Thứ bảy 19/04/2025 - 00:41
Khoa học - Công nghệ
Lan toả cánh đồng ‘không dấu chân’
Thứ Tư 09/04/2025 - 09:34
Từ mô hình đưa thiết bị bay vào gieo sạ, bón phân ban đầu, huyện Lệ Thủy đã mở rộng diện tích cánh đồng ‘không dấu chân’.
- 'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%
- Những cánh đồng không dấu chân ở Liên Hà
- Những hạt giống từ trên trời rơi xuống cánh đồng 'không dấu chân'
- Nhìn lại thắng lợi vụ hè thu: Cánh đồng ‘không dấu chân’ và những nông dân có tiền tỷ
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay, những năm gần đây, các địa phương trong huyện đã chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trên đồng ruộng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Những vụ gần đây, nông dân đã chủ động liên kết, mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng thiết bị bay trong các khâu bón phân, gieo sạ…, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp.
Từ mô hình tích tụ ruộng đất…
Từ vụ đông xuân năm 2024, anh Trần Duy Khánh (37 tuổi, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) mạnh dạn đứng ra thuê đất ruộng để sản xuất lúa chất lượng cao và đưa khoa học công nghệ vào quy trình thâm canh. Cánh đồng lớn do anh Khánh tổ chức sản xuất có liên kết bao tiêu sản phẩm. Các công đoạn như làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc, thu hoạch… được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Thiết bị bay của anh Nguyễn Duy Khánh đang rải phân hữu cơ cho lúa xuân. Ảnh: T. Phùng.
Để thực hiện được kế hoạch sản xuất cánh đồng lớn, thuận lợi áp dụng cơ giới hóa, anh Khánh đã nhờ đến lãnh đạo Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (HTX Xuân Lai, xã Xuân Thủy) làm “bà đỡ” cho việc tích tụ ruộng đất. Xứ đồng Hoang Cồn Vụng nằm giáp ranh giữa 2 xã Xuân Thủy và Phú Thủy là vùng ruộng khó khăn trong sản xuất, đất bị cằn do lối canh tác dùng phân hóa học nhiều năm.
Nhắc lại câu chuyện vận động người dân cho thuê đất ruộng, ông Hoàng Xuân Sự, Giám đốc HTX Xuân Lai cho hay, dù đất ruộng manh mún, xa khu dân cư, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng tâm lý bà con vẫn không muốn cho thuê. “Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân với hơn 10 cuộc họp giữa HTX và 193 hộ dân có ruộng. Dù vẫn con khoảng chục hộ chưa đồng ý nhưng cũng đã có được diện tích trên 22ha làm nền móng cho việc dồn điền để giao cho anh Khánh thực hiện mô hình sản xuất mới”, ông Sự cho biết.
Thuê lại ruộng với thời hạn 5 năm và mỗi năm trả 1 tấn lúa/ha cho nông dân, anh Khánh bắt tay vào kiến thiết đồng ruộng, thuê máy về làm bờ vùng, bờ thửa chắc chắn. Sau đó anh liên kết với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình sản xuất giống lúa Hương Bình chất lượng cao theo hướng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa và bao tiêu sản phẩm.
Cùng chúng tôi ra vùng ruộng cây lúa vụ xuân đang lên xanh tốt, anh Khánh vừa đi vừa giới thiệu đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, tạo nên những cánh đồng lúa “không dấu chân”.
Theo đó, anh đưa thiết bị bay không người lái (drone) để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. “Hiệu quả bước đầu của cánh đồng “không dâu chân” là giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm thời thời gian gieo sạ, giảm lượng giống, mật độ gieo bảo đảm. “Ngay những khâu đầu tiên trên đồng ruộng, tôi đã giảm được chi phí nhân công dặm tỉa, bón phân, phun thuốc... nhờ sử dụng drone”, anh Khánh chia sẻ.

Nhờ thiết bị bay đảm nhận các khâu rải phân, gieo sạ… nên nông dân xã Hoa Thủy đã đẩy nhanh được tiến độ xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025. Ảnh: T. Phùng.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, ngay vụ lúa đầu tiên, anh Khánh thu được gần 155 tấn lúa tươi, giá bán hơn 7.000đ/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng…
“Những vụ sau tôi đã tính toán để mua thiết bị bay, máy cày, máy gặt để chủ động trong sản xuất và có thể làm dịch vụ nông nghiệp nhằm hỗ trợ bà con để giảm chi phí”, anh Khánh bộc bạch.
... đến mở rộng cánh đồng "không dấu chân”
Chúng tôi về xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) khi bà con đang tất bật chăm sóc, tỉa dặm lúa vụ xuân. Ông Hoàng Văn Dinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bắc (xã Hoa Thủy) cho hay, đầu vụ đông xuân năm nay gặp nhiều bất lợi do mưa lạnh kéo dài khiến nước ngập sâu trên đồng, không thể làm đất hay triển khai gieo được.
“Thời tiết bất thuận nên hơn 200ha có nguy cơ chậm lịch thời vụ khiến bà con lo lắng. Để giảm áp lực thời vụ, chúng tôi đã hỗ trợ bà con đưa thiết bị bay đảm nhận các khâu như bón phân, gieo sạ, nhờ đó tiến độ xuống giống đã được đảm bảo”, ông Dinh nói.
Những ngày xuống giống, ông Dinh và nhiều bà con luôn có mặt trên cánh đồng. Khi nước có chiều hướng rút thì chỉ đạo ngay các trạm bơm tiết nước ra sông Kiến Giang. Khi nước hạ thấp là máy cày xuống ruộng, đất làm xong bà con hối hả be rãnh tiêu nước trước khi gieo. Trên cánh đồng chỗ máy đang bơm, nơi máy cày, lồng xuôi ngược, chỗ thiết bị bay rải phân, gieo sạ chao liệng trên bầu trời.
“Nhờ đưa khoa học công nghệ ra đồng mà chúng tôi đã giải quyết được vấn đề chậm lịch thời vụ, bà con yên tâm hơn. Bây giờ nhìn lúa tốt bời bời trên đồng, HTX đang tính tiếp việc bón phân. Bà con cũng đã quen với việc dùng máy bay thay thế sức người vì vừa nhanh vừa tiết kiệm được chi phí, lao động đó”, ông Dinh tâm sự.

Nhiều cánh đồng “không dấu chân” đã hình thành và phát triển tại Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.
Ra thăm ruộng, nông dân Nguyễn Thế Sự ở xã Hoa Thủy nói sẽ thuê máy bay về bón phân cho vùng ruộng gần 3ha của gia đình. “Bữa nay làm ruộng bà con mê máy bay làm dịch vụ lắm. Cả vụ lúa người dân chẳng mấy khi phải bước chân xuống ruộng nữa. Máy cày, bừa làm đất, máy bay phun thuốc, bón phân, gieo sạ, máy gặt đập thu hoạch lúa về tận bờ ruộng bốc lên ô tô chở đi. Quá sướng!”, ông Sự vui vẻ.
Tại huyện Lệ Thủy, nông dân sắm máy bay đầu tiên và nhận làm dịch vụ các khâu bón phân, gieo sạ, phun thuốc là anh Nguyễn Ngọc Ánh ở xã Hồng Thủy. Mấy năm trước, anh Ánh thuê đất và gom được hơn 10ha ruộng để sản xuất lúa. Tuy diện tích chưa nhiều nhưng vào vụ tất bật nên khi gieo, bón phân phải thuê nhân công làm mới kịp. Khi có người thì dễ, nhưng cũng có vụ chạy quanh làng kêu người cũng không ra nên việc cứ quàng lấy vai, lấy cổ.
Nhiều lần đọc báo, xem truyền hình, anh thấy thiết bị bay sản xuất trên đồng ruộng nên thích lắm, quyết tâm mua về sử dụng. Anh Ánh cho biết: “Tôi vay mượn, bỏ vốn tích cóp để mua máy bay về làm cho mình, sau đó nhận làm dịch vụ cho bà con trong xã, trong huyện. Ban đầu thì ít, nhưng bây giờ khách hàng đã nhiều rồi”.
Anh Nguyễn Ngọc Ánh, nông dân sử dụng thiết bị bay làm ruộng tại xã Hồng Thủy cho hay: “Đến nay, tôi nhận làm dịch vụ các khâu bón phân, gieo sạ, phun thuốc… cho bà con tại địa phương với tổng diện tích hơn 300ha. Giá dịch vụ bay cho các khâu đều chung là từ 360 - 400 ngàn đồng/ha. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật cho nhiều người để họ đầu tư mua thiết bị về phục vụ bà con trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/lan-toa-canh-dong-khong-dau-chan-d743791.html