| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 21/04/2025 - 09:41

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Hơn 383.000 ha đất sản xuất vượt qua hạn mặn

Thứ Hai 21/04/2025 - 09:33

Những công trình thủy lợi tại ĐBSCL chính là ‘lá chắn thép’ bảo vệ an toàn cho hơn 383 nghìn ha sản xuất nông nghiệp, gồm lúa, rau màu, cây ăn trái và thủy sản.

Vượt qua đỉnh điểm mùa khô

Những ngày tháng 4, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đón những cơn mưa lớn kéo dài trên diện rộng, giúp giải nhiệt nắng hạn và pha loãng độ mặn trong kênh, rạch. Điều này báo hiệu thời tiết bắt đầu chuyển mùa và ĐBSCL đã vượt qua đỉnh điểm của mùa khô hạn năm 2025.

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được vận hành nhiều đợt trong mùa không 2024-2025, với hàng chục ngày đóng cống để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được vận hành nhiều đợt trong mùa không 2024-2025, với hàng chục ngày đóng cống để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, ĐBSCL đã trải qua những tháng khô hạn gay gắt, nước mặn xâm nhập qua các cửa sông lấn sâu vào nội đồng. Có thời điểm, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu nhất tới 53km (xảy ra vào ngày 25/2), sâu hơn 4km so với trung bình nhiều.

Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cho biết, từ tháng 1/2024 đến nay, đơn vị đã vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô 5 đợt (tương ứng với 5 kỳ triều cường), với tổng thời gian 21 ngày vận hành đóng các cửa cống điều tiết nguồn nước. Cống âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu) từ đầu mùa khô đến nay đã được vận hành 40 ngày. Bắt đầu từ ngày 2/2/2025 (mùng 5 Tết Nguyên đán), khi diễn biến mặn trên trục Quản Lộ - Phụng Hiệp có xu hướng tăng, cống âu thuyền Ninh Quới đã được vận hành kiểm soát mặn cho đến nay.

Tỉnh Kiên Giang phối hợp vận hành các cống do địa phương quản lý, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang phối hợp vận hành các cống do địa phương quản lý, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, ngoài hưởng lợi từ công trình thủy lợi liên tỉnh do Bộ đầu tư, đơn vị còn phối hợp vận hành các cống thuộc cụm Châu Thành trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, nhất là cống âu thuyền Vàm Bà Lịