| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 15/05/2025 - 07:27

Thị trường

Indonesia siết kiểm dịch động vật, doanh nghiệp phải khai báo trước khi xuất khẩu

Thứ Năm 15/05/2025 - 06:56

Từ 4/6, Indonesia yêu cầu mọi lô hàng động vật, sản phẩm chăn nuôi và vật thể trung gian phải khai báo trước khi vận chuyển, kèm theo hồ sơ kiểm dịch đầy đủ.

Phải khai báo trước khi vận chuyển

Để đối phó nguy cơ dịch bệnh xuyên biên giới và tăng cường kiểm soát sinh học, Cơ quan Kiểm dịch Quốc gia Indonesia (IAQA), thuộc Bộ Nông nghiệp nước này, lần đầu áp dụng quy trình kiểm dịch và giám sát tích hợp đối với các lô hàng động vật, sản phẩm động vật và vật thể mang mầm bệnh nguy hiểm.

Chính sách được quy định tại Văn bản số 14/2024, có hiệu lực từ ngày 4/6 tới, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia.

Indonesia là thị trường có nhu cầu lớn về nhóm các sản phẩm Halal. Ảnh: minh họa.

Indonesia là thị trường có nhu cầu lớn về nhóm các sản phẩm Halal. Ảnh: minh họa.

Đây là bước cụ thể hóa Luật Kiểm dịch Động vật, Thủy sản và Thực vật năm 2019 và Nghị định số 29/2023 của Chính phủ Indonesia, đặt nền tảng cho mô hình “kiểm soát từ gốc” đối với các bệnh có nguy cơ lây lan, gây thiệt hại kinh tế và xã hội.

Quy định mở rộng phạm vi giám sát không chỉ với động vật sống mà còn áp dụng cho thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, sinh vật biến đổi gen, tài nguyên di truyền và loài ngoại lai xâm hại.

Theo quy trình mới, tất cả hoạt động xuất, nhập khẩu hoặc vận chuyển nội địa các đối tượng nêu trên đều phải khai báo trước từ 1-2 ngày, tùy theo mức độ rủi ro. Chủ hàng bắt buộc đăng ký kế hoạch vận chuyển, nộp danh mục hàng hóa, thông tin tuyến đường, cảng đi - đến và chứng nhận đã xử lý vệ sinh qua hệ thống kiểm dịch trực tuyến. Trường hợp vùng không có Internet, doanh nghiệp vẫn phải khai báo bằng hồ sơ giấy đúng thời gian quy định.

Một điểm đáng chú ý là cơ chế phân loại vật thể trung gian thành 5 mức độ rủi ro: rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp. Các mức rủi ro này là căn cứ để quyết định biện pháp xử lý, từ kiểm tra hành chính, xét nghiệm, cách ly đến tiêu hủy hoặc trả lại nơi xuất phát.

Các loài động vật hoang dã, sinh vật biến đổi gen, hoặc hàng hóa có nguy cơ cao sẽ phải cách ly bắt buộc nếu có dấu hiệu lâm sàng hoặc xét nghiệm dương tính. Thời gian cách ly có thể kéo dài tùy theo chu kỳ ủ bệnh.

Với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, nếu phát hiện bao bì rách, rò rỉ hoặc nghi nhiễm khuẩn, cơ quan kiểm dịch sẽ yêu cầu kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Hàng hóa không đạt yêu cầu sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại, đồng thời không được cấp giấy chứng nhận lưu hành tại Indonesia.

Ngoài kiểm dịch tại cửa khẩu, IAQA có thể phối hợp với các cơ quan liên ngành như môi trường, tài nguyên sinh học, và kiểm soát giống vật nuôi để xác minh nguồn gốc và tính hợp pháp của hàng hóa. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan sẽ lập biên bản, thông báo bằng văn bản và cập nhật dữ liệu lên hệ thống kiểm dịch quốc gia.

Ngoài các sản phẩm động vật, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia. Ảnh: VGP.

Ngoài các sản phẩm động vật, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia. Ảnh: VGP.

Kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia đứng trước áp lực mới

Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia đạt 16,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,19 tỷ USD, tăng 22,2%, với các nhóm hàng chủ lực gồm gạo (679 triệu USD), cà phê (203 triệu USD), dệt may (887 triệu USD), thủy sản (17,2 triệu USD) và rau quả (10,9 triệu USD).

Siết chặt kiểm dịch có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những mặt hàng nhạy cảm như thủy sản, rau quả và sản phẩm chăn nuôi, vốn đang trên đà tăng trưởng, theo số liệu từ Bộ Công Thương.

Để hạn chế rủi ro bị ách tắc tại cảng hoặc từ chối thông quan, doanh nghiệp Việt cần chủ động cập nhật quy định mới, chuẩn bị đầy đủ chứng từ kiểm dịch, đặc biệt là hồ sơ khai báo trước khi xuất khẩu. Việc phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu để thống nhất hồ sơ, lộ trình và thông tin vận chuyển cũng là yếu tố then chốt.

Bên cạnh đó, đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, kiểm soát vệ sinh bao bì và truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch khắt khe hơn.

Trong quá trình xử lý vướng mắc, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Văn phòng SPS Việt Nam, hoặc các cơ quan chuyên môn liên quan tới kiểm dịch của Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn kịp thời.

TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhìn nhận, Indonesia áp dụng quy trình kiểm dịch tích hợp là bước tiến quan trọng trong quá trình chuẩn hóa hệ thống giám sát dịch bệnh theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu động vật, thực phẩm và sản phẩm chăn nuôi, thách thức là không nhỏ nếu không kịp nắm bắt thông tin.

"Thích ứng đầy đủ, hiệu quả với quy định mới không chỉ giúp doanh nghiệp Việt duy trì thị phần tại Indonesia mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2028, như định hướng giữa lãnh đạo hai nước", ông Nam nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi sang Indonesia, tập trung ở nhóm sản phẩm: Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu; Chế phẩm sinh học, vaccine thú y; Thịt gia súc, gia cầm chế biến.

Ngoài Quy định số 14/2024 chuẩn bị được áp dụng, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Indonesia còn phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal đặc thù, bởi quốc gia này có hệ thống chứng nhận Halal riêng biệt và bắt buộc.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/indonesia-siet-kiem-dich-dong-vat-doanh-nghiep-phai-khai-bao-truoc-khi-xuat-khau-d753213.html