Chủ nhật 27/04/2025 - 22:13
Chăn nuôi
Lúa bị bệnh LSĐ: Bắt đầu nghẽn đòng!
Thứ Ba 06/04/2010 - 10:08
Bệnh LSĐ bắt đầu đáng lo ngại khi nhiều diện tích lúa nhiễm bệnh bị nghẽn đòng, không trổ thoát.
Bệnh LSĐ bắt đầu đáng lo ngại khi nhiều diện tích lúa nhiễm bệnh bị nghẽn đòng, không trổ thoát.
Tại cuộc họp BCĐ phòng trừ bệnh LSĐ chiều qua, Cục BVTV cho biết mặc dù số tỉnh xuất hiện dịch không tăng nhiều nhưng diện tích nhiễm bệnh tại các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra vẫn tiếp tục lan nhanh, trung bình trên 100 ha mỗi ngày. Tính đến ngày hôm qua, diện tích nhiễm bệnh đã tăng thêm gần 900 ha trong vòng 1 tuần trở lại đây. Tại các tỉnh Tây Bắc, dịch diễn biến khá phức tạp khi diện tích nhiễm bệnh tại Hòa Bình và Lai Châu tăng gần 250 ha trong vòng 1 tuần. Dịch cũng đã bắt đầu “leo” tới tỉnh vùng cao Sơn La và Điện Biên.
Trong khi “rốn dịch” Thái Bình đã tạm lắng thì tại Ninh Bình trong ít ngày gần đây, dịch LSĐ bất ngờ bùng lên dữ dội. Chỉ trong 3- 5 ngày gần đây, số diện tích nhiễm bệnh bất ngờ lan nhanh gấp đôi so với đầu vụ đến nay, nâng tổng số diện tích nhiễm bệnh toàn tỉnh lên trên 1.500 ha. Đa số diện tích mới nhiễm bệnh tại tỉnh này đều rơi vào các vùng lúa giống chất lượng cao tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn...Đặc biệt nguy hiểm tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, nhiều diện tích lúa trà xuân sớm (cấy sớm để tránh lũ) đang phát triển tốt, chuẩn bị phân đòng bỗng bùng phát bệnh với tốc độ chóng mặt. Các ruộng lúa bị bệnh có biểu hiện lùn nhanh, lá đòng xoắn lại và không thể trổ thoát đòng. Đây là biểu hiện tương tự như lúa bị bệnh ở thời kỳ hóa đòng tại Thái Bình và Nam Định trong vụ mùa 2009.
Đủ ba dấu hiệu, không cần xét nghiệm TS Hà Viết Cường (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho biết qua khảo sát, so sánh đối chiếu hàng loạt các mẫu lúa có triệu chứng bị bệnh cho thấy các triệu chứng của lúa bị bệnh hiện nay là hết sức đa dạng. Tuy nhiên, các mẫu lúa xét nghiệm có phản ứng dương tính với virus LSĐ thì có 3 dấu hiệu đặc trưng chung là: Thân và lá xuất hiện các sọc xốp đen chạy dài đứt quãng; lá lúa bị rách răng cưa và đầu lá bị cuốn xoăn. Theo TS Cường, nếu địa phương nào phát hiện lúa có đủ ba dấu hiệu trên thì có thể khẳng định chính xác là lúa đã bị virus LSĐ mà không cần phải lấy mẫu xét nghiệm.
Như vậy là sau nửa tháng, những cảnh báo của Viện BVTV lo ngại về sự bùng phát bệnh LSĐ ở giai đoạn lúa trổ đòng đã bắt đầu thành hiện thực.
Trong khi đó tại Nam Trung bộ, Viện BVTV cho biết dịch đã xuất hiện sâu vào một số diện tích ngoài thành TP Đà Nẵng. Tại Quảng Nam, Sở NN-PTNT cho biết lúa hiện đang vào thời kỳ chín. Hơn 50ha lúa bị bệnh đến thời điểm này hoặc đã hư hại hoàn toàn, hoặc có trổ bông nhưng đều bị lép và đen hạt, không cho thu hoạch. “Chúng tôi lo nhất là vụ HT sắp tới. Vì thời gian chuyển vụ ĐX sang HT còn rất ngắn nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án phòng trừ bệnh cho vụ HT sắp tới” – ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam lo ngại.
Ông Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình cũng băn khoăn cho biết tỉnh này đang bắt đầu tính đến phương án dài hơi để ngăn chặn bệnh lây lan sang vụ mùa. “Nên chăng các Cục, Viện chuyên môn cần đưa ra các giải pháp phòng tránh để các địa phương chủ động triển khai ngay trước khi vụ mùa tới” – ông Định nêu ý kiến.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/lua-bi-benh-lsd-bat-dau-nghen-dong-d46859.html