| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 26/04/2025 - 15:10

Phóng sự

Khuất sau biển mặn: Giấc mơ biển

Thứ Năm 24/12/2015 - 06:35

Nỗi nhớ biển cứ như cái dằm, lặn sâu vào tim, thỉnh thoảng lại nhoi nhói. Lúc ấy, người thợ lặn vứt tất cả, leo đại lên một cái tàu nào đó để mà được bập bềnh trên sóng, hít hà vị mặn, dõi mắt đến muôn trùng.../ Những chuyện kỳ lạ

Cá ruội

Đi lúc nào cũng bươn bả như chạy, nói lúc nào cũng oang oang, làm lúc nào cũng đôi ba việc một lúc. Đó là chân dung của người phụ nữ biển thời hiện đại, Phạm Thị Măng.

Là người đầu tiên trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) sắm tủ lạnh để trữ cá buôn rồi xây khách sạn cũng thuộc vào loại sớm. Lúc tôi đến, cả khách sạn rộng lớn của chị la liệt sắt, thép, xi măng vì đang xây thêm nhà hàng, thang máy.

Chỗ xây thêm vốn là… một cái chuồng lợn cũ của người hàng xóm nhưng phải mua với giá tới 300 triệu đồng.

Chị Măng là Chi hội trưởng của đủ thứ chi hội từ mực ống, du lịch đến cá ruội Cô Tô. Thương hiệu cá ruội là một giấc mơ dài của cả huyện đảo, nay đã thành sự thật.

Cá ruội (cá cơm) ở Cô Tô vốn sẵn đến mức lắm bận làm bục cả lưới dân chài. Trước đây nghề chế biến cá mạnh ai nấy làm, người phơi giàn, người phơi trực tiếp trên bãi, không thương hiệu nên giá rất rẻ, chỉ 50-70.000đ/kg khô.

Chính vì thế việc Cty TNHH Tư vấn và Dịch vụ thủy sản Hưng Phú phối hợp với UBND huyện và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ninh xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cá ruội được đặt nhiều kỳ vọng.

Thứ nhất là góp phần tăng sản lượng và giá trị chế biến. Thứ hai là bảo tồn và phát triển nghề. Thứ ba là tham gia dự án, các đối tượng sản xuất, kinh doanh cá ruội sẽ hưởng nhiều lợi ích như được hướng dẫn bảo quản, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm.

Được sử dụng lô gô, tem bảo đảm, nhãn, bao bì cho sản phẩm do dự án xây dựng, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh thương mại, cập nhật thông tin thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm…

Quan trọng nhất là được pháp luật bảo vệ khi nhãn hiệu bị vi phạm. Đó là “củ cà rốt”, còn “cây gậy”? Là luật lệ mà tất cả các hội viên của Chi hội Thủy sản Cô Tô phải tuân theo, từ chất lượng sản phẩm đến nhãn mác nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi ngay lập tức.

Mới chỉ khoác trên mình nhãn hiệu cá ruội Cô Tô thôi mà hiệu quả đã thấy rõ. Trước đây cá khô đóng bao xuất ngay tại đảo chỉ 50-70.000đ/kg nay bán trong các cửa hàng OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) của Quảng Ninh hay các kỳ hội chợ giá đã lên gấp đôi, gấp rưỡi.

Người tiêu dùng tín nhiệm đến mức xếp hàng mua khiến cho nhiều buổi dông gió, thuyền gửi cá từ Cô Tô vào đất liền không kịp, điện thoại cứ liên tục réo lên như phải bỏng.

Bào ngư

Mấy tháng nay, dân Cô Tô không ngớt xì xào vì sự xuất hiện của hai cái bè ở nơi sóng gió nhiều nhất đảo, mỏm Hiền Ngô. Đã thế, trên bờ người ta còn thấy sự xuất hiện của mấy cái bể trong đó có chứa một thứ rất đáng ngờ, nâu đen, dài thượt như những lọn tóc thề của thiếu nữ.

Hỏi ra mới biết, đó là bè nuôi bào ngư của anh Vương Ngọc Thủy và thứ ở trong bể là rong câu - loại thức ăn khoái khẩu của nó.

Bào ngư được xếp cùng với nem công, chả phượng, yến sào, hải sâm, vi cá mập, gân nai, tay gấu, tạo thành “bát trân” - 8 món quý của những buổi tiệc nơi cung vương, phủ chúa.

Tuy là nhuyễn thể giống trai, sò nhưng bào ngư đặc biệt ở chỗ chỉ có một mảnh vỏ và có chín lỗ thở ở bên trên nên còn được gọi là ốc cửu khẩu.

Trong tự nhiên bào ngư chỉ xuất hiện ở Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Khánh Ninh (Khánh Hoà) ngoài ra hiếm gặp.

Cách đây chừng 20 năm, Cô Tô lớn, Cô Tô con, Thanh Lân, đảo Miếu, Tả Lình Nhì bào ngư đầy rẫy dưới bãi. Cứ hướng nào nhiều sóng gió thì lắm bào ngư.

Khi con nước cạn nhất năm, mồng 5 tháng 5 nhiều bãi lộ ra người đi không cẩn thận còn vấp phải bào ngư, đau điếng. Con to như bàn tay trẻ con, con bé cũng ba ngón tay người lớn.

 Bào ngư nhiều đến mức tươi không dùng hết phải luộc lên rồi gỡ ra cho vào chum. Lắm nhà có đến dăm ba chum như vậy dành làm thức ăn mùa giáp hạt. Vỏ bào ngư đổ ra vườn, vun cao như đống rấm.

