| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 22/05/2025 - 20:57

Nghệ thuật sống

Kỷ nguyên số làm thay đổi cá tính con người ra sao?

Thứ Năm 22/05/2025 - 20:55

Kỷ nguyên số làm con người khao khát kiểm soát mọi thứ, nhưng lại dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thuật toán tinh vi theo dõi từng chi tiết nhỏ nhất trong đời sống.

Giáo sư Daniel Cohen (1953-2021).

Giáo sư Daniel Cohen (1953-2021).

Kỷ nguyên số đem lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận, như tốc độ nhanh hơn, giao dịch tiện lợi hơn, kết nối toàn cầu dễ dàng hơn. Chỉ bằng một cú nhấp chuột, chúng ta thời kỷ nguyên số có thể mua sắm, học tập, làm việc từ xa hay tìm kiếm thông tin trong tích tắc. Tuy nhiên, kỷ nguyên số không chỉ tạo ra những cơ hội mà còn dẫn đến những nghịch lý sâu sắc. 

Con người khao khát tự do, nhưng lại bị theo dõi chặt chẽ bởi các nền tảng số. Con người muốn kiểm soát cuộc sống, nhưng lại dễ dàng bị thuật toán thao túng. Các nền tảng như Facebook hay YouTube sử dụng thuật toán để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, nhưng đồng thời cũng giam chúng ta trong "bong bóng lọc", nơi những thông tin trái chiều bị loại bỏ, dẫn đến sự phân cực trong tư duy và nhận thức.

Giáo sư Daniel Cohen (1953 - 2021) là một trong những người nhận diện rõ ràng bức tranh kỷ nguyên số, qua cuốn sách “Homo Numericus: con người trong kỷ nguyên số”. Là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp, giáo sư Daniel Cohen được biết đến với những nghiên cứu sâu sắc về toàn cầu hóa, kinh tế số và tác động của công nghệ đến xã hội. Trong suốt sự nghiệp của mình, giáo sư Daniel Cohen đã xuất bản nhiều công trình có tầm ảnh hưởng lớn, giúp định hình tư duy về kinh tế và công nghệ trong thế kỷ 21. Các tác phẩm nổi bật nhất của Daniel Cohen phản ánh những biến đổi kinh tế và xã hội trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số.

Cuốn sách “Homo Numericus: con người trong kỷ nguyên số” kết hợp giữa kiến thức kinh tế, lịch sử và triết học để lý giải cách mạng số đã thay đổi cá tính con người ra sao. Với góc nhìn sắc sảo và dễ tiếp cận, giáo sư Daniel Cohen giúp nhân loại có cách ứng xử hợp lý hơn với kỷ nguyên số.

Giáo sư Daniel Cohen mô tả rằng con người trong thời đại kỹ thuật số không còn giống với một “Homo Sapiens” (người tinh khôn) truyền thống nữa, mà đã trở thành một “Homo Numericus:” (sinh vật vận hành theo quy luật của các thuật toán). Bởi lẽ, thế giới hiện đại đã không còn vận hành theo những quy tắc truyền thống mà đã bị định hình lại hoàn toàn bởi công nghệ số. Từ Amazon đến Google, từ Facebook đến Tinder, cuộc cách mạng số đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Những trí tuệ nhân tạo, nền tảng số và dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi cách con người làm việc, học tập, tiêu dùng và tương tác xã hội.

Theo giáo sư Daniel Cohen, kỷ nguyên số tạo ra một hình thái kinh tế mới, đó là chủ nghĩa tư bản số. Trong mô hình này, các tập đoàn công nghệ không chỉ kiểm soát thông tin mà còn sở hữu dữ liệu cá nhân của hàng tỷ người dùng. Dữ liệu trở thành tài sản quý giá nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả dầu mỏ hay vàng trong nền kinh tế truyền thống. Sự chuyển dịch này dẫn đến những thay đổi lớn trong thị trường lao động. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa khiến nhiều công việc truyền thống biến mất, trong khi những kỹ năng mới trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thích nghi với sự thay đổi này, dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa những người làm chủ công nghệ và những người bị bỏ lại phía sau. Một trong những câu hỏi quan trọng mà con người phải đặt ra ở kỷ nguyên số là: công nghệ đang phục vụ con người, hay con người đang bị công nghệ kiểm soát?

Cuốn sách đưa ra nhiều giải pháp cho cuộc sống thời công nghệ số.

Cuốn sách đưa ra nhiều giải pháp cho cuộc sống thời công nghệ số.

Giáo sư Daniel Cohen khẳng định, trong nhiều trường hợp, chúng ta không còn là người đưa ra quyết định mà bị dẫn dắt bởi các thuật toán tinh vi. Mạng xã hội không chỉ phản ánh sở thích của người dùng mà còn định hình và thay đổi chúng theo cách mà chúng ta không nhận ra. Các nền tảng thương mại điện tử có thể dự đoán nhu cầu của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức được điều đó. Trong lĩnh vực hẹn hò, các ứng dụng như Tinder không đơn thuần kết nối con người mà còn lập trình những tương tác của họ dựa trên dữ liệu hành vi.

Liệu con người có thể thoát khỏi mặt tối của kỷ nguyên số? Mặc dù chỉ ra nhiều vấn đề của thời đại số, giáo sư Daniel Cohen không phải là một người bi quan. Ông tin tưởng công nghệ không nhất thiết phải kiểm soát con người, mà con người vẫn có thể tìm ra cách khai thác mặt tích cực của công nghệ.

Một xã hội số lý tưởng là nơi mà công nghệ giúp mọi người tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, nơi mà tiếng nói của mọi cá nhân đều được lắng nghe, thay vì bị thống trị bởi một số tập đoàn công nghệ khổng lồ. Tuy nhiên, để làm được điều này, con người cần hiểu rõ cách công nghệ vận hành, đồng thời có những thay đổi tâm lý thích ứng và những cơ chế quản lý phù hợp để hạn chế các mặt tiêu cực của kỷ nguyên số.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ky-nguyen-so-lam-thay-doi-ca-tinh-con-nguoi-ra-sao-d754557.html