Thứ sáu 18/04/2025 - 09:39
Thời sự
Hưng Yên lấy ý kiến về tên gọi mới sau khi sáp nhập với Thái Bình
Thứ Sáu 18/04/2025 - 08:50
Hưng Yên tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về phương án sắp xếp đơn vị hành chính và tên gọi mới sau khi sáp nhập với tỉnh Thái Bình.
- Hưng Yên muốn phục dựng Phố Hiến cổ với kinh phí hơn 47 ngàn tỷ đồng
- Hưng Yên lập phương án xử lý loạt trụ sở công không sử dụng
- Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh thái Bình
- Thái Bình hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng
UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Kế hoạch số 83 nhằm tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về phương án sắp xếp đơn vị hành chính và tên gọi của tỉnh mới sau khi sáp nhập với Thái Bình.
Kế hoạch của tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, việc lấy ý kiến cử tri phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, chính quyền các cấp có trách nhiệm tuyên truyền đầy đủ, kịp thời tới nhân dân về sự cần thiết và ý nghĩa của việc sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Cổng tam quan Văn miếu Xích Đằng - một trong những công trình biểu tượng văn hóa của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Báo Hưng Yên.
Theo kế hoạch của tỉnh Hưng Yên, cử tri sẽ được lấy ý kiến về 3 nội dung chính trong đề án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, bao gồm: Phương án sáp nhập hai tỉnh; Tên gọi của tỉnh mới sau khi sáp nhập; Vị trí trụ sở hành chính của tỉnh mới.
Ngoài ra, với các nội dung liên quan đến đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Hưng Yên, người dân cũng sẽ góp ý về: Phương án sắp xếp các xã, phường; Tên gọi của đơn vị hành chính mới; Trụ sở của đơn vị hành chính mới hình thành.
Trong kế hoạch của tỉnh Hưng Yên cũng nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến các nội dung trên là cử tri đại diện hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Cử tri là người từ đủ 18 tuổi trở lên (tính đến ngày 22/4) và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện bằng hình thức phát phiếu đến từng hộ dân tại các thôn, tổ dân phố, theo nội dung kế hoạch.
Thời gian lấy ý kiến cử tri được tiến hành theo kế hoạch: trước ngày 18/4, UBND cấp xã lập và niêm yết danh sách cử tri đại diện hộ gia đình; ngày 22/4, tiến hành lấy ý kiến cử tri toàn tỉnh; ngày 23/4, UBND cấp xã trình HĐND xã họp và ban hành nghị quyết thông qua phương án sắp xếp; ngày 24/4, UBND cấp huyện trình HĐND huyện ban hành nghị quyết thống nhất phương án.

Chùa Keo - công trình biểu tượng của quê lúa Thái Bình. Ảnh: Thái Bình.
Tài liệu phục vụ lấy ý kiến gồm: Tóm tắt đề án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình; Tóm tắt đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, việc lấy ý kiến là bước quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Trong khi đó, tại Thái Bình, chiều 17/4, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Thận chủ trì hội nghị Thường trực HĐND tỉnh - UBND tỉnh thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm giải quyết các công việc phát sinh đột xuất.
Theo kế hoạch, kỳ họp dự kiến diễn ra vào ngày 26/4/2025 để xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng như: phê duyệt danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh năm 2025; Bãi bỏ và sửa đổi các nghị quyết liên quan đến hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024; Điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành (Tiền Hải); thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; Ban hành quy định mới về quản lý tài sản công, mua sắm trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp công trình đã đầu tư; Phân bổ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hung-yen-lay-y-kien-ve-ten-goi-moi-sau-khi-sap-nhap-voi-thai-binh-d748928.html