Từ hồi Trung Quốc thu mua, giá lên vùn vụt. Cân loại 1 (20 con/kg) lên tới cả triệu đồng khiến hàng trăm thợ lặn quần đảo bắt từ con to đến con nhỏ, mùa sinh sản cũng không tha. Bào ngư ngày càng hiếm. Mỗi năm cả đảo chỉ thu được chừng ba bốn tạ nên muốn ăn phải xỉa tiền đặt cọc trước.

Trong những lần dẫn chuyên gia của Viện nghiên cứu Hải sản đi lặn bắt bào ngư ở Cô Tô, anh Vương Ngọc Thủy mới thấy tiếc. Tiếng là xứ sở của ốc cửu khẩu nhưng nay hầu như đã sạch bóng.

Khi nghe tin trại bào ngư Bạch Long Vĩ sản xuất được giống, máu dồn lên não, mấy anh em rủ nhau quyết nuôi. Nguyễn Văn Hưng nuôi lồng treo trong bể, Nguyễn Duy Quý nuôi trên bãi, Vương Ngọc Thủy nuôi lồng trên biển.

Anh Thủy thả 72 lồng, mỗi cái nuôi 120 con, san dần theo độ lớn. Cứ 5 ngày anh lại cưỡi sóng gió đem rong câu ra cho ăn và vệ sinh lồng cẩn thận.

Phải thường xuyên loại bỏ hà bám ở trong lồng vì bào ngư rất sợ bề mặt thô ráp, xù xì. Mồm của chúng chính là chân, bám vào bề mặt sắc, rất dễ sinh thương tổn.

Cách bắt bào ngư lên kiểm tra cũng thật kỳ công. Một miếng nhựa mỏng được luồn nhẹ bên dưới, bào ngư thấy buồn buồn thu mồm lại đã nằm gọn lên trên.

Sốt ruột mà cậy là y rằng sứt mồm, chết yểu. Ngày anh cho ăn, vệ sinh, đêm ra bãi nhìn hút theo hai cái đèn nhấp nháy trên bè xem có bị trôi dạt còn kịp ứng cứu.

Sau 5 tháng nuôi, lúc đầu bào ngư chỉ nhỏ như cúc áo giờ đã được 4-5 cm. Theo dự án là 2 năm mới khai thác nhưng với đà này chỉ năm rưỡi là dư sức được thu. Bào ngư còn non vỏ màu nâu, lỗ thở chưa mở hết khi về già chuyển màu nâu bạc, có 9-11 lỗ trên lưng.

Cá đối

Thợ lặn nổi tiếng nhất nhì đảo, Nguyễn Đăng Lương thuộc từng hủm đá, ghềnh, bãi san hô của khắp Bạch Long Vĩ, Cô Tô như lòng bàn tay. Anh “lặn” một hơi thật sâu dưới biển để đến lúc trồi lên bờ thoắt cái đã 22 năm. Bao bạn lặn như Khệ, Thủy, Oanh, Thái… người bỏ mạng, người thì mang thương tật.

17-20-46_dsc_1168
Anh Lương đang kiểm tra cá đối

Giờ anh là Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn với cuộc “giã từ vũ khí” gian nan ngoài sức tưởng tượng. Lần đầu rời biển anh như người mất hồn.

Sáu giờ sáng là vặn radio nghe dự báo thời tiết để rồi thấy lặng gió là chân tự bước ra biển. Đi trên đất bằng sao mà chông chênh, chỉ có đáy biển khơi là nơi anh thấy vững. Vợ con kéo anh vào nghề bán quán ven bờ nhưng anh lại lao ra khơi.

Lần hai lên bờ, rút kinh nghiệm, vợ con sắm cho anh cái ô tô cũ để chở khách, rồi sắm đàn để phục vụ đám cưới, nhất định không cho bán hàng trên bãi nữa để anh “cai nghiện” biển. Thế rồi ô tô, đàn sáo cũng phải bán vì một lần nữa anh lại đi theo tiếng gọi của những cơn sóng.

Lần ba lên bờ, tuổi tác đã xế chiều, sau 22 năm vẫy vùng đáy đại dương anh lao vào đủ thứ nghề để dập đi nỗi nhớ biển. Nào nuôi dê, lợn rừng, chăn bò, thả gà, đuổi chim bồ câu, làm chượp mắm… Nào đào ao thả cá nước ngọt đầu tiên rồi lại thả cá đối - một loại cá đặc sản nước mặn chưa ai từng nuôi nổi.

Giờ trong tay anh đàn lợn rừng, lợn nhà 120 con, đàn gà 500 con, đàn bồ câu Pháp 300 con, 1,5 ha ao, vài chục chum nước mắm, doanh thu trên 1 tỉ, lãi rõng mỗi năm 300-400 triệu đồng.

Nhưng nỗi nhớ biển cứ như cái dằm, lặn sâu vào tim, thỉnh thoảng lại nhoi nhói. Lúc ấy anh vứt tất cả, leo đại lên một cái tàu nào đó để mà được bập bềnh trên sóng, hít hà vị mặn, dõi mắt đến muôn trùng.

Cánh thợ lặn cùng đội với anh, có ai mà thực sự bỏ được biển? Như Hoàng Văn Thanh đấy, sau khi bỏ lặn nhớ quá phải mua một cái đò để mở tuyến Thanh Lân - Cô Tô làm kiếp ông lái.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khuat-sau-bien-man-giac-mo-bien-d154296.html