| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 18:55

Thủy sản

'Mở đường lớn' cho cá rô phi Việt Nam 'bơi' ra thế giới

Thứ Hai 28/04/2025 - 18:50

Ông Trần Đình Luân nhận định, cá rô phi đang vào giai đoạn thuận lợi, mở ra cơ hội phát triển chuỗi giá trị và tăng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong bối cảnh thị trường thủy sản toàn cầu liên tục biến động, cá rô phi đang nổi lên như một đối tượng tiềm năng giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và gia tăng giá trị bền vững. Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chia sẻ những đánh giá về cơ hội phát triển ngành cá rô phi Việt Nam, các thách thức cần vượt qua, cùng những định hướng chiến lược để xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho mặt hàng này.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: MP.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: MP.

Biến động thị trường tạo "thời cơ vàng" mở rộng thị trường xuất khẩu

Việc một số thị trường có điều chỉnh chính sách thương mại với cá rô phi nhập khẩu có thể mở ra cơ hội cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu của cá rô phi Việt Nam trong thời gian tới?

Trong chiến lược phát triển thủy sản và chương trình phát triển thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài những đối tượng chủ lực hiện nay như tôm, cá tra và các nhóm đối tượng khác, cá rô phi là một trong những đối tượng đã được ưu tiên trong chương trình.

Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta thấy có sự nhảy vọt về công tác chuẩn bị, giống, thức ăn và nuôi. Chính vì thế, từ năm 2023 đến năm 2024, giá trị xuất khẩu cá rô phi tăng từ 17 triệu USD lên đến 41 triệu USD.

Bối cảnh hiện nay rất thuận lợi khi một số quốc gia có thế mạnh về cá rô phi (đối thủ cạnh tranh của chúng ta) đang gặp khó khăn nhất định. Vì vậy, việc phát triển các đối tượng chủ lực, đồng thời đa dạng hóa các đối tượng, trong đó có cá rô phi, là một trong những sản phẩm tiềm năng lợi thế.

Cá rô phi là đối tượng nuôi tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam.

Cá rô phi là đối tượng nuôi tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam.

Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt từ nghiên cứu khoa học về giống, thức ăn, phát triển các mô hình nuôi, đặc biệt là đã có những hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu, các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản này cũng có các sản phẩm OCOP đối với cá rô phi.

Với sự biến động thị trường và sự chuẩn bị từ nhiều năm, đây là một lợi thế để phát huy tiềm năng ngành hàng cá rô phi, đặc biệt ở các khu vực nước ngọt, nước lợ.

Công nghệ chế biến hiện đại sẽ là "đầu kéo" để sản phẩm cá rô phi vươn xa

Cá rô phi được xem là một trong những sản phẩm thủy sản có tiềm năng phát triển nhờ đặc tính dễ nuôi và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, ngành hàng này ở Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng về quy mô và giá trị xuất khẩu. Theo ông, đâu là những thách thức lớn cản trở sự phát triển của ngành hàng này?

Trước đây, chúng ta quá tập trung vào một số đối tượng chủ lực như tôm và cá tra, mà chưa chú trọng đến những đối tượng khác có tiềm năng phát triển. Mặt khác, thời gian qua, chúng ta gặp khó khăn trong việc chuẩn bị con giống và quy trình nuôi, để phát huy tiềm năng lợi thế của cá rô phi.

Chúng ta cũng chưa khai thác hiệu quả diện tích mặt nước trên các hồ chứa hoặc chưa thực hiện luân canh giữa tôm và cá rô phi, hoặc giữa cá rô phi và các đối tượng khác để đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi, thay đổi môi trường và đa dạng hóa sản phẩm.

Đây là lúc chúng ta cần tập hợp lại các nguồn lực và xác định cá rô phi là đối tượng chủ lực, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn và kết nối từ các cơ sở chọn giống, viện nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống đến các vùng nuôi.

Đặc biệt, một tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã có những nhà máy đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến cá rô phi. Tôi tin rằng, các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại sẽ là "đầu kéo" để các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương và hệ thống khuyến nông, hợp tác với nhau để đào tạo, tập huấn, xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, theo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Trong bối cảnh cần đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, cơ quan quản lý có định hướng gì nhằm hỗ trợ các địa phương phát triển chuỗi giá trị cá rô phi - từ giống, quy trình nuôi, đến chế biến và tiêu thụ? Liệu sẽ có chính sách ưu tiên hay hỗ trợ cụ thể nào dành cho các doanh nghiệp và vùng nuôi trọng điểm?

Chúng ta sẽ phân ra các vùng để có định hướng phát triển phù hợp. Ví dụ, khu vực hồ sông Long đã được đa dạng hóa để nuôi tôm kết hợp cá rô phi. Tuy nhiên, còn những vùng nuôi có tiềm năng nhưng chưa được chuẩn hóa để nuôi cá rô phi.

Do đó, tôi đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người dân để tạo ra vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Thứ hai, ở khu vực miền Trung, miền Bắc và đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chúng ta cần giao mặt nước cho người dân và doanh nghiệp, các hợp tác xã để đầu tư nuôi trồng, đồng thời gắn kết với các nhà máy chế biến.

Quan trọng nhất là, chúng ta phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá rô phi của Việt Nam đạt tiêu chí cao theo yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất bài bản để giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi và các nhà máy chế biến.

Ngoài các sản phẩm chính, cá rô phi còn có rất nhiều sản phẩm phụ như vây, da và các phần còn lại, có thể phát triển thành sản phẩm giá trị gia tăng. Với một kế hoạch tổng thể như vậy, chúng tôi hy vọng có thể khép kín chuỗi giá trị của cá rô phi.

Cùng với sự chuẩn bị tốt từ các doanh nghiệp, địa phương, người dân và cơ quan quản lý, chúng ta sẽ phát huy được tiềm năng và tạo dựng một vị thế vững chắc trên thị trường xuất khẩu toàn cầu trong thời gian ngắn.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/mo-duong-lon-cho-ca-ro-phi-viet-nam-boi-ra-the-gioi-d750609.html