| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 25/05/2025 - 08:27

Lăng kính

Minh bạch thông tin trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

Chủ Nhật 25/05/2025 - 08:20

Bài học từ Bắc Kinh, Ấn Độ và Mỹ cho thấy minh bạch thông tin không khí là bước khởi đầu không thể thiếu trong mọi chiến lược chống ô nhiễm.

Dữ liệu không cứu được ai, nhưng sự giấu giếm dữ liệu có thể giết chết cả một thế hệ.

Đó không phải là câu nói cường điệu, mà là thực tế từng xảy ra ở Bắc Kinh cách đây hơn một thập kỷ, khi người dân ra đường với khẩu trang N95, trong khi bản tin thời tiết vẫn báo "trời nhiều mây". Thủ đô của Trung Quốc lúc ấy ngột ngạt không chỉ vì khói bụi, mà còn vì bức màn dối trá phủ lên những con số.

Cho đến khi một Đại sứ quán nước ngoài, cụ thể là Mỹ cho lắp trạm quan trắc độc lập và công bố chỉ số PM2.5 theo giờ, tình thế mới bắt đầu đổi chiều. Việc đó không chỉ làm dậy sóng dư luận, mà còn trở thành liều thuốc thử phơi bày năng lực và thiện chí của chính quyền trong đối phó ô nhiễm không khí.

Và Bắc Kinh, sau nhiều lần phủ nhận, cuối cùng phải chọn minh bạch thông tin, như cách một bệnh nhân buộc phải soi chiếu tổn thương để bắt đầu điều trị.

Việc minh bạch thông tin tưởng như là một động thái kỹ thuật, công bố chỉ số AQI, bảng điện tử ngoài trời, vài ứng dụng cập nhật thời gian thực... Nhưng thực chất, nó là một giải pháp chính trị sâu sắc.

Bởi ngay khi các con số được mở ra cho toàn dân, quyền được biết trở thành quyền được yêu cầu hành động.

Người dân không còn thụ động với những thông tin từ chính quyền, mà đòi hỏi các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm, cải tạo lưới điện than, tăng cường cây xanh, kiểm soát chất lượng xăng dầu…

Ở Bắc Kinh, chỉ sau ba năm công bố dữ liệu PM2.5 công khai, mức ô nhiễm trung bình giảm hơn 30%. Trong một hệ thống vốn không nổi tiếng về sự cởi mở, minh bạch thông tin lại trở thành cú hích tạo ra sức ép từ dưới lên, buộc chính quyền địa phương phải đối mặt với sự thật và hành động vì lòng tin xã hội.

Ấn Độ cũng từng chọn cách này, trong bối cảnh New Delhi nhiều năm liên tiếp dẫn đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Ứng dụng “Sameer” của chính phủ được thiết kế để người dân cập nhật chất lượng không khí theo thời gian thực, với từng khu vực cụ thể.

Nhờ đó, báo chí, xã hội dân sự và cả tòa án tối cao Ấn Độ có cơ sở dữ liệu để chất vấn, buộc các địa phương phải ra lệnh cấm đốt rơm rạ, kiểm soát xe diesel, và lập quỹ bảo vệ không khí.

Tại Mỹ, minh bạch thông tin là điều hiển nhiên. Hệ thống AirNow.gov của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) công khai mọi chỉ số ô nhiễm. Khi mức AQI vượt ngưỡng, không cần có ai ra lệnh: toàn bộ hệ thống trường học, bệnh viện, giao thông, thể thao đều tự động kích hoạt cảnh báo.

Tại đây, người dân tin vào dữ liệu, và dữ liệu vận hành chính sách, đó là vòng tròn tin cậy mà bất cứ quốc gia văn minh nào cũng hướng đến.

Trong khi đó, vấn đề của nhiều thành phố châu Á, trong đó có không ít đô thị Việt Nam thì không nằm ở năng lực công nghệ, mà nằm ở tâm thế quản lý. Đó là sự sợ hãi sự minh bạch thông tin, sợ bị phản ứng... và đã chọn cách an toàn với những số liệu. 

Tuy nhiên, che giấu không làm không khí trong lành hơn. Nó chỉ làm tăng khoảng cách giữa sự thật và sự tin tưởng, vốn là gốc rễ của mọi khủng hoảng xã hội.

Khi người dân không thể biết mức độ ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của mình, họ không thể điều chỉnh hành vi.

Khi doanh nghiệp không biết thành phố đang đặt chỉ tiêu gì về chất lượng không khí, họ không có động lực đổi mới công nghệ.

Và khi nhà báo không tiếp cận được dữ liệu, họ không thể phản ánh đúng mối nguy mà cả xã hội đang đối mặt.

Việt Nam, đã đến lúc phải lựa chọn?!

Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... đều đang có hệ thống quan trắc không khí. Nhưng nếu hỏi người dân ở Quận 12, quận Hoàng Mai, hay Cẩm Lệ hôm nay PM2.5 là bao nhiêu, nguy cơ là gì, thì phần lớn đều lắc đầu. Có nghĩa là: dữ liệu đang tồn tại, nhưng không có công dụng trong quản trị công…

Minh bạch thông tin không phải là vũ khí mạnh nhất để dẹp ô nhiễm, nhưng là điều kiện tiên quyết để những vũ khí khác phát huy hiệu quả.

Không thể có cảnh báo y tế nếu không có số liệu. Không thể có chính sách ưu tiên xe điện nếu không biết nguồn gây ô nhiễm lớn nhất đến từ đâu. Không thể có trách nhiệm giải trình nếu dữ liệu chỉ nằm trong tay một vài cán bộ kỹ thuật.

Minh bạch là điểm khởi đầu của sự cải cách, và cũng là thuốc thử cho cam kết của chính quyền. Chính phủ muốn dân tin vào các chỉ số tăng trưởng, vào số liệu ngân sách, vào quy hoạch... thì không thể tiếp tục giấu con số về thứ người dân hít thở mỗi ngày.

Thông tin về nó phải được xem là tài sản công, được công bố công khai như ngân sách, quy hoạch hay tình hình dịch bệnh. Điều này không chỉ để bảo vệ sức khỏe, mà còn là cơ sở để hình thành một nền văn hóa chính sách minh bạch và có trách nhiệm.

Bắc Kinh đã đi trước một bước, không phải vì họ dân chủ hơn, mà vì họ hiểu rằng điều tệ hại nhất không phải là ô nhiễm, mà là mất lòng tin. Một khi dữ liệu bị nghi ngờ, mọi cam kết sẽ trở nên vô nghĩa.

Và một khi người dân mất niềm tin vào những gì họ hít thở mỗi ngày, thì chính quyền sẽ khó giữ được sự tín nhiệm cho những chính sách dài hạn hơn.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/minh-bach-thong-tin-trong-cuoc-chien-chong-o-nhiem-khong-khi-d753438.html