Thứ bảy 17/05/2025 - 21:21
Thời sự
Khơi thông liên kết, giảm rác nhựa để đảo Việt Nam phát triển bền vững
Thứ Bảy 17/05/2025 - 20:41
Phát triển kinh tế đảo phải hài hòa với bảo vệ môi trường, giảm rác nhựa đại dương và giữ gìn bản sắc vì tương lai bền vững biển đảo Việt Nam.
- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Nỗ lực vì một đại dương không rác thải nhựa
- Thu gom, xử lý hơn 116kg rác thải dưới đáy biển tại đảo Lý Sơn
- Quảng Ngãi: Thu gom, xử lý hơn 100 kg rác nhựa ở đáy vùng biển Lý Sơn
- Du khách Tây giải cứu đồi mồi nặng 8kg bị mắc lưới về với biển
Chiều 17/5, tại Vườn quốc gia Côn Đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức WWF tổ chức Hội thảo “Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế đảo” và tổng kết Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.
Chương trình được tổ chức với mong muốn phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và bản sắc văn hóa vì tương lai bền vững cho các đảo Việt Nam. Đây vừa là tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc, vừa là trụ cột trong chiến lược phát triển quốc gia theo hướng biển.
Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó nhiều huyện đảo như Phú Quốc, Lý Sơn, Côn Đảo, Cô Tô… đang nổi lên như những cực tăng trưởng mới, với vai trò đa chiều: phòng thủ quốc gia, giao thương quốc tế, phát triển du lịch sinh thái, thủy sản, năng lượng tái tạo, hàng hải, logistics.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá, các vùng đảo còn là khu vực có độ đa dạng sinh học biển cao bậc nhất cả nước với các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn vốn được ví như “lá phổi xanh” của đại dương.
“Những hệ sinh thái này đóng vai trò thiết yếu trong duy trì nguồn lợi thủy sản, hấp thụ khí nhà kính và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh.

Rác thải đại dương đang đe dọa lớn nhất với sự sống của đại dương. Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo.
Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 139/QH15 của Quốc hội đã xác lập vai trò then chốt của các đảo trong quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, phát triển kinh tế đảo sẽ không còn là bài toán cục bộ, mà cần được đặt trong tầm nhìn dài hạn, có sự kết nối giữa đảo đất liền và giữa các đảo với nhau.
“Một thực tế đáng lo ngại: sự thiếu gắn kết trong phát triển giữa đảo và đất liền đã khiến tiềm năng kinh tế biển đảo chưa được phát huy xứng tầm. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất với sự sống của đại dương”, ông Nguyễn Đức Toàn bày tỏ.
Hiện, lượng rác nhựa trôi nổi tại nhiều khu vực biển đảo đang ở mức báo động. Dù đã có một số biện pháp phân loại và thu gom, nhưng lượng rác trôi ra biển vẫn rất lớn, tác động tiêu cực đến du lịch, nuôi trồng thủy sản và đời sống ngư dân.

Nhiều mô hình tuyên truyền hay về giảm rác thải nhựa của Côn Đảo đang phát huy hiệu quả, tác động đến ý thức của nhiều đối tượng. Ảnh: UBND huyện Côn Đảo.
Theo ông Thibault J. Ledecq, cố vấn trưởng Bảo tồn WWF Việt Nam, ước tính, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó một phần trôi nổi ngoài đại dương, khiến Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển lớn nhất thế giới (theo IUCN 2022). Cùng lúc, diện tích rạn san hô sống ở một số khu vực đã giảm tới 50% so với thập niên 1990.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố ven biển. Kết quả bước đầu ghi nhận nhiều mô hình hiệu quả như “không rác thải nhựa trong du lịch”, “khu dân cư xanh”, “ngư dân không xả rác xuống biển”… nhưng nhìn chung vẫn chưa đồng bộ tại các địa phương.
“Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách về hành động tập thể, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp đến chính các cộng đồng dân cư ven biển”, ông Thibault J. Ledecq nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Toàn: "Giảm thải rác thải nhựa đại dương cần sự chung tay của tất cả địa phương, chính quyền và người dân". Ảnh: Lê Bình.
Các đại biểu cũng cho rằng, muốn phát triển kinh tế đảo một cách bền vững, cần nhanh chóng hình thành mạng lưới liên kết giữa các địa phương ven biển và huyện đảo, từ đó tạo nên một hệ sinh thái phát triển dựa trên nền tảng “kinh tế xanh - môi trường sạch - quốc phòng vững mạnh”.
Hội thảo hợp tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển cũng tập trung vào các hướng: thứ nhất, nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, phù hợp điều kiện từng đảo. Thứ hai, kiểm soát và giảm thiểu rác thải nhựa từ gốc, nghĩa là từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến thu gom. Thứ ba, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực giữa đảo với đất liền để tạo thành chuỗi giá trị biển hiệu quả. Và cuối cùng, là cải thiện sinh kế, đời sống người dân đảo bởi họ chính là “cột mốc sống” giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khoi-thong-lien-ket-giam-rac-nhua-de-dao-viet-nam-phat-trien-ben-vung-d753690.html