Thứ năm 29/05/2025 - 17:21
Sóng gió gia đình
Kìm cương những đứa trẻ 'thừa năng lượng'
Chủ Nhật 15/07/2018 - 10:05
Trong khi bạn bè cùng lứa thì ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, khẽ khàng chơi với búp bê, dịu dàng chơi đồ hàng với các bạn thì con chị Hoa (bé Hoàng Anh - 4 tuổi) lại ngược lại hoàn toàn.
Tóc lúc nào cũng rối tung, người mướt mát mồ hôi chỉ vì bé không chịu ngồi yên dù chỉ trong ít phút.
Hàng xóm phát sợ
Cầm kết quả trên tay, chị Hoa cứ hỏi đi hỏi lại bác sĩ chuyên khoa thần kinh: Em thấy con nhiều biểu hiện của bệnh tăng động, liệu bác sĩ có nhầm không khi nói con hoàn toàn bình thường?
Được bác sĩ giải thích rất kỹ nhưng chị Hoa vẫn không cảm thấy yên tâm. Chị Hoa cho biết, từ ngày cháu biết đi, dù là con gái nhưng bé tỏ ra là đứa trẻ hiếu động. Ban đầu, cả nhà rất mừng vì dường như so với con hàng xóm, bé tỏ ra nhanh nhẹn, biết nhiều hơn.
![]() |
Ảnh mang tính minh họa |
“Càng lớn, độ hiếu động càng tăng. Ngoài lúc ngủ, còn lại bé chẳng để yên chân tay lúc nào. Mẹ bế đi vệ sinh thì kiểu gì chân, tay cũng phải vớ được thứ gì đó xung quanh. Thậm chí ngồi ăn, tay cũng phải có cái gì để cầm”, chị Hoa kể.
Từ khi lên 3, con chị càng trở nên “bất trị”. Đến mức mỗi khi sang nhà hàng xóm là các bác lại sợ. Vì chỉ không chú ý là ngay lập tức bé chui rúc, trèo leo không thiếu xó nào, thoáng cái bác hàng xóm đã thấy trèo vắt vẻo trên cửa sổ.
“Bác rất quý trẻ con nhưng mỗi lần con mình sang bác phải lại bỏ việc để trông con. Lắm lúc bác bận phải dắt trả… vì sợ con ngã. Đấy là ở nhà bác, còn về nhà thì thôi rồi. Đồ đạc trong nhà lúc nào cũng như vừa trải qua trận chiến. Bé bới tung tất cả. Ở lớp cô cũng bảo, bé chỉ yên khi nằm ngủ mà thôi”, chị Hoa than phiền.
Gọi những đứa trẻ này là “thừa năng lượng”, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội Phan Hồ Điệp cho rằng, không bậc cha mẹ nào có khả năng lựa chọn tính khí của con mình. Nhưng bằng sự giáo dục, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
“Cho dù sự di truyền có mạnh mẽ đến cỡ nào thì những hành vi cơ bản của trẻ sẽ được tạo ra từ những mối quan hệ những người quan trọng với trẻ trong cuộc sống”, bà Điệp nói.
Đừng bỏ mặc
Trong quá trình dạy học, giảng viên Phan Hồ Điệp cho biết đã gặp những đứa trẻ nhiều năng lượng khủng khiếp. Cảm giác như chúng không biết mệt là gì. Chúng chạy vòng quanh lớp, chui xuống gầm bàn, hò hét, trêu chọc bạn. Chúng luôn ở trạng thái vã mồ hôi, mặt đỏ bừng. Chúng rất khó ngồi yên. Và vì thế, chúng làm cho các giáo viên cảm thấy rất mệt mỏi.
“Ban đầu, mình hay cố gắng kéo các bạn ấy lại. Nhưng vô ích. Có những bạn vùng vẫy khỏi tay mình và chạy tiếp. Có những bạn la hét rất to thậm chí giằng ra bung cả nút áo. Phải qua rất nhiều lần thử nghiệm, tìm hiểu, mình mới thấy có một cách khá hữu hiệu là ngồi quan sát, đợi đến các bạn ấy chậm lại, dù chỉ một nhịp. Khi đó mình sẽ đến gần để chạm vào người bạn đó. Thường là mình chạm vào vai, vào lưng. Và nhìn vào mắt bạn ấy. Cử chỉ đó như một tín hiệu rằng: Cô đang muốn nói chuyện với con. Và bạn ấy sẽ lắng nghe”, giảng viên Phan Hồ Điệp nói.
Ngoài ra, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng tiết lộ kết quả khi thử các trò chơi với những bạn thừa năng lượng này và thấy, với những bạn đó, trò chơi tưởng tượng có tác dụng rất tốt.
“Ví dụ tưởng tượng một đoàn tàu đi ngược và vì thế, thay bằng đi xuôi, bạn ấy đi bộ ngược. Sẽ khó khăn hơn việc chạy xuôi và sau đó dễ dàng để bạn ấy chuyển sang hoạt động khác. Tưởng tượng đôi bàn tay là một chiếc xe tải chở nước. Khi lật úp tay là trút nước ra và khi ngửa tay là lấy nước. Bằng cách đó giúp bạn ấy đồng ý đi rửa tay. Tưởng tượng cơ thể là một chiếc lá, một cơn gió để bạn ấy được nhún nhảy, được học thông qua sử dụng cơ thể”, bà Điệp dẫn chứng.
Với những bạn nhiều năng lượng, nhất định nên có thông báo về hoạt động sắp tới và có đồng hồ báo giờ. Mình thường nói: Đây nhé, khi nào kim phút chạy từ số này đến số này thì chúng ta dừng hoạt động. Mỗi lần như thế, bạn có thể dán một hình dán thưởng vào tay.
“Nói chung, có rất nhiều cách khác nhau mà với mỗi người làm cha mẹ sẽ tìm ra cách thức phù hợp nhất. Miễn là bạn đừng bỏ mặc hoặc đau khổ: Sao con mình không ngồi yên hoặc hiền lành như những đứa trẻ khác. Và tất nhiên bạn cũng nên cho bé nhận thấy những điểm mạnh của việc “nhiều năng lượng” bằng cách động viên: Mẹ ước là mẹ chạy khỏe như con/ Con sẽ hợp với việc trở thành một vận động viên/ Con sẽ là người rất vui vẻ… Nếu được giáo dục tốt, tính khí nào cũng sẽ có những mặt mạnh và hạn chế được những điểm yếu”, bà Điệp lưu ý.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/kim-cuong-nhung-dua-tre-thua-nang-luong-d222141.html