Thứ sáu 09/05/2025 - 12:35
Chính trị
Mở khóa tăng trưởng từ Luật Quy hoạch
Thứ Sáu 09/05/2025 - 12:33
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, sẽ kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, mở rộng không gian phát triển và trao quyền nhiều hơn cho địa phương.
Sáng 9/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp lần này, được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bộ máy chính quyền các cấp đang từng bước tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, sẽ kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, mở rộng không gian phát triển và trao quyền nhiều hơn cho địa phương. (Ảnh minh hoạ)
Bỏ thủ tục rườm rà, mở rộng phân quyền
Theo Chính phủ, việc sửa luật lần này nhằm vào ba mục tiêu lớn: hoàn thiện chính sách pháp luật về quy hoạch, nâng cao tính chủ động cho địa phương và khơi thông điểm nghẽn trong tổ chức bộ máy. Một trong những thay đổi nổi bật là đề xuất thay cụm từ "Hệ thống quy hoạch quốc gia" bằng "Hệ thống quy hoạch" để bao trùm cả các loại quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành - vốn trước đây còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ.
Đặc biệt, nhiều thủ tục được đánh giá là không còn phù hợp với thực tiễn đã bị loại bỏ. Chẳng hạn, quy định xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch hay một số bước trung gian trong quá trình thẩm định sẽ được rút gọn. Chính phủ đề xuất đẩy mạnh phân cấp, trao quyền lập và điều chỉnh quy hoạch cho các bộ, ngành, địa phương, từ đó tăng tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Một điểm mới đáng chú ý là quy định cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia và không gian biển quốc gia mà không cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tăng khả năng phản ứng chính sách.
Thận trọng với những tài nguyên quốc gia
Tuy đánh giá cao tinh thần phân cấp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội vẫn nhấn mạnh sự thận trọng cần thiết với các loại quy hoạch liên quan đến tài nguyên quốc gia đặc biệt như đất đai và không gian biển. Việc giao Chính phủ quyết định hai loại quy hoạch này phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm không vượt thẩm quyền tối cao của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi cho biết, việc sửa Luật Quy hoạch lần này không chỉ là đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn là nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về đổi mới mô hình phát triển. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý một khoảng trống lớn trong dự thảo khi chưa làm rõ tính tương thích giữa luật này và các luật chuyên ngành như Đầu tư, Đầu tư công, PPP, Đấu thầu, hay Quy hoạch đô thị và nông thôn. “Nếu không rà soát đồng bộ, nguy cơ gỡ được một điểm nghẽn lại tạo thêm điểm nghẽn mới là hoàn toàn hiện hữu”, ông nói.
Giải pháp đồng bộ để tránh “loạn” quy hoạch
Một trong những vướng mắc thực tiễn là các khái niệm như “tích hợp quy hoạch”, “phù hợp với quy hoạch”, hay giá trị pháp lý của bản đồ, sơ đồ quy hoạch... đến nay vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi địa phương hiểu và áp dụng một kiểu, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án đầu tư, thậm chí gây lúng túng trong xét duyệt và thẩm định.
Dự thảo Luật cũng đề xuất chuyển quyền phê duyệt danh mục dự án ưu tiên từ Quốc hội, Thủ tướng sang các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đây được kỳ vọng là “cú hích” lớn giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư, song cũng đồng thời đặt ra yêu cầu kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn để tránh lạm quyền và đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ tiêu chí đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch, đặc biệt trong trường hợp xuất hiện xung đột giữa các loại quy hoạch cùng cấp phê duyệt. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự điều chỉnh quy hoạch sau sáp nhập đơn vị hành chính, tránh tạo lỗ hổng pháp lý hoặc trì hoãn triển khai dự án.
Tư duy đổi mới phải đi cùng hành động trách nhiệm
Luật Quy hoạch từng được đánh giá là bước đột phá thể chế khi ra đời vào năm 2017, góp phần xóa bỏ hàng trăm quy hoạch sản phẩm, giảm thiểu rào cản thị trường. Nhưng thực tiễn triển khai trong 8 năm qua cũng cho thấy rõ những giới hạn về tính đồng bộ và hiệu quả tổ chức bộ máy.
Việc sửa đổi lần này là cơ hội quan trọng để khơi thông dòng chảy phát triển quốc gia, mở khóa cho hàng loạt nguồn lực đang bị "đóng băng" bởi những vướng mắc trong quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, để Luật thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ cần một hành lang pháp lý rõ ràng mà còn cần sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và trên hết là trách nhiệm chính trị cao từ người đứng đầu.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/mo-khoa-tang-truong-tu-luat-quy-hoach-d752251.html