Thứ năm 01/05/2025 - 15:56
Thời sự
Khát vọng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình
Thứ Năm 01/05/2025 - 15:53
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn mình ra thế giới mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
- Khát vọng trẻ
- Văn chương trẻ với thế hệ công dân toàn cầu
- Giới trẻ cất cao tiếng hát về dòng máu Lạc Hồng
Trong dòng chảy ấy, người trẻ Việt không chỉ tiếp thu tri thức toàn cầu mà còn chủ động đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Báo Nông nghiệp và Môi trường có cuộc trò chuyện với TS Lê Duy Anh, quyền Giám đốc Chương trình Kinh tế học, Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng, Đại học VinUni, với những góc nhìn về hành trình đổi mới tư duy, khơi thông tài chính xanh và khát vọng vươn mình ra thế giới của lớp trẻ Việt Nam hôm nay.

TS Lê Duy Anh, sinh năm 1990, là một trong 10 thanh niên tiêu biểu được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tư cách là một nhân sĩ, trí thức. Ảnh: NVCC.
Khai thông cơ chế và đầu tư giáo dục
Tài chính xanh đang nổi lên như một trong những đòi hỏi cấp thiết của phát triển bền vững. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay không nằm ở thiếu nguồn lực, mà ở những rào cản cơ chế cần được tháo gỡ. "Xanh không bao giờ đi kèm với rẻ. Phát triển xanh đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn, nhưng lợi ích thu về là lâu dài và bền vững", TS Lê Duy Anh nhấn mạnh.
Những nỗ lực ban đầu của Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến quan trọng, tiêu biểu là việc phê duyệt Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025, thiết lập lộ trình hình thành thị trường carbon nội địa từ năm 2030. Dòng tiền từ thị trường này không chỉ nhằm tạo nguồn thu ổn định mà còn hướng đến hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích các hoạt động nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, từ nay tới khi thị trường carbon vận hành ổn định vẫn còn những khoảng trống. TS Lê Duy Anh dẫn chứng trường hợp VinGroup, các hoạt động của hệ thống trạm sạc và số lượng xe điện giúp giảm đáng kể lượng khí phát thải (riêng hệ thống trạm sạc V-Green giúp giảm khoảng 354.000 tấn CO2e trong 2 năm). Nhưng do thiếu cơ chế giao dịch tín chỉ carbon, thành quả này chưa thể chuyển hóa thành lợi ích tài chính, như Công ty Tesla, đạt doanh thu bán tín chỉ carbon lên tới 1 tỷ USD.
Anh cũng cho rằng, đầu tư vào các công nghệ mới như hydrogen, năng lượng tái tạo hay phương tiện điện đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận mức độ rủi ro cao. Để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, cần có cơ chế giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ ban đầu từ nhà nước. Các văn bản quan trọng như Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị định 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã đặt nền móng cho quá trình này.
Hành trình chuyển đổi xanh không thể thiếu vai trò của giáo dục. TS Lê Duy Anh cho rằng việc thúc đẩy tài chính xanh đi đôi với tạo điều kiện cho người dân tự quyết định lộ trình chuyển đổi phù hợp khả năng tài chính. Hành động xanh chỉ bền vững nếu bắt nguồn từ sự thay đổi nhận thức và thái độ. Do đó, các môn học về kinh tế xanh, phát triển bền vững nên được tích hợp vào chương trình giáo dục từ cấp phổ thông trung học và coi là môn bắt buộc trước khi bước chân vào giảng đường đại học.
VinUni cũng đang chuẩn bị nguồn lực dài hạn trong 5-10 năm tới để đào tạo các thế hệ sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tư duy phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi xanh toàn diện mà VinGroup theo đuổi.
Đưa góc nhìn kinh tế vào "rửa tay xà phòng, vệ sinh nông thôn"
Chia sẻ về những trải nghiệm thực tiễn từ các dự án từng thực hiện, TS Lê Duy Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của những hành động nhỏ nhưng thiết thực. Anh dẫn chứng, ở các vùng nông thôn Việt Nam trước đây, tỷ lệ trẻ em tử vong vì tiêu chảy còn cao hơn cả những bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS hay lao.
"Doanh nghiệp, cộng đồng và nhà nước phải phối hợp chặt chẽ, bởi một mình doanh nghiệp không thể hoàn thành các mục tiêu bền vững nếu hạ tầng xã hội và chính sách chưa đồng bộ", TS Lê Duy Anh.
Một hành động đơn giản như rửa tay bằng xà phòng - được triển khai trong các chương trình của Cục Quản lý môi trường y tế góp phần giảm mạnh tỷ lệ tử vong và cải thiện vệ sinh cộng đồng. Hiện nay, khoảng 80% dân số Việt Nam đã sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, một thành tựu đến từ những nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm.
Tuy nhiên, những tồn tại vẫn còn, đặc biệt là trong việc xử lý chất thải rắn. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Nguyên nhân sâu xa không chỉ đến từ thiếu hạ tầng xử lý mà còn từ thói quen của người dân, chẳng hạn việc lạm dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Trong nghiên cứu, TS Lê Duy Anh đề xuất thử nghiệm các giải pháp can thiệp dựa trên lý thuyết về kinh tế hành vi. Chẳng hạn, thay vì mặc định đưa túi nilon cho khách hàng, các cửa hàng nên đợi khách yêu cầu. Thay đổi nhỏ trong hành vi này được chứng minh là giảm đáng kể lượng túi nilon tiêu thụ mà không gây khó chịu cho người tiêu dùng.
Anh nhấn mạnh, để tạo ra thay đổi bền vững, cần duy trì nguyên tắc: Mục tiêu lớn bắt đầu từ hành động nhỏ, đồng thời thường xuyên cập nhật và điều chỉnh phương pháp để đảm bảo hiệu quả thực tế.

Trước khi gia nhập VinUni, TS Lê Duy Anh (phải) từng là Trưởng khoa Chính sách công, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Ở góc nhìn rộng hơn, TS Lê Duy Anh bày tỏ niềm tin vào khát vọng vươn mình ra thế giới của thế hệ trẻ Việt Nam. Anh cho rằng, kinh tế tư nhân đã được Đảng, Nhà nước coi là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước. "Khát vọng của chúng tôi không chỉ là phát triển trong nước, mà còn là vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với những công ty hàng đầu thế giới", TS Lê Duy Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, anh cũng nhìn nhận rằng, nội lực của từng cá nhân, dù mạnh mẽ đến đâu, vẫn chưa đủ. Việt Nam cần có những chính sách bài bản để hình thành các "nhà vô địch quốc gia" - những doanh nghiệp có sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Chính phủ đã có những bước đi tích cực khi giao nhiều dự án trọng điểm cho khu vực tư nhân. Đây là cơ hội quý báu để doanh nghiệp rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, va chạm với thực tế, bởi "nếu không va chạm, không tự rèn luyện thì sẽ chậm trưởng thành". Cánh cửa đã mở, và giờ Việt Nam chỉ còn một cách cạnh tranh, là dựa trên nền tảng khoa học công nghệ như định hướng của Tổng Bí thư.
Gương mặt tiêu biểu của VinUni nhấn mạnh, việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp mạnh phải đi đôi với nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia. Những lĩnh vực mũi nhọn như bán dẫn, ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI)... cần được quy hoạch bài bản và đầu tư trọng điểm để tạo ra các doanh nghiệp dẫn đầu, quy mô lớn.
Với thế hệ trẻ, anh nhắn nhủ, điều quan trọng không phải nóng vội đi thật nhanh, mà là bền bỉ đi đúng hướng. Trong từng bước phát triển, mỗi đóng góp dù nhỏ đều có giá trị. TS Lê Duy Anh tin rằng tinh thần quyết tâm, ý chí cống hiến và sự lạc quan chính là hành trang mạnh mẽ nhất mà người trẻ hôm nay đang nắm giữ. “Khó khăn là điều không thể tránh, nhưng ở thời điểm này, dù bạn ở đâu, đều có cơ hội cống hiến,” anh nói.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khat-vong-chuyen-doi-xanh-phat-trien-ben-vung-trong-ky-nguyen-vuon-minh-d750370.html