Thứ bảy 17/05/2025 - 13:54
Phân bón
Lựa chọn phân bón đúng để nông sản không bị tồn dư Cadimi
Thứ Bảy 17/05/2025 - 13:52
Hàm lượng Cadimi (Cd) tồn tại trong phân bón như thế nào, phương pháp sản xuất, lựa chọn phân bón sao cho phù hợp để hạn chế tồn dư Cadimi trong nông sản?
- Đề xuất ngăn ngừa Cadimi xâm nhập vào nông sản bằng Biochar
- Thái Lan lo lắng về thời gian kiểm nghiệm sầu riêng
- Giải pháp canh tác sầu riêng kiểm soát tồn dư hóa chất
- Hiểu đúng về Cadimi
Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị rất cao. Xuất khẩu sầu riêng từng đạt 3,2 tỉ USD năm 2024, nhưng đang có dấu hiệu chững lại, qua 4 tháng đầu năm 2025 lượng xuất khẩu mới chỉ đạt 20% kế hoạch năm. Nguyên nhân, do phía Trung Quốc, Mỹ, EU siết chặt việc kiểm soát hàm lượng Cadimi (Cd) trong nông sản, tạo thành rào cản kỹ thuật với sầu riêng Việt Nam.

Xuất khẩu sầu riêng 4 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam hiện đang chững so với cùng kỳ năm 2024.
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân nông sản bị nhiễm Cadimi là do sử dụng quá nhiều phân bón sản xuất từ quặng chứa phốt pho (quặng phốt phát/apatit). Vậy luận điểm trên có thực sự chính xác không?
Trước hết, như ta biết, Cadimi là một kim loại nặng, các hợp chất của nó rất độc cho con người. Trong tự nhiên, các mỏ Cadimi rất hiếm, nó thường được tìm thấy với hàm lượng rất thấp trong các mỏ quặng sulfua, chì, đồng và phốt phát. Đúng là khi ta sử dụng quặng phốt phát chế biến các loại phân bón trong sản phẩm sẽ có chứa một lượng Cadimi nhất định.
Vậy hàm lượng Cadimi tồn dư trong phân bón phụ thuộc vào những yếu tố nào? Những phân bón nào thường chứa hàm lượng Cadimi cao? Những loại phân bón nào không an toàn khi sử dụng ảnh hưởng đến chất lượng nông sản?
Thứ Nhất: Hàm lượng Cadimi (Cd) trong phân lân phụ thuộc vào hàm lượng của nó trong nguyên liệu sản xuất.
Các quặng phốt phát trên thế giới thường có hàm lượng Cd cao, như mỏ ở Florida 3,31 mg Cd/kg quặng; hàm lượng này ở bang Idaho Hoa Kỳ là 199; Morocco là 507; Taiba (Senegal) là 87; Zin- Israel là 31; Tunisia là 40; Tongo là 58. Do đó, các nơi này thường quy định hàm lượng hàm lượng Cd trong sản phẩm ở mức khá cao. Ví dụ: tại Hoa Kỳ, bang Washinton quy định mức Cd không vượt quá 889mg/kg P2O5; bang Oregon tỷ lệ này là 338mg; bang California 180mg; ở Úc 131mg; ở Canada là 889mg và Nhật là 340mg.
Với khối EU, hàm lượng Cadimi được tính theo lượng P2O5 như sau: Tại Bỉ là 90mg Cd/P2O5; Đan Mạch là 45mg Cd/P2O5; Phần Lan là 22mg Cd/P2O5; Đức là 60mg Cd/P2O5; Bồ Đào Nha là 44mg Cd/P2O5; Anh là 115mg Cd/kg P2O5… Chính vì vậy, các loại phân bón chứa lân nhập ngoại, hàm lượng Cd thường ở mức khá cao, nên thông qua đây nông dân cũng cần thay đổi ngay tư tưởng sính ngoại hoặc mặc định hàng ngoại tiêu chuẩn nào cũng cao.
Theo các tài liệu khoa học đã được công bố, hiện quặng phốt phát ở Liên bang Nga và Việt Nam có hàm lượng Cd thuộc vào loại thấp trên thế giới (quặng apatit Lào Cai 4,25 mg/kg) nên phân bón của Nga và Việt Nam có hàm lượng Cd chỉ bằng khoảng 1/10 so với trung bình thế giới. Việt Nam hiện quy định hàm lượng Cd trong phân lân tối đa chỉ là 12 mg/kg, mức rất thấp trên thế giới.

