| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 19:40

Thời sự

"Khoán 10" trong khoa học mắc ở đâu?

Thứ Năm 20/03/2008 - 07:00

Mới đây tại TP HCM, Bộ KH&CN ngồi lại sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 115/2005 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ công lập, một nghị định mà nhiều người kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong khoa học công nghệ như khoán 10 trong nông nghiệp.

Thế nhưng hy vọng vẫn ở thì tương lai. Theo báo cáo của BCĐ liên ngành thực hiện 115, gần 3 năm qua mới có 161/659 đơn vị có đề án chuyển đổi đã được phê duyệt và 142 đơn vị đã có đề án đang chờ thẩm định, còn lại đang trong giai đoạn...nghe ngóng. Bộ GD-ĐT và Viện KHXHVN, nơi có nhiều “cây đa, cây đề” nghiên cứu những phạm trù to tát nhất lại là 2 địa chỉ chậm chạp nhất. Bộ NN- PTNT mặc dù cũng chậm nhưng không bị than phiền vì cho rằng có đặc thù và số lượng đơn vị quá lớn.

Khi ra đời, 115 có "tối hậu thư" là chậm nhất đến hết năm 2009, nếu các đơn vị không chuyển đổi được thì sẽ bị giải thể, sáp nhập nhưng hiện tại nhà nước đã phải "nhường" khoa học một bước bằng cách lùi vạch sơn đến hết năm 2011.

Vậy là không được như khoán 10 trong nông nghiệp, tôi từng chứng kiến toàn huyện Long Hồ (Vĩnh Long) tiếp nhận khoán 10 nồng nhiệt đến cỡ nào, chỉ trong vòng 1 đêm có đến 29/31 tập đoàn sản xuất tự giải thể trao quyền tự chủ cho nông dân.

Mắc ở đâu?

Câu trả lời trước hết là ở chủ quan khoa học. Chuyển đổi thì lương cao, phát triển thuận lợi…nhưng tất cả còn đang ở thì tương lai, trong khi khó khăn đã ở thì hiện tại. Đội ngũ lãnh đạo các tổ chức khoa học lại chủ yếu đã xế chiều, việc đi "khai hoang", đi "vùng kinh tế mới" xưa nay không thuộc về lứa tuổi đó.

Lại nữa, người ra riêng bao giờ cũng nhẩm kiểm tra lại tài sản, hóa ra họ quá nghèo, có thể họ cũng đã có được một số vốn liếng kha khá nhưng đã phục vụ vô điều kiện cho sản xuất, cho xã hội. Mặc dù nếu ra riêng thì được chia cho nhà cửa, xe cộ, phòng thí nghiệm…những thứ đã được đầu tư trước đây nhưng những tài sản đấy đều không bán được, không dùng nói chuyện với đối tác được.

Về khách quan, trở ngại lớn nhất đấy là tiến hành 115 trong điều kiện luật sở hữu trí tuệ, bản quyền chưa được thực thi nghiêm, đại biểu Đại học Nông Lâm TP HCM chia sẻ - Đúng ra vấn đề sở hữu phải được coi là trái tim của 115 nhưng chưa được chú trọng đúng mức.

Bộ NN-PTNT thí điểm 2 đơn vị chuyển đổi là Viện Nghiên cứu Ngô và Trung tâm NC Gia cầm Thụy Phương thì khả năng thành công của 2 đơn vị này phần lớn nhờ vào nguồn tài chính kiếm thêm dồi dào. Viện Ngô kiếm tiền do bán giống ngô lai, còn Thụy Phương bán giống gia cầm. Hai tài sản này đều thuộc loại dễ giữ bản quyền. Tương tự Bộ Thủy sản (trước đây) có một số trạm NC bán được giống thủy sản, Bộ Y tế có các cơ sở NC và sản xuất vắcxin, Đại học Nông Lâm có dịch vụ và thuốc thú y, địa chính…

Lại thêm, làm sao để định giá được chất xám và sản phẩm chất xám. Bất cứ một hàng hóa nào mà không có giá thì rất khó buôn bán.

Khác với khoán 10, khoán 115 là khoán cao cấp hơn, trí tuệ hơn nên không thể nhanh được nhưng mục tiêu của 115 chắc chắn sẽ là một tất yếu. Tuy nhiên tương lai của KHCN cũng không thể trông đợi quá nhiều vào 115 mà song song cần khuyến khích sâu rộng việc tư nhân hóa KHCN.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khoan-10-trong-khoa-hoc-mac-o-dau-d9131.html