Thứ ba 13/05/2025 - 10:06
Nhìn ra thế giới
Malaysia điều chỉnh lại kế hoạch 'ngoại giao đười ươi'
Thứ Hai 19/08/2024 - 09:39
Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia cho biết các nước nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia có thể nhận nuôi đười ươi nhưng không được mang chúng ra nước ngoài.
- Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia, 63.000 nông dân hưởng lợi
- Trung Quốc muốn kết nối các tuyến đường sắt Đông Nam Á với nhau
- Malaysia tăng cường nhập khẩu giống lúa lai Trung Quốc
Hồi tháng 5/2024, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia Johari Abdul Ghani đã đưa ra kế hoạch tặng đười ươi cho các quốc gia nhập khẩu dầu cọ như một phần của kế hoạch "ngoại giao đười ươi". Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm xoa dịu lo ngại về tác động đối với môi trường của ngành công nghiệp dầu cọ, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia.
Tuy nhiên, kế hoạch "ngoại giao đười ươi" này đã vấp phải sự phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường lo ngại rằng điều kiện sống của đười ươi sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
"Các loài động vật hoang dã không thể bị tách khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng. Chúng ta phải giữ chúng ở đây. Và sau đó, chúng tôi sẽ gặp các quốc gia và các đơn vị mua dầu cọ của chúng tôi để thảo luận về việc hợp tác để đảm bảo rằng những khu rừng này có thể được chăm sóc và bảo tồn vĩnh viễn", Bộ trưởng Johari phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/8 ở Sabah, phía bắc Borneo.
Ông Johari cũng cam kết ngăn chặn nạn phá rừng ở Malaysia, cho biết rằng 54% diện tích đất nước là rừng và tỷ lệ này sẽ không giảm xuống dưới mức 50%.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết số lượng cá thể đười ươi của Malaysia hiện chỉ còn gần 105.000 con trên đảo Borneo. Trong khi đó, đười ươi Sumatra, được tìm thấy ở phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia hiện chỉ còn khoảng 7.500 cá thể.
Kế hoạch "ngoại giao đười ươi" lần đầu tiên được công bố vào tháng 5/2024 sau khi Liên minh Châu Âu thông qua lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề và lên án lệnh cấm trên là phân biệt đối xử.
Dầu cọ được sử dụng trong hơn một nửa sản phẩm đóng gói được bày bán tại các siêu thị, từ bánh pizza, bánh quy đến son môi và dầu gội đầu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dầu cọ toàn cầu được cho là một trong những yếu tố làm gia tăng tốc độ phá rừng tại Malaysia và nước láng giềng Indonesia gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.
Ông Johari cho biết số tiền nhận được từ các công ty nhận nuôi đười ươi sẽ được phân phối cho các tổ chức phi chính phủ và chính quyền Sabah để giám sát các khu vực rừng nơi loài vật sinh sống và theo dõi tình trạng sức khỏe của đười ươi. Tuy nhiên, ông không tiết lộ về về chi phí nhận nuôi đười ươi.
Marc Ancrenaz, giám đốc khoa học của tổ chức phi chính phủ Hutan, cho biết ông hy vọng kế hoạch này có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc bảo tồn môi trường sống của đười ươi ở Malaysia.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/malaysia-dieu-chinh-lai-ke-hoach-ngoai-giao-duoi-uoi-d396744.html