Việt Nam và Liên bang Nga là một trong hai quốc gia sở hữu mỏ quặng phốt phát/apatit có hàm lượng Cd trong quặng tự nhiên ở mức rất thấp.
Thứ Hai: Hàm lượng Cd phụ thuộc vào phương pháp sản xuất phân bón.
Nếu dùng axit phân hủy quặng phốt phát như trong sản xuất supe đơn, supe kép, DAP, MAP… thì Cd không bị đào thải đi đâu mà nằm nguyên trong sản phẩm. Khi đó, chất lượng sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào hàm lượng Cd trong quặng phốt phát và lượng quặng phốt phát dùng sản xuất 1kg phân bón.
Khi phối hợp quặng phốt phát với các loại quặng khác không chứa Cd rồi nung apatit lên nhiệt độ cao để sản xuất lân nung chảy hàm lượng Cd trong apatit bị pha loãng ra, hơn nữa một phần Cd bị bay bốc ở nhiệt độ cao nên hàm lượng tồn lại trong sản phẩm thường nhỏ hơn. Những nghiên cứu gần đây thấy rằng trong lân supe sản xuất trong nước chứa Cd 2,77 mg/kg còn lân nung chảy sản xuất trong nước hàm lượng Cd 2,63 mg/kg;
Như vậy, với sản phẩm phân bón chứa lân do các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sản xuất thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Apromaco, Hóa chất Đức Giang,… nông dân yên tâm sử dụng bởi hàm lượng Cd luôn dưới ngưỡng quy định mức tối đa rất nhiều. Trong khi đó, các loại supe phốt phát, DAP, MAP… nhập khẩu từ các vùng có quặng phốt phát hàm lượng Cd cao sẵn ngoài tự nhiên như Israel, Trung Đông, Hàn Quốc và thậm chí từ EU rất cần phải cảnh giác.
Thứ Ba: không chỉ có các loại phân sản xuất bằng quặng phốt phát mới chứa Cd. Các loại phân NPK sử dụng các loại supe (đơn, kép, giàu) MAP, DAP… cũng chứa Cd. Đặc biệt NPK sản xuất bằng các loại lân nhập khẩu hàm lượng Cd thường cao.
Thứ Tư: Phân hữu cơ cũng chứa Cd, đặc biệt là phân gà. Trong đó, phân sản xuất từ bùn hữu cơ xử lý chất thải đô thị rất hay chứa Cd từ chuỗi thức ăn, từ Cd trong các loại sơn, chất tạo màu hoặc pin Ni-Cd thải, vật liệu que hàn thải bỏ…
Do đó, cũng cần phải phân biệt rõ phân hữu cơ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nào, độ tinh khiết ra sao, tránh suy diễn mặc định việc dùng phân hữu cơ sản phẩm sạch hơn vô cơ mà lạm dụng quá nhiều. Chỉ nên dùng lượng phân hữu cơ phù hợp, phân hữu cơ để cải tạo đất, không nên coi phân hữu cơ là nguồn cung cấp các yếu tố dinh dưỡng đa lượng vì tỷ lệ Cadimi/P2O5 trong phân hữu cơ có thể rất cao, đặc biệt là phân gà.
Để so sánh, trong 1kg phân lân nung chảy có 160 gam P2O5 và khoảng 2,63mg Cadimi, trong khi đó 1kg phân gà Nhật có 20 gam P2O5 và 1,87 mg Cadimi. Tính ra, lượng Cadimi/P2O5 trong phân gà nhập từ Nhật Bản nhiều gấp gần 6 lần so với lân nung chảy sản xuất tại Việt Nam.
Trên đây là một vài phân tích về nguyên nhân nông sản, trong đó có sầu riêng nhiễm Cadimi cũng như một vài gợi ý về cách sử dụng phân bón giúp bà con nông dân có thể tìm hiểu, lựa chọn loại phân bón phù hợp để canh tác có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tránh tư tưởng sính ngoại vừa đắt đỏ mà đôi khi lại gây hại cho sản phẩm cây trồng, nhất là sản phẩm có giá trị cao như trái sầu riêng.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/lua-chon-phan-bon-dung-de-nong-san-khong-bi-ton-du-cadimi-d753652.html