| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 14:21

Biến đổi khí hậu

Lập bản đồ ven biển - chìa khóa thích ứng khí hậu ở các quốc đảo

Thứ Sáu 23/05/2025 - 14:20

Lập bản đồ ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu, hỗ trợ cộng đồng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu.

Con người vẫn còn hiểu biết rất ít về các khu vực ven biển của Trái Đất - bao gồm cả vùng nước nông dưới 50 mét và những dải đất ven biển thấp. Theo ước tính gần đây, con người mới chỉ lập bản đồ được cho khoảng 20% diện tích vùng biển. Việc lập bản đồ vực ven biển ở các khu vực này đặc biệt khó khăn do mực nước nông không phù hợp cho tàu khảo sát, sóng lớn và các rạn san hô. 

Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng trong việc hiểu và chuẩn bị ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với các khu vực ven biển - bao gồm nước biển dâng và sóng bão. Do đó lập bản đồ ven biển được xem là chia khóa giúp chúng ta thu hẹp khoảng trống dữ liệu, đặc biệt đối với các Quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) có địa hình thấp.

Hiểu về đại dương để thích ứng hiệu quả

Trong những năm gần đây, công nghệ viễn thám LiDAR đang nổi lên như một bước tiến đột phá, cho phép thu thập dữ liệu chính xác về độ cao mặt đất và độ sâu đáy biển dưới dạng bản đồ 3D từ trên không. Khi kết hợp với các hệ thống vệ tinh có khả năng đo mực nước biển dâng toàn cầu với độ chính xác đến từng phần nghìn milimet, chúng ta đã có trong tay dữ liệu để hiểu rõ vấn đề và thiết kế các giải pháp thích ứng phù hợp.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ (SIDS), khả năng tiếp cận những dữ liệu này vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, đối với các quốc đảo này, những câu hỏi đơn giản về độ cao của đảo so với mực nước biển và những vấn đề liên quan tới nguy cơ nước biển dâng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. 

Trong khi đó, các cộng đồng ven biển vẫn phải đối mặt với nhiều lực tác động từ đại dương, bao gồm sóng lớn, thủy triều hằng ngày, hiện tượng nước biển dâng theo năm do lực hấp dẫn mặt trời và tác động bất thường từ các cơn bão nhiệt đới.

Theo ước tính, 90% người dân các đảo Thái Bình Dương (trừ Papua New Guinea) đang sống trong khu vực có độ cao khoảng 5 km tính từ bờ biển. Hơn 50% cơ sở hạ tầng tại hầu hết các đảo Thái Bình Dương nằm trong phạm vi 500 mét từ bờ biển. Các cơn bão nhiệt đới trong quá khứ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các cộng đồng ven biển. Trong giai đoạn 1995–2022, đã có 185 cơn bão nhiệt đới tại Caribbean và 74 cơn tại châu Đại Dương và Thái Bình Dương, gây thiệt hại ước tính 47 tỷ USD.

Lập bản đồ ven biển sẽ giúp các cộng đồng sinh sống ven biển tại các quốc đảo nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn. Ảnh: UNDP.

Lập bản đồ ven biển sẽ giúp các cộng đồng sinh sống ven biển tại các quốc đảo nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn. Ảnh: UNDP.

Dữ liệu mực nước biển chính xác, kết hợp với hiểu biết về độ sâu và hình dáng địa hình ven biển, sẽ cho phép các chuyên gia mô phỏng chính xác hơn các mối nguy từ biển. Điều này là vô cùng thiết yếu cho việc bảo vệ và thích ứng hiệu quả với khu vực ven biển - đặc biệt tại các SIDS có địa hình thấp.

Theo kịch bản xấu nhất, nếu lượng phát thải khí nhà kính vẫn duy trì ở mức cao, mực nước biển trung bình toàn cầu có thể tăng khoảng 88 cm vào năm 2100. Do đó, việc tăng cường năng lực của các quốc đảo trong việc triển khai các biện pháp thích ứng ven biển vững chắc là vô cùng cấp thiết – thậm chí mang tính sống còn.

Vẫn còn khoảng trống dữ liệu

Dù cộng đồng quốc tế ngày càng tăng cường hỗ trợ, SIDS vẫn đang hụt dữ liệu cơ bản để lập bản đồ ven biển. Đây là yếu tố cốt lõi hỗ trợ khả năng chống chịu dài hạn của các quốc đảo này. 

