộc Châu, Chimi Farm đã mở rộng thêm hai cơ sở nữa tại Hà Nội: Bãi đá sông Hồng và Đông Anh. Anh Vũ Văn Đôn, chủ nông trại cho biết, để dâu tây ra quả thường xuyên, phục vụ khách hàng, cơ sở đã rải vụ từ hồi cuối năm 2021.
“Vào vụ chính, nông trại có thể đón tới 40-50 khách mỗi ngày. Đối tượng đến tham quan chủ yếu là gia đình có con nhỏ. Các bé có thể trải nghiệm hái dâu, cho thỏ, cừu ăn, và tham gia tiệc ngoài trời ngay tại vườn”, anh Đôn chia sẻ.
Nông trại dâu tây của anh Đôn chia thành hai khu vực: Nhà kính và ngoài trời. Cả hai đều cho khách tự do tham quan, chụp ảnh miễn phí. Nhờ sử dụng các loại phân bón hữu cơ kết hợp chăm sóc thường xuyên, nhà vườn đảm bảo cho khách hàng về chất lượng sản phẩm những quả dâu, quả nho mọng nước hái trên cây.
Theo anh Đôn, sản lượng mỗi vụ thu hoạch phụ thuộc vào hiệu quả chăm sóc. Đối với dâu, 1 ha cho thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn. Nho thu được nhiều hơn, khoảng 20 tấn/ha. Vụ trước, doanh thu của nông sản bán tại vườn lên tới 500 triệu đồng. Bên cạnh nguồn thu nhập ổn định, nông trại tạo công ăn việc làm cho hơn 10 công nhân tại chỗ, với mức lương ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Qua 3 năm hoạt động tại Hà Nội, cơ sở được cộng đồng đón nhận. Về mẫu mã, nho hay dâu tại vườn không thể so sánh với các thương phẩm bán tại chợ, siêu thị, nhưng định hướng của nông trại là tích hợp đa giá trị vào nông nghiệp. Du khách đến vườn không những để thưởng thức nông sản, mà còn bởi cảm giác được hái nho, hái dâu tây. Đó là điều chưa có nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp làm được.
“Mọi lứa tuổi đến đây đều được trải nghiệm thực tế. Niềm vui của họ lan tỏa sang những người làm vườn như chúng tôi. Chúng tôi thực sự thấy vui khi làm được việc có ích cho cộng đồng”, anh Đôn nhấn mạnh.

Ngoài nho, dâu tây, nông trại còn nuôi dê, cừu, thỏ... phục vụ hoạt động trải nghiệm của du khách. Ảnh: Bảo Thắng.
Thúc đẩy nông nghiệp xanh
Trong định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới, bên cạnh việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, một nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp xanh, xây dựng những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, đồng thời tích hợp đa giá trị vào sản phẩm.
Chimi Farm từng bước đi theo con đường ấy. Với suy nghĩ ban đầu làm ra để “thỏa mãn” đam mê của mình, những thành viên sáng lập Chimi Farm nhận thấy nhu cầu tìm đến và trải nghiệm thực tế tại nông trại của du khách rất cao, đặc biệt là người dân Thủ đô. Đó là lý do khiến nhóm điều hành quyết định đưa mô hình về đất Hà thành, giảm chi phí và thời gian di chuyển cho khách hàng.
Không vốn, không nhân lực, không kinh nghiệm chỉ có niềm đam mê nông nghiệp, những thành viên của nông trại dâu tây đã gặp nhiều khó khăn thời gian đầu. Theo anh Đôn, bên cạnh những buổi hướng dẫn kỹ thuật của HTX và một số đơn vị sản xuất nông nghiệp, thành viên của nông trại hầu như tự mày mò, học hỏi, từ cách trồng cây, tỉa cành tạo tán, cho tới bón phân thế nào cho đúng.
“Tất cả anh em ở đây không ai theo ngành nông nghiệp. Nhưng khi thích, tự mình sẽ tự tìm hiểu và vỡ vạc dần dần. Hy vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục được mọi người đón nhận để mở rộng diện tích mô hình, đáp ứng nhu cầu du lịch xanh, an toàn của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”, anh Đôn cười nói.
Chủ cơ sở đang liên kết với một số siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn tại Hà Nội để xúc tiến việc giao thương nông sản khi có vùng nguyên liệu đủ lớn. Trước mắt, nông trại tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại, phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp sạch, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng.
Bạn Nguyễn Trà My, 19 tuổi, hiện làm việc bán thời gian tại Chimi Farm. Sau vài tháng trải nghiệm, My cho biết, làm nông nghiệp có nhiều điểm thú vị. "Đặc biệt nhất là cảm giác mình tạo ra được những sản phẩm sạch, phục vụ mọi người", My nói.
Đang theo học ngành du lịch, nên My coi quãng thời gian tại nông trại dâu tây ở Đông Anh thực sự đáng quý, là "vốn kinh nghiệm" để định hướng công việc sau này.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/mot-goc-moc-chau-giua-long-ha-noi-d314148.html