| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 07:44

Câu chuyện môi trường

Khởi nghiệp từ rác, tạo giá trị xanh cho cộng đồng

Thứ Hai 28/04/2025 - 07:40

Từ rác thải, anh Trương Tử Long (Đà Nẵng) đã khởi nghiệp thành công, tạo ra nguyên liệu đốt và giá thể đất trồng hữu cơ, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

Tạo năng lượng sạch từ phế phẩm cây xanh

Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Trương Tử Long, Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cho biết, nhiều năm làm việc trong ngành điện lực, anh chứng kiến cứ mỗi mùa mưa bão, công ty phải thu gom một lượng lớn cành cây chặt tỉa nhưng không xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Điều này thôi thúc anh thực hiện một dự án tái tạo năng lượng sạch từ phế phẩm cây xanh.

Anh Long dự định sử dụng thân, cành cây băm nhuyễn để làm sản phẩm cung cấp cho các đơn vị lò hơi, chuyên làm viên nén; lá cây băm nhuyễn sẽ được dùng để ủ làm giá thể đất trồng cho sản xuất nông nghiệp.

Anh Trương Tử Long, Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân với dự án 'biến' rác thải sinh học thành tài nguyên. Ảnh: Lan Anh.

Anh Trương Tử Long, Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân với dự án "biến" rác thải sinh học thành tài nguyên. Ảnh: Lan Anh.

Bắt tay vào việc, năm 2021, anh Long rút hết tiền tiết kiệm, vay mượn gia đình khoảng 1,2 tỷ đồng để mua sắm máy băm công nghiệp, băng chuyền, máy gắp gỗ, nhà xưởng... Sản phẩm đầu tiên “ra lò”, anh mang đi “chào hàng” ở nhà máy gạch Prime Đại Lộc Quảng Nam và nhận được cái “gật đầu” của doanh nghiệp. Những đơn hàng nhỏ ban đầu như liều thuốc tiếp thêm động lực cho anh Long.

“Tuy nhiên cũng như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, lúc đầu mô hình của tôi liên tục gặp sự cố. Mỗi lần triển khai, chi phí để bảo dưỡng, thay thế bộ phận linh kiện rất cao, nhất là lưỡi dao nghiền giá 40 triệu đồng/bộ. Thời điểm khó khăn nhất của tôi là vào khoảng năm 2021-2022, vừa khởi nghiệp thì gặp dịch COVID, không có đối tác. Tôi đã nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng sau đó lại quyết tâm thực hiện tiếp ước mơ đang dang dở”, anh Long chia sẻ.

Dần về sau, việc kinh doanh ổn định hơn, anh Long quyết định thành lập doanh nghiệp là Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân vào tháng 11/2023. Cũng từ đó, công ty nhận được nhiều đơn hàng chất lượng. Khoảng 1 năm trở lại đây, công ty anh cung cấp khoảng 100-500 tấn/tháng gỗ băm dăm cho các doanh nghiệp năng lượng để phục vụ các lò hơi.

Hiện, công ty của anh là đối tác của Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng, Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Đà Nẵng, khu du lịch Bana Rita Farm, Raku Farm, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty TNHH MTV xã hội Sông Hàn và một số doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Hòa Khánh… Doanh thu công ty bình quân trên 2 tỷ đồng/năm giai đoạn năm 2023-2024. 

Lan tỏa giá trị môi trường

Không chỉ dừng lại ở việc xử lý thân và cành cây, lá cây sau khi băm nhuyễn được anh Long tận dụng trộn với phế phẩm thức ăn thừa của các nhà hàng để ủ làm giá thể đất trồng – một sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững.

Giá thể đất trồng được tạo ra từ phế phẩm lá cây và thức ăn thừa. Ảnh: Lan Anh.

Giá thể đất trồng được tạo ra từ phế phẩm lá cây và thức ăn thừa. Ảnh: Lan Anh.

Hiện nay giá thể đất trồng của Công ty đang cung cấp cho các trang trại du lịch kết hợp nông nghiệp ở Hòa Ninh, vườn ươm ở Hòa Bắc và bán các hộ gia đình…. Theo anh Long, sản phẩm giá thể đất trồng của anh có một ưu điểm nổi bật như giữ ẩm tốt, nhiệt độ vừa phải, giàu dinh dưỡng và thân thiện với môi trường... Anh cũng đang thử nghiệm trồng nấm linh chi trên giá thể đất trồng, nếu thành công, sẽ sớm đưa ra thị trường.

Mô hình tái tạo năng lượng xanh của anh Long đang góp phần trực tiếp vào việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác hữu cơ – loại rác chiếm tỷ lệ lớn tại các đô thị.

Anh Long cho biết: “Điều tôi mong muốn không chỉ là kinh doanh, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về cách ứng xử với rác thải, về việc chúng ta hoàn toàn có thể biến cái bỏ đi thành thứ có ích, thậm chí tạo ra sinh kế mới cho xã hội”.

Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của doanh nghiệp là phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, thiếu tính ổn định; quỹ đất, mặt bằng để mở rộng nhà xưởng còn hạn chế... Đây là lý do khiến anh Long chưa thể đầu tư mạnh về máy móc, hạ tầng để phát triển mô hình “Tái tạo năng lượng xanh”.

Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân hợp tác xử lý rác hữu cơ cùng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.

Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân hợp tác xử lý rác hữu cơ cùng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.

Để giải quyết bài toán này, anh Long mong muốn được phối hợp với các đơn vị quản lý Nhà nước như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường...để hỗ trợ vốn, chính sách và được tạo điều kiện thuê đất phù hợp để có thể mở rộng mô hình.

“Khoảng 60% lượng rác tại bãi rác Khánh Sơn là rác hữu cơ. Nếu được hỗ trợ, chúng tôi sẽ đầu tư thiết bị công nghệ để xử lý, tái tạo, góp phần giảm lượng rác chôn lấp và làm sạch môi trường thành phố”, anh Long chia sẻ.

Với tâm huyết và hướng đi đúng đắn, anh Long kỳ vọng mô hình “tái tạo năng lượng xanh từ phế phẩm” sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn và góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp trong tương lai.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khoi-nghiep-tu-rac-tao-gia-tri-xanh-cho-cong-dong-d750415.html