| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 16/05/2025 - 05:25

Khoa học - Công nghệ

Lần đầu tiên cấy ghép đầu người: Ca phẫu thuật rùng rợn

Thứ Hai 18/01/2016 - 11:37

Gần đây có thông tin Việt Nam đã chuẩn bị ghép đầu người gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, thông tin này chưa được chính xác. Phải hiểu đúng là, vào năm 2017, trên thế giới sẽ có ca ghép đầu người đầu tiên...

Lần đầu tiên cấy ghép đầu người

Gần đây có thông tin Việt Nam đã chuẩn bị ghép đầu người gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, thông tin này chưa được chính xác. Phải hiểu đúng là, vào năm 2017, trên thế giới sẽ có ca ghép đầu người đầu tiên, và theo GS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nếu ca ghép đầu người trên thế giới thành công, sẽ mời ekip ghép đầu người từ nước ngoài sang ghép tại Việt Nam. Để độc giả hiểu rõ hơn, chúng tôi xin giới thiệu về ca ghép đầu người có thể làm thay đổi lịch sử y học thế giời này.

Nhà phẫu thuật người Ý Sergio Canavero nói ông sẽ thay đổi lịch sử y học thế giới vào năm 2017 khi là người đầu tiên thực hiện ca cấy ghép đầu người. Ông thậm chí đã có một tình nguyện viên. Nhưng cơ hội thành công của ca cấy ghép đầu này đến đâu, liệu Canavero có làm nên lịch sử?

Bên ngoài một bệnh viện lớn ở thành phố Turin (Ý), Sergio Canavero đang cố gắng thuyết phục hai bảo vệ để họ cho phép chúng tôi đậu xe ở khu vực dành cho nhân viên. Trời rất nóng bức. Hai nhân viên bảo vệ ngồi trong một quầy có mái che nhìn chòng chọc vào Canavero, 51 tuổi, thấp và chắc người, mặc áo phông và đi dép quai hậu. “Allora,” (tiếng Ý: hồi ấy) Canavero bắt đầu giải thích với bảo vệ rằng ông từng làm việc ở bệnh viện này, là bác sỹ phẫu thuật của khoa Thần kinh nay quay trở lại thăm nơi làm việc cũ.

Người nổi tiếng

Nói xong, ông đưa bàn tay lên ngang cổ làm động tác cắt cổ họng, động tác nếu là ai khác làm có thể bị hiểu là lời đe dọa. Hai bảo vệ nhận ra vị bác sỹ, cười toe toét và cho chúng tôi qua. “Tôi bảo với họ tôi là người sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên”, Canavero nói. “Dân Ý lúc nào cũng ngưỡng mộ cuồng nhiệt những người nổi tiếng”.

Đầu năm 2015, Canavero trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi ông mở rộng một kế hoạch đã được mong chờ từ lâu: Cấy ghép, tráo đổi phần đầu của hai người bệnh. Một người tuy còn sống nhưng rất ốm yếu (liệt hai chân), người kia hoặc vừa mới chết hoặc vừa chết não sau khi gặp tai nạn.

Sau đó, như Canavero giải thích trên các tạp chí chuyên ngành và trong các bài phát biểu, ông sẽ phẫu thuật cấy ghép đầu của người thứ nhất vào thân người thứ hai, nối tủy sống để người thứ nhất (nay chỉ còn lại phần đầu) có thể sử dụng cơ thể của người thứ hai.

16-31-24_82d953e7-6be-4f29-bfbe-3386482d74e1-1020x770
Bác sỹ Canavero và bệnh nhân của mình, anh Valery Spiridonov

Nói theo từ ngữ y khoa, đây là một trường hợp cấy ghép cơ thể người. Nhưng câu chuyện có vẻ rùng rợn bởi cấy ghép đầu, thay vì tim, gan, thận, phổi, có ý nghĩa khác hẳn. “Ghép đầu người, cấy bộ phận cơ thể, nói chung gọi thế nào cũng được”, Canavero nói với phóng viên tờ Guardian khi họ dạo quanh bệnh viện nhộn nhịp. “Vấn đề chỉ là kỹ thuật”.

Ông từng có lúc nghĩ rằng ca cấy ghép đầu người đầu tiên sẽ được thực hiện ở bệnh viện Turin này. Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Canavero đến đây thực tập với vai trò một sinh viên y khoa rồi sau đó được tuyển vào làm việc.

Sau rất nhiều năm làm ở đây, Canavero nghỉ việc và xuất bản cái mà nay ông gọi là “brouhaha”, những tài liệu về cấy ghép đầu người trên tạp chí y khoa Surgical Neurology International, thuyết giảng về cùng chủ đề ở Limassol và Verona, trở nên nổi tiếng trên báo chí, ở ngoài đời.

