| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 05:21

Phóng sự

IX. Nơi vạn người sống ở 53,4ha, vạn người chết ở 28,7ha

Thứ Năm 30/03/2023 - 08:36

Trong suốt 2 tuần đi qua 4 tỉnh, thành để thực tế tình hình nghĩa trang, chưa ở đâu tôi thấy diện tích đất của người chết lại chiếm tỷ lệ lớn như nơi này.

20 năm nữa đất vẫn còn thoải mái chôn?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết địa phương đang có khoảng 10.000 dân với 14 xóm và 9 nghĩa trang từ xa xưa để lại. Các ngôi mộ trước đây thường khá nhỏ nhưng 5 - 7 năm nay đã phát sinh ra những khu nghĩa trang gia đình, dòng họ kiểu tự chiếm, tự xây quây trên đất công một khoảnh rộng chừng 50 - 100m2. Sở dĩ có hiện tượng này bởi đất khi đó vẫn để hoang hóa, tuy nhiên chúng vẫn nằm trong quy hoạch bãi tha ma chứ không xảy ra tình trạng mua bán ruộng kiểu trao tay để làm nghĩa trang gia đình như nơi khác.

Trung bình các nghĩa trang thôn rộng khoảng 2 - 3ha, cái lớn nhất thuộc về xóm 3. Địa điểm đầu tiên mà tôi đi chính là nghĩa trang của xóm 3 ấy, nó có mật độ “dân số” rất đông. Chiếc flycam cất cánh bay lên, trên màn hình hiển thị ra những khu mồ mả nằm san sát, ra dáng sầm uất một thị trấn của người chết. 

Nghĩa trang xóm 3 xã Kim Chính nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.

Nhiều cái lăng đá, lăng xi măng cao đến 3 - 4 tầng, xây vây bằng tường để độc quyền bao chiếm hàng trăm m2 đất bên trong. Tường bao của khu mộ này có khi còn “đánh võng” sang tường bao của khu mộ kia, tận dụng triệt để những chỗ đất xen kẹt khiến cho hình dáng của chúng nhìn từ trên cao trông rất buồn cười với đủ vuông, chữ nhật, tam giác, khẩu súng, lá cờ…

Rộng nhất có lẽ là một khu phải cỡ 200m2 bởi cái bóng của ông Phó Chủ tịch UBND xã đang đi bên trong trông rất lọt thỏm. Nghịch lý rằng chưa có ngôi mộ nào ở trên đó mà vẫn chỉ là một bãi đất mới đắp với lối đi ốp gạch hai bên, rải đá mạt ở giữa trải dài ra tận đường chính.

DSC_0915

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính đang đi trên một khu xây vây làm nghĩa trang gia đình. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cùng là nghĩa trang nhưng bên giáo (Thiên chúa giáo), có phong phần (mộ) riêng hết, chia theo từng dòng họ, rất nề nếp, còn bên lương thì lộn xộn hơn. Có những gia đình lúc bố mẹ còn sống chẳng cho ăn uống gì nhưng khi chết làm đám ma rất to để lấy tiếng. Có những gia đình tiền đóng học cho con còn thiếu nhưng vẫn phải đóng theo đầu đinh để xây khu mộ riêng thật lớn.

Tôi ước tính chỉ khoảng 10 - 20% người chết được hỏa táng, đặc biệt là người già cô đơn, độc thân, không có con trai hay bệnh ung thư. Những mộ kiểu này thường xây luôn, kích cỡ nhỏ hơn các mộ hung táng rồi bốc sang cát táng. Giờ không còn mấy ai còn làm mộ riêng lẻ mà đều muốn ở trong nghĩa trang gia đình. Những nhà có điều kiện còn chuyển sang mộ ghép đá, riêng một tam quan (lăng) có giá khoảng 50 triệu, còn một phong phần có giá khoảng 4 - 5 triệu”, ông Nghĩa giải thích.

