Thứ ba 06/05/2025 - 10:59
Chính trị
Kế hoạch chi tiết lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 2013
Thứ Ba 06/05/2025 - 10:56
Đây là bước đi quan trọng nhằm tiếp thu trí tuệ, tâm huyết của toàn xã hội để hoàn thiện nền tảng pháp lý tối cao của đất nước.
- Việc sửa đổi Hiến pháp phải đảm bảo đúng quy trình, lấy ý kiến nhân dân
- Ý Đảng hợp lòng dân, kiến tạo kỷ nguyên phát triển mới
- Sẽ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp và thông qua trước 30/6
Thực hiện Nghị quyết số 194/2025/QH15 và Nghị quyết số 195/2025/QH15 cùng ngày 05/5/2025 của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013. Đây là bước đi quan trọng nhằm tiếp thu trí tuệ, tâm huyết của toàn xã hội để hoàn thiện nền tảng pháp lý tối cao của đất nước.

Lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 2013 là bước đi quan trọng nhằm tiếp thu trí tuệ, tâm huyết của toàn xã hội để hoàn thiện nền tảng pháp lý tối cao của đất nước. Ảnh: Lê Hạnh.
Phát huy dân chủ, bảo đảm tính toàn diện và đồng thuận cao
Mục tiêu trọng tâm của việc lấy ý kiến là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Qua đó, Hiến pháp sửa đổi phải phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Việc tổ chức lấy ý kiến được yêu cầu phải thực hiện dân chủ, công khai, khoa học, minh bạch và tiết kiệm, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Quá trình này đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đồng thời, các hình thức lấy ý kiến sẽ được tổ chức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tế cơ sở, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia.
Lấy ý kiến rộng rãi, tập trung vào toàn bộ dự thảo Nghị quyết
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn thể nhân dân, các cơ quan Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung lấy ý kiến bao trùm toàn bộ dự thảo Nghị quyết, gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày.
Cá nhân có thể tham gia góp ý thông qua ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản.
Các cơ quan, tổ chức chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tùy theo tình hình thực tế và điều kiện cụ thể. Ở địa phương, chính quyền các cấp sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo hình thức phù hợp với pháp luật về dân chủ cơ sở.
Tài liệu phục vụ lấy ý kiến bao gồm: Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; Bản thuyết minh dự thảo và Bản so sánh các nội dung sửa đổi so với Hiến pháp hiện hành. Các tài liệu được công bố công khai trên cổng thông tin của Quốc hội, Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố.
Tiến độ triển khai và phân công trách nhiệm rõ ràng
Thời gian tổ chức lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 06/5/2025 đến ngày 05/6/2025. Trong đó, từ 06/5 đến 30/5 là thời gian để các cơ quan, tổ chức, địa phương triển khai lấy ý kiến. Hạn cuối để gửi báo cáo tổng hợp về Chính phủ là ngày 30/5. Chính phủ sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo và gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp chậm nhất vào ngày 05/6/2025.
Ủy ban dự thảo chịu trách nhiệm chủ trì công bố tài liệu, theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện. Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai và tổng hợp kết quả lấy ý kiến. Các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, các Ban Đảng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước cũng có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến trong phạm vi ngành mình.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống các tổ chức thành viên và phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả. UBND các tỉnh, thành phố chủ trì việc tổ chức và tổng hợp ý kiến ở địa phương. Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đảm bảo công bố đầy đủ dự thảo và tài liệu liên quan.
Các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phản ánh hoạt động lấy ý kiến, tạo sự quan tâm và lan tỏa trong xã hội.
Phải phản ánh đầy đủ ý kiến của nhân dân
Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến phải khách quan, trung thực, phản ánh đầy đủ ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp. Nội dung báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, số lượng ý kiến tham gia, các nội dung đóng góp cụ thể, bao gồm cả các góp ý về kỹ thuật lập hiến.
Nguồn kinh phí cho hoạt động lấy ý kiến sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là dịp để phát huy tinh thần trách nhiệm công dân, củng cố nền dân chủ và khẳng định tính chính danh, hợp hiến của văn bản pháp luật tối cao.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ke-hoach-chi-tiet-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-hien-phap-2013-d751612.html