Kế hoạch của bác sỹ Canavero ít nhất đã bị một nhà thờ quốc tế chỉ trích công khai. Có tác giả chuyên viết bài bảo vệ y đức đăng trên tạp chí Forbes gọi những đề xuất của Canavero là “mục nát, thối rữa”. Còn theo chính Canavero, hiệp hội Y khoa Ý cũng chống lại ông.

Tháng 2/2014, ông và bệnh viện này đồng ý hủy bỏ hợp đồng làm việc của ông, kết thúc quãng thời gian rất dài ông làm việc chính thức tại đây. “Tôi đã trở thành “người cùng khổ”, ông nói để chắc chắn phóng viên nhận thấy sự đón tiếp lạnh nhạt của các cựu đồng nghiệp ở khoa Thần kinh. “Anh thấy đấy. Không ôm hôn thắm thiết. Mặt lạnh như tiền”.

Bị đồng nghiệp và cộng đồng y khoa Ý từ chối, Canavero buộc phải tìm kiếm chỗ nào đó để thực hiện ca phẫu thuật. Ông nói, sau một cuộc đàm phán dài lê thê, cuối cùng ca phẫu thuật sẽ được tổ chức ở Trung Quốc, cụ thể là ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân sẽ hỗ trợ kỹ thuật, bên cạnh đó là những giúp đỡ của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, nơi Canavero là giáo sư danh dự, theo lời ông. Với sự hỗ trợ về nhân sự và cơ sở hạ tầng từ người Trung Quốc, ca phẫu thuật sẽ diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Theo Canavero, đó là vào dịp Giáng sinh năm 2017. “Chúng tôi đang đi đúng tiến độ. Chặn lại sự kết thúc của thế giới, các vụ nổ hạt nhân, những nguy cơ đụng nhau với thiên thạch”.

'Đầu Trương Ba, mình hàng thịt'

Canavero mô tả chi tiết cho phóng viên về những gì dự kiến diễn ra, như đã trình bày tại hội thảo về phẫu thuật thần kinh tổ chức ở Mỹ năm 2014 và trong một cuốn sách: Hai cơ thể người sẽ được nẹp chặt trong những chiếc khung đặc biệt. Một người bị liệt hai chân, còn người kia là bệnh nhân đã chết não.

Sử dụng một loại dao phẫu thuật được thiết kế chuyên biệt bằng kim cương, hoặc loại dao siêu nhỏ làm bằng một lớp silicon nitride (điều này Canavero không chắc lắm), hai bệnh nhân sẽ bị cắt ở cổ, vị trí giữa đốt sống cổ C5 và C6.

Trước khi bệnh nhân liệt chân bị 'cắt đầu', anh ta (hoặc chị ta) sẽ được làm lạnh ở mức 10oC. Rồi sau khi đầu đã được tách khỏi người, khung nẹp cơ thể cả hai bệnh nhân sẽ tách ra, đầu bệnh nhân liệt chân sẽ được ghép với cơ thể bệnh nhân chết não.

Sau đó là một ca phẫu thuật lê thê, có thể kéo dài từ 36-72 giờ, với số nhân viên y tế lên đến 150 người. Theo Canavero, 80 trong số đó phải là bác sỹ phẫu thuật. 'Lúc đầu chi phí cho ca mổ là rất lớn, khoảng 15 triệu euro”, Canavero dự đoán, thừa nhận rằng vẫn đang cần thêm nhà tài trợ. 'Sau này, khi kỹ thuật hoàn thiện hơn, chi phí sẽ giảm đi'.

Trong phòng mổ, 80 bác sỹ phẫu thuật sẽ làm việc như chạy tiếp sức dưới sự chỉ đạo của trưởng kíp. Các động mạch nối đầu và mình sẽ được nối trước tiên để máu có thể lên não. Các phẫu thuật nối khí quản, thực quản, xương sống… do các nhà phẫu thuật khác thực hiện. Canavero sẽ chỉ phẫu thuật nối tủy sống. Phẫu thuật thần kinh liên quan đến chức năng hoặc nói đơn giản là các cử động, là chuyên môn của Canavero.

Để bệnh nhân có thể cử động được, một số trong hàng triệu dây thần kinh nằm trong tủy sống cần phải được kết nối. Ý tưởng của Canavero là sử dụng xung điện tác động vào tủy sống trong quá trình kết nối. Theo ông, không phải mọi dây thần kinh trong tủy sống phải được kết nối thì bệnh nhân mới cử động được mà chỉ cần 10-20%.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/lan-dau-tien-cay-ghep-dau-nguoi-ca-phau-thuat-rung-ron-d155496.html