| Hotline: 0983.970.780

Làng Bắc Thái ở Tây Nguyên

Thứ Tư 22/04/2009 , 08:48 (GMT+7)

Ở xã vùng sâu Ia Lâu của huyện Chư Prông (Gia Lai) có một thôn mà 100% số hộ đều đến từ tỉnh Bắc Thái (cũ). Vậy nên thôn này cũng mang tên: Thôn Bắc Thái.

Ông Ma Văn Tiến (áo phông sọc ngang) trước cầu thang căn nhà sàn kiên cố của mình

Ở xã vùng sâu Ia Lâu của huyện Chư Prông (Gia Lai) có một thôn mà 100% số hộ đều đến từ tỉnh Bắc Thái (cũ). Vậy nên thôn này cũng mang tên: Thôn Bắc Thái.

Trưởng thôn Bắc Thái là ông Ma Văn Tiến (dân tộc Dao). Đã năm mươi sáu tuổi nhưng trông ông Tiến vẫn rất vạm vỡ, khoẻ khoắn và nhanh nhẹn. Ông Tiến rời quê hương Võ Nhai vào đây lập nghiệp từ năm 1997. Trước đó, từ năm 1991, đã có 12 hộ từ Võ Nhai, “mở đường” vào Ia Lâu làm ăn sinh sống.

Thấy đất đai rộng rãi, bằng phẳng và màu mỡ, làm ăn được nên dần dần, người họ hàng của 12 hộ này, rồi người làng, người xã, người huyện kéo nhau vào đây. Bây giờ, thôn Bắc Thái có 217 hộ với 947 nhân khẩu (vừa hoàn thành việc tổng điều tra dân số và nhà ở). Ông Bằng (nguyên Chánh Văn phòng UBND xã Ia Lâu, đã về hưu) là người giới thiệu cho chúng tôi biết thôn Bắc Thái, vui vẻ nhận lời đưa chúng tôi đến nhà trưởng thôn Ma Văn Tiến. "Tiện thể nhờ xe đến thăm ông bạn thân luôn"- ông Bằng nói.

Nhà Ma Văn Tiến là một căn nhà sàn bằng gỗ lợp ngói, cao, rộng rãi và chắc chắn. Ông Tiến mời khách xếp bằng trên sàn gỗ bóng loáng và mát lạnh, ngay bên cạnh cửa sổ rộng rãi và lộng gió. Ngồi đây, không nghĩ rằng mình đang ở giữa đại ngàn rừng khộp sát biên giới, trong những ngày “nắng sót” oi ả cuối mùa khô Tây Nguyên. Sau tuần trà đầu tiên (tuần trà rất điệu nghệ của người Bắc Thái), ông Tiến với tay ra ngoài cửa sổ, ở đó có một cành xoài trĩu quả. Ông hái hai quả đưa vợ thái cho vào đĩa, lấy chai rượu mà theo lời ông giới thiệu: “Một người uống, hai người vui”, rót ra mỗi người một chén, “rủ rê”:

- Không vội gì cả, đây về Pleiku có hơn trăm cây số. Nếu muộn thì nằm lại nhà tôi, tôi kể chuyện thôn Bắc Thái cho nghe.

Ông Tiến thuộc “típ” người hoạt khẩu, nhanh nhẹn và nhiệt tình nên được bầu làm trưởng thôn. Ông nắm tình hình trong thôn như chính lòng bàn tay của mình. Không cần sổ sách, ông cứ nói vanh vách như đã được sắp sẵn ở trong đầu: Tất cả 217 hộ của thôn đều từ Bắc Thái (chủ yếu là huyện Võ Nhai) đến đây theo diện di cư tự do. Đến nay, tất cả đều đã được làm hộ khẩu.

Khi thành lập thôn, dân trong thôn đề nghị xã cho dân được chọn tên để từ đó, xã Ia Lâu có thêm một thôn mới: Thôn Bắc Thái. Thôn Bắc Thái có 38,4 ha lúa nước 2 vụ (lúa đông xuân), đủ gạo ăn quanh năm cho cả thôn. Riêng nhà Ma Văn Tiến năm vừa rồi thu được 16 tấn lúa, đến nay vẫn chưa ăn hết. Nếu vụ đông xuân đủ gạo ăn quanh năm thì vụ mùa là thu nhập chính của người dân trong thôn với các loại cây trồng như ngô, khoai, đậu đỗ các loại…Tivi, xe máy và các điều kiện sinh hoạt đắt tiền khác đều từ vụ mùa mà ra; cả thôn đều có nhà sàn bằng gỗ lợp ngói cũng từ vụ mùa.