Nguyên nhân chính của khoảng trống này nằm ở thiếu hụt về nguồn lực tài chính.

Việc thu thập dữ liệu khu vực ven biển bằng LiDAR là một khoản đầu tư vượt quá khả năng của nhiều chính phủ SIDS. Trong bối cảnh phải đối mặt đồng thời với khủng hoảng khí hậu và các thách thức phát triển khác, chính phủ các SIDS thường ưu tiên các nhu cầu cấp bách như giảm rủi ro thiên tai, đảm bảo an ninh nước và lương thực. Hệ quả là đầu tư vào thu thập dữ liệu - dù có vai trò nâng cao hiệu quả của các biện pháp này - vẫn bị xếp sau trong danh sách ưu tiên.

Một thách thức khác nằm ở cách thức hỗ trợ quốc tế. Nguồn tài chính khí hậu quốc tế, đặc biệt từ các kênh công, thường được phân bổ cho các dự án cụ thể – và những dự án như vậy lại không thường xuyên.

Để giải quyết vấn đề này, SIDS cần huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ quan tâm, tập trung vào mục tiêu thu thập thông tin thiết yếu này. Khác với dữ liệu kinh tế - xã hội cần cập nhật thường xuyên, dữ liệu khảo sát địa hình đáy biển và mặt đất không nhanh chóng lỗi thời. Do đó, một khoản đầu tư một lần có thể mang lại lợi ích lâu dài, miễn là dữ liệu được quản lý hiệu quả bởi một cơ quan có năng lực chuyên môn phù hợp.

Bài học từ Tuvalu

Trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quốc đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương đang nổi lên như một hình mẫu cho các quốc đảo nhỏ.

Với nguồn tài trợ từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tuvalu đã lập bản đồ ven biển toàn bộ 9 hệ thống đảo san hô - bao gồm đảo, rạn san hô và đầm phá xung quanh - với tổng diện tích khoảng 500 km2 bằng công nghệ LiDAR trên không.

Chỉ trong hơn 37 giờ bay, Tuvalu đã thu thập được dữ liệu độ sâu và địa hình có độ phân giải cực cao, hiện đang được sử dụng cho quy hoạch hạ tầng và mô hình hóa rủi ro. Bộ dữ liệu nền tảng này có giá trị rất lớn cho chính phủ trong quá trình ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Quan trọng hơn, dữ liệu này được quản lý bởi Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC) – một tổ chức khu vực phục vụ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên trong khu vực Thái Bình Dương – nơi có đầy đủ năng lực lưu trữ và phân tích dữ liệu bất cứ khi nào Tuvalu cần.

Mô hình “Tuvalu” hoàn toàn có thể được nhân rộng. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào khả năng từng quốc gia tự thiết kế dự án và tiếp cận tài chính khí hậu như cách Tuvalu đã làm.

Mô hình ảnh chụp bằng công nghệ viễn thám LiDAR của Tuvalu. Ảnh: UNDP. 

Mô hình ảnh chụp bằng công nghệ viễn thám LiDAR của Tuvalu. Ảnh: UNDP. 

Các quốc đảo sẽ cần tới một khoản đầu tư toàn cầu, có tính bao phủ, cung cấp cho họ bản đồ thiết yếu về khu vực ven biển. Mức kinh phí không phải là điều không thể nếu cộng đồng quốc tế thực sự cam kết hỗ trợ SIDS nâng cao khả năng chống chịu dài hạn. Trên thực tế, việc xây dựng bộ dữ liệu quốc gia của Tuvalu tốn khoảng 1 triệu USD. Dù vậy, bộ dữ liệu này đã hỗ trợ Tuvalu huy động thành công nguồn tài trợ thích ứng lớn hơn nhiều lần con số đó.

Cũng giống như bản đồ Babylon cổ xưa, các bản đồ địa hình và đáy biển mang trong mình kho tàng thông tin, giúp các quốc đảo định hướng tương lai đầy bất định và nhiều thách thức. Đây chính là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh về khả năng chống chịu lâu dài cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/lap-ban-do-ven-bien--chia-khoa-thich-ung-khi-hau-o-cac-quoc-dao-d754110.html