Thứ năm 17/04/2025 - 13:41
Pháp luật - Bạn đọc
Khai thác đá 'phá' đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Thứ Năm 17/04/2025 - 07:06
Những chuyến xe từ mỏ đá Ngọc Ni đang ‘cày nát’ đường dân sinh, gây ô nhiễm môi trường, khiến đời sống của hàng trăm hộ dân huyện Hương Sơn trở nên khốn khổ...
- Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo làm rõ vụ người dân bị 'đọa đày' bởi mỏ đá
- Dân mất ăn, mất ngủ vì Công ty Cao Nguyên nổ mìn khai thác đá
- Nổ mìn khai thác đá làm hỏng nhà, đe dọa tính mạng nông dân
Video mỏ đá Ngọc Ni.
Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì mỏ đá
Gần 2 năm nay, mỏ đá Ngọc Ni, thuộc Công ty TNHH Ngọc Ni, thôn Tân Thủy, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hoạt động rầm rộ bất kể ngày đêm khiến cuộc sống của khoảng 400 hộ dân các thôn Tân Sơn, Tân Thủy, Đồng Phúc đảo lộn.

Khoảng 400 hộ dân khốn khổ vì mỏ đá Ngọc Ni. Ảnh: Thanh Nga.
Theo phản ánh của người dân, mỏ đá này không chỉ “cày nát” hơn 1km đường vượt lũ mà còn gây ô nhiễm môi trường; nổ mìn làm rung chuyển, nứt nhà, hư hỏng mộ phần của người dân.
Nhiều hộ dân như hộ anh Nam, anh Minh, thôn Đồng Phúc; anh Tú, thôn Tân Thủy; ông Hạnh, thôn Tân Sơn… nằm cách mỏ đá hơn 2 km nhưng vẫn cảm nhận sự rung chuyển vì mỏ nổ mìn quá mạnh.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Nhuần và ông Phan Văn Phú, thôn Tân Sơn chỉ cách mỏ đá khoảng 150 – 200m không ít lần rung chuyển, rơi hết chén bát, đồ đạc trên kệ xuống dưới đất do tác động của nổ mìn. Bà Nhuần cho biết, nhà mới xây dựng năm 2019 với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, có 50 triệu đồng nguồn nhà nước hỗ trợ cho thương binh Phan Văn Phú. Từ năm 2024 nhiều vị trí trong căn nhà bắt đầu nứt nẻ, một số vị trí nứt dài đến 70 – 80cm.

Bà Nguyễn Thị Nhuần cho rằng, mỏ đá nổ mìn gây ảnh hưởng nặng đến nhà dân. Ảnh: Thanh Nga.
“Nếu chờ đến khi mỏ đá làm hư hỏng hẳn hay sập nhà, yêu cầu chủ mỏ đền bù thì không còn gì để nói. Nhưng kéo dài việc nổ mìn như hiện nay, qua thời gian căn nhà sẽ rút ngắn “tuổi thọ”. Chúng tôi mong muốn chấm dứt hoạt động của mỏ, nếu không thì đề nghị chủ mỏ phải nổ mìn nhẹ hơn để giảm tác động đến tài sản của người dân”, bà Nhuần nói.
Chung bức xúc, bà Nguyễn Thị Dinh, trú cùng thôn Tân Sơn rưng rưng nước mắt khi nói về khu mộ của gia đình bị đá từ mỏ Ngọc Ni rơi trúng, làm nứt, gãy nẹp một phần mộ đá trong khuôn viên. “Trên dương gian không nói, dưới âm phủ cũng không yên vì mỏ đá. Chúng tôi bức xúc nhưng không biết kêu ai”. Bà Dinh ngán ngẩm.
Khi mỏ đá Ngọc Ni đi vào khai thác, xe quá tải chạy liên tục làm cho tuyến đường dân sinh hư hỏng nặng. Phần bê tông bị bóc hết lớp mặt, trơ sỏi đá; ổ trâu, ổ gà chi chít; phần lề đường bị đào bới khiến bùn đất tràn lên mặt đường gây khó khăn cho người dân tham gia giao thông.

Bà Nguyễn Thị Dinh kể chuyện nổ mìn làm hỏng mộ phần của nhà bà. Ảnh: Thanh Nga.
“Người dân thôn Tân Sơn đều chở con em đi học qua tuyến đường có mỏ đá hoạt động, người ít thì 2 lượt, người nhiều 4, 5 lượt. Mỗi lần đi qua đoạn mỏ đá chúng tôi đều nơm nớp lo đá rơi trúng người. Chưa kể mùa mưa bùn tràn lên mặt đường, mùa hè bụi mù mịt, che khuất tầm nhìn, vừa bẩn vừa dễ tai nạn”, bà Nguyễn Thị Vịnh, trú thôn Tân Sơn tiếp lời người hàng xóm và nhấn mạnh, chồng của bà từng bị ngã gãy răng do đi trên đường rơi vãi nhiều đá xay.
Xe quá tải hoành hành
Ngoài các vấn đề trên, người dân còn ngán ngẩm khi đội xe trọng tải lớn ra vào mỏ đá thiếu ý thức, thường xuyên đậu xe giữa đường, chắn hết không gian lưu thông của bà con. Anh P. nhấn mạnh: “Họ đậu xe giữa đường như đường của nhà họ. Có lần tôi chở một cháu bé bị động kinh đi cấp cứu phải bóp còi inh ỏi, chờ 10 – 15 phút họ mới di chuyển xe đi nơi khác để xe tôi chạy”.

Xe quá tải hoành hành càng làm tuyến đường hư hỏng nặng. Ảnh: Thanh Nga.
Liên quan đến xe quá tải, ông Nguyễn Quang Hạnh, Bí thư chi bộ thôn Tân Sơn khẳng định, tuyến đường dân sinh của người dân hư hỏng là do xe tải trọng lớn chạy quá nhiều. Trọng tải cho phép của tuyến đường chỉ 13 tấn song rất nhiều xe chở lên đến gần 100 tấn.
“Hiện 2 mố cầu đã trụt xuống, đoạn tiếp nối quốc lộ 8A bị nứt nhăm, mặt đường bê tông bị bóc hết lớp xi măng, mất an toàn giao thông. Nhiều người “chụp hụt” (suýt chết) khi đi qua đoạn đường này do đường nhỏ, cua gấp khúc, tầm nhìn hai bên hạn chế, còn số người ngã xe bị thương ngoài da thì thường xuyên”, ông Hạnh nói.

Mặt đường bê tông bị gãy, bóc hết lớp xi măng. Ảnh: Thanh Nga.
Theo ông, tuyến đường vượt lũ dẫn vào thôn Tân Sơn dài 2,4km, mặt đường rộng 5m, trong đó đoạn xe chở đá đi qua hơn 1km. Mong mỏi lớn nhất của người dân bây giờ là mỏ đá hạn chế nổ mìn lớn ảnh hưởng đến nhà cửa của họ; đồng thời, thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch đoạn đường mỏ đá đi qua, tránh gây nguy hiểm cho người đi đường.
Về phía chủ mỏ đá, ông Võ Xuân Huy, trú phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh thừa nhận, đoạn đường mỏ đá hoạt động có bẩn song “không phải quá ghê gớm”. Đối với việc nổ mìn, khi ông mới khai thác, một số hộ dân phản ánh ảnh hưởng, mỏ đá đã xử lý.

Đá xay rải trên mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: Thanh Nga.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khai-thac-da-pha-duong-gay-o-nhiem-moi-truong-nghiem-trong-d747992.html