Thứ hai 28/04/2025 - 14:55
Đất đai
Luật hóa việc quản lý, sử dụng không gian ngầm ở Hà Nội
Thứ Hai 28/04/2025 - 14:54
Việc sử dụng không gian ngầm để đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo khai thác hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm hành lang bảo vệ an toàn công trình…
- Luật Thủ đô - Những chính sách đặc thù, vượt trội: [Bài 2] Tối ưu hóa không gian ngầm
- Chống ngập lụt tại TP.HCM: Định hướng không gian ngầm, phân vùng chống ngập
- TP.HCM lập tổ công tác nghiên cứu phát triển không gian đô thị
- Quy hoạch Thủ đô: Cần tập trung phát triển, xây dựng đô thị ngầm
Nhu cầu tăng mạnh
Theo Bộ Xây dựng, những năm gần đây nhu cầu về xây dựng công trình ngầm (giao thông ngầm, đầu mối kỹ thuật ngầm, phần ngầm công trình xây dựng trên mặt đất,…) đang tăng mạnh do nhu cầu về phát triển đô thị, đặc biệt ở những đô thị lớn như thành phố Hà Nội. Hệ thống đường sắt đô thị được triển khai đòi hỏi phải sử dụng không gian ngầm để liên kết, kết hợp sử dụng không gian ngầm với không gian trên mặt đất, không gian trên cao cho phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.
Việc quản lý không gian ngầm hiện đang được thực hiện tại một số văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024, Luật Xây dựng 2014... Tuy nhiên, các pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ, cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm, chưa có quy định giới hạn quyền sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất.
Do đó, việc phát triển không gian ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội còn đang gặp một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai xây dựng công trình ngầm. Ví dụ thời gian qua đã có những công trình ngầm hiện hữu ở một số khu vực, làm ảnh hưởng tới các hoạt động xây dựng khác, đặc biệt là các công trình đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội, khi đi ngầm qua khu vực đất thuộc quyền sử dụng của người dân); do các quy định pháp luật hiện tại chưa quy định rõ về quyền và nghĩa vụ sử dụng của người dân, tổ chức liên quan đến chiều sâu xây dựng công trình ngầm cũng như quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý công trình ngầm và lợi ích của Nhà nước và xã hội khi xây dựng công trình ngầm.

Ưu tiên sử dụng không gian ngầm để xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị. Ảnh minh họa.
Việc luật hóa các quy định quản lý, sử dụng không gian ngầm tại các thành phố lớn như Hà Nội rất cần thiết, để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Không phát sinh thủ tục hành chính và yêu cầu về nguồn lực
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP. Hà Nội nhằm cụ thể hóa khoản 2 Điều 19 của Luật Thủ đô. Dự thảo gồm có 03 Chương, 11 Điều.
Trong đó, về yêu cầu chung về quản lý, sử dụng không gian ngầm, Dự thảo quy định: Không gian ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng.
Đồng thời, việc sử dụng không gian ngầm để đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thủ đô và các yêu cầu sau đây: Tuân thủ quy định của các pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, đất đai, xây dựng, di sản văn hóa và các pháp luật khác có liên quan; Phù hợp với phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm theo quy hoạch; Bảo đảm khai thác hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm hành lang bảo vệ an toàn công trình…
Dự thảo quy định ưu tiên sử dụng không gian ngầm để xây dựng các công trình sau: Công trình quốc phòng, an ninh và phần ngầm của các công trình cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị; Công trình ngầm thuộc danh mục các công trình được khuyến khích đầu tư xây dựng do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô.
Bộ Xây dựng khẳng định, những quy định trong dự thảo Nghị định về cơ bản không làm phát sinh thêm các yêu cầu nguồn lực về tài chính và nhân lực để thực hiện, có thể tiếp tục sử dụng và duy trì nguồn lực về tài chính, bộ máy tổ chức tại các cơ quan có thẩm quyền về cấp phép xây dựng, đất đai, tài chính hiện nay.
Đồng thời những quy định trong dự thảo Nghị định không phát sinh thủ tục hành chính; nội dung giao Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 thể hiện việc phân cấp, phân quyền sẽ tạo sự chủ động cho thành phố Hà Nội theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản pháp luật.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/luat-hoa-viec-quan-ly-su-dung-khong-gian-ngam-o-ha-noi-d750583.html