Empty

Những khu mộ, khu xây quây giữ chỗ rất lớn ở nghĩa trang làng Yên Thổ xã Kim Chính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rời nghĩa trang xóm 3, flycam lại bay trên nghĩa trang của làng Yên Thổ. Mật độ mồ mả ở đây thưa thớt hơn hẳn nhưng lại xuất hiện vô số những khu xây quây rộng 100 - 150m2 với các lăng mộ có mái cách điệu giống ngôi tháp hay ngôi chùa nhiều tầng, thậm chí có cái còn bố trí cả vườn cây, ao cá như nhà một người giàu đang sống ở trong làng vậy. Nhiều cái tuy xây vây nhưng bên trong không hề có mộ, vẫn chỉ là một trảng cỏ xanh rì, dẫu vậy chúng không hề vô chủ dù chẳng được cắm biển hay đề tên.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính vừa dẫn tôi đi thực tế khắp nghĩa trang vừa phân trần, tình trạng đó là tồn tại lịch sử từ xã cũ Yên Mật sáp nhập, chuyển về năm 2020. Nơi đó, mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều có phần, có suất hết nên cũng không thấy xảy ra việc chồng lấn, tranh giành hay ý kiến gì cả. Không có chuyện người dân nơi khác về đây mua đất nghĩa trang để dành, mà chỉ là những người con xa quê, lúc già muốn quay đầu về núi.

Nghĩa trang làng Yên Thổ xã Kim Chính có rất nhiều khu xây vây, giữ chỗ diện tích lớn. Clip: Dương Đình Tường.

Hàng năm xã đều cho thống kê diện tích nghĩa trang để báo cáo, bổ sung vào hồ sơ chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số 876ha đất tự nhiên của Kim Chính có 53,45ha đất ở cho người đang sống, còn đất nghĩa trang cho người chết là 28,70ha (trung bình gấp 4 - 5 lần diện tích đất nghĩa trang của một xã thuộc tỉnh Thái Bình - PV).

Dẫu vậy, “20 năm nữa đất chôn của xã vẫn còn thoải mái để đáp ứng nhu cầu cho người dân vì có những gia đình chỉ có 1 - 2 ngôi trong khu nghĩa trang riêng. Việc quản lý ngoài nghĩa trang vẫn đang bình thường, không có gì phức tạp cả bởi quỹ đất của chúng tôi còn rộng. Hiện địa phương đang định hướng năm 2023 phải xây dựng nông thôn mới nâng cao, các tiêu chí cơ bản là ổn", ông Nghĩa khẳng định.

DSC_0929

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính đi vào một khu mộ có cả ao và cây cảnh ở nghĩa trang làng Yên Thổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khi còn sống thì xây biệt thự, biệt phủ, lâu đài, khi chết thì được đặt trong những lăng mộ lớn cũng là một thứ phân hóa giàu nghèo và rất lãng phí đất”, lời một người dân.

Nơi dân tứ xứ tụ về

Chiếc flycam của tôi di chuyển sang xã Lưu Phương cùng huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Có thể nói sự phân hóa về quy hoạch, lẫn ý thức thể hiện rất rõ ở đây khi một nửa nghĩa trang phần mộ của giáo dân gọn gàng bao nhiêu thì nửa còn lại, phần mộ của lương dân lộn xộn bấy nhiêu. Cái to, cái nhỏ, cái vuông, cái tròn, cái cao, cái thấp, xoay hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đủ cả nên khi quan sát từ trên cao có cảm giác rất chóng mặt.

Ở đây cũng có không hiếm trường hợp bao chiếm đất công làm của riêng nhưng đất có vẻ chật chội hơn hẳn so với xã Kim Chính. Cuối nghĩa trang là một bãi rác lớn ruồi bay vù vù đông như vãi trấu. Từ đó những đụn khói đen xì, to như đống rạ bốc thẳng lên trời các hóa chất độc hại của quá trình đốt nylon, nhựa ở nhiệt độ thấp. Nghĩa trang và rác thải đang là vấn đề nhức nhối trong xây dựng nông thôn mới ở hầu hết các làng quê hiện nay.

Nghĩa trang xã Lưu Phương nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.

Tôi gặp ở UBND xã Lưu Phương cả Chủ tịch Phan Văn Lục và Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Việt. Họ giải thích, cái tên Lưu Phương có nghĩa là dân tứ xứ tụ về sau khi hầu hết dân bản địa ở đây di cư vào Nam năm 1954. Theo thống kê, hiện xã có 9.500 dân, diện tích đất ở cho người sống là 69,4ha, diện tích đất ở cho người chết ngoài 3 nghĩa địa là 12,2ha.

Trong nghĩa trang, phần công giáo chia theo giáo họ, từ đó chia cho từng họ nên khá trật tự, nề nếp. 100% các mộ cùng quay về hướng cây thánh giá, kích cỡ mộ nhỏ, phân bố theo ô bàn cờ, đều có lối đi lại thuận tiện, không có hiện tượng xây quây nên không bị lãng phí diện tích. Ngược lại, phần mộ bên lương xoay bốn phương, tám hướng tùy theo ông thầy cúng hay thầy chùa phán vị trí nào là “xấu”, vị trí nào là “đẹp”.

DJI_0136

Ảnh chụp từ trên cao của nghĩa trang xã Lưu Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước, ai chết cũng chôn kiểu riêng lẻ, không theo gia đình, dòng họ nhưng khoảng 15 - 20 năm gần đây xảy ra hiện tượng xây quây thành các khu nghĩa trang gia đình. Giờ Lưu Phương là xã nông thôn mới nâng cao, đang có Trung tâm Hành chính mới của huyện đóng trên địa bàn. Cạnh đó, thị trấn Phát Diệm chỗ sống thì có, chỗ chết thì không nên đang phải chôn nhờ cả nghĩa trang cả bên này khiến cho tình hình lại càng thêm phức tạp:

“Nhiều khu mộ xây quây to là của thị trấn Phát Diệm bởi dân họ có điều kiện kinh tế hơn. Chúng tôi đã đi nhiều nơi để học tập về mô hình quản lý nghĩa trang, nhận thấy quy định của nhà nước về mỗi ngôi mộ hung táng chỉ dưới 5m2 có thể thực hiện được, còn cát táng dưới 3m2 mỗi ngôi là khó bởi dân cứ xây quây to theo thói quen.

Đất hung táng chúng tôi tính còn cỡ 10 năm nữa mới hết, nhưng đất cát táng đều đã có chủ, kể cả có tiền cũng khó mà mua được. Hiện mua đất đấu giá ngoài khu hành chính huyện có khi còn dễ hơn mua đất trong nghĩa trang của xã. Bởi thế cần quy hoạch thêm diện tích cát táng cho Lưu Phương nhưng quản lý chi tiết, phân lô cho “các cụ” theo quy hoạch chung, không được chia theo khu gia đình, khu dòng họ, đồng thời làm đường bê tông vòng quanh để “đóng khung” nghĩa trang lại. Chúng tôi đã quy hoạch 1 nghĩa trang mới rộng 10 ha nhưng chưa được trên phê duyệt”. Hai lãnh đạo xã kiến nghị.

DSC_0930

Những khu mộ ở nghĩa trang làng Yên Thổ xã Kim Chính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mảnh đất Kim Sơn được hình thành gần 200 năm trước nhờ công cuộc khẩn hoang của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khởi dựng. Hiện huyện có 23 xã, thị trấn, hầu hết đều chạy dài hơn 10 km, rộng cỡ 700 - 800 m, với đường trục là quốc lộ 10 chia ra làm hai phần Nam, Bắc. Xưa mỗi làng một nghĩa trang, chúng thường bố trí ở mạn phía Bắc, nơi có phần đất cổ, cao hơn. Ở phía Nam nếu có, nghĩa trang cũng bé, nằm rải rác.

Việc xây quây nghĩa trang gia đình hay xây mộ to thường là tồn tại của những năm trước. Do liên quan đến vấn đề tâm linh, chính quyền cũng không phá đi hay thu hẹp lại được. Giờ mọi thứ dần đi vào nề nếp hơn bởi các xã quản lý từ lúc những gia đình bắt đầu khởi công xây mộ. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, diện tích đất cho người sống gồm đất ở nông thôn và đất ở đô thị của Kim Sơn lần lượt là 983,9ha, 62,5ha, còn đất cho người chết, tức nghĩa trang là 318ha. Trong quy hoạch đến năm 2030 đất nghĩa trang sẽ cần thêm 28,5ha nữa.

Huyện có 4 xã vùng biển gồm Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải và Cồn Thoi, nơi những hạt phù sa vẫn ngày ngày miệt mài bồi thêm nơi đầu sóng, ngọn gió. Tôi muốn ra tận biển để xem tình hình đất của người sống, đất của người chết cụ thể thế nào.

Huyện Kim Sơn có tất cả 23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 33 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu nhưng chưa ở đâu xây dựng được nghĩa trang kiểu mẫu.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ix-noi-van-nguoi-song-o-534ha-van-nguoi-chet-o-287ha-d347165.html