Ông Tiến nói: Ở quê cũ đất đồi chân người này đạp lên đầu người kia, đất đai cũng có nhưng bạc màu, trồng cây gì cũng khó. Vào đây đất rộng người thưa, đất đai bằng phẳng, màu mỡ. Chưa cần đến phân bón, cắm hạt giống xuống đất cây cũng lên xanh tốt. Cả thôn không có hộ đói, nhà nào cũng đủ ăn, nhiều nhà dư dật. Nhà ông Trần Tiến cũng đến từ huyện Võ Nhai được xem là giàu nhất thôn bởi ngoài lúa nước, vườn cây ăn trái, ông còn có đàn bò trên hai trăm con. Căn biệt thự của ông Tiến sang trọng giữa làng, dưới bóng mát cây xoài là chiếc xe con đời mới bóng loáng. Tôi cầm cái que bên cạnh xua bầy gà đang ăn lúa của gia đình ông phơi dưới sân, ông ngăn: “Ấy đừng, cứ để cho nó ăn. Gà không ăn lúa thì ăn gì, với lại lúa nhà tôi nhiều lắm!”. Ông nói tiếp:

- Vậy mà trong thôn vẫn có hai trường hợp bỏ về quê cũ đấy. Đó là Ma Thế Quyên, vào đây năm 1995, đến năm 1997 thì về lại quê cũ. Còn Ma Văn Mao vào đầu năm 2008, đến cuối năm về quê ăn Tết rồi ở hẳn. Cả hai đều viết thư vào, nói là do khí hậu ở đây quá nóng nên bỏ về quê chứ cũng tiếc điều kiện làm ăn ở đây lắm.

Mới đây, một niềm vui lớn đến với thôn Bắc Thái và người dân xã Ia Lâu, Ia Mơr, đó là công trình thuỷ lợi Ia Mơ đã chính thức khởi công hai hợp phần: Hồ chứa Plei Pai và đập dâng Ia Lốp.

Mặc dù nhiều hộ dân của thôn Bắc Thái, làng Dut xã Ia Lâu và một số xã khác phải trả lại đất, di dời để thi công công trình, song bà con rất vui vẻ trả lại đất với suy nghĩ: Thuỷ lợi về sẽ làm được lúa nước hai vụ, sẽ mở rộng diện tích để trồng ngô, trồng đậu…

Tiếc là phải chứ, bởi khó có nơi đâu có điều kiện đất đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp như ở đây. Giống như các làng của đồng bào J’rai, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến đời sống của 217 hộ “ngụ cư”này: Điện thắp sáng đã về đến tận nơi, Trạm Y tế có bác sỹ, đường làng rộng rãi cho ôtô, xe công nông vào đến tận gầm nhà sàn, rồi Bưu điện văn hoá, hệ thống nước sạch…Trẻ con trong thôn đến tuổi đều được đến trường. Cả thôn có 20 cháu học mẫu giáo, khoảng 200 học sinh cấp I và II, 20 học sinh cấp III và 18 em đang theo học các trường Đại học trong nước. Nhiều em đã tốt nghiệp Đại học, quay về công tác ở xã Ia Lâu.

Ông Bằng cho biết: Người dân thôn Bắc Thái ai cũng chịu khó và biết cách làm ăn, do vậy kinh tế gia đình nhà nào cũng vững vàng. Nhiều làng J’rai trong xã cũng đã học hỏi được cách làm của nhân dân thôn Bắc Thái. Siu Kim (dân tộc J’rai), trưởng thôn làng Dut (xã Ia Lâu) thừa nhận: "Tôi thường động viên bà con trong làng, phải sang học hỏi cách làm ăn của anh em bên thôn Bắc Thái".

Cuối chiều, chúng tôi chia tay ông Tiến, chia tay thôn Bắc Thái. Ra khỏi cánh rừng khộp là khu đất mênh mông, bằng phẳng chuẩn bị khai hoang, sẵn sàng chờ nguồn nước từ công trình thuỷ lợi Ia Mơr. Chợt nhớ lại lời trưởng thôn Ma Văn Tiến: “Ở đâu trên đất nước này cũng là quê hương cả. Miễn sao chịu khó làm lụng để có cuộc sống khá giả, con cái được học hành tử tế, đau ốm có bệnh viện, bác sỹ là tốt rồi!”.

Xem thêm
Hà Nội đối mặt nhiều thách thức về an toàn thực phẩm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã được đặt trong công tác quản lý ATTP.

Bình luận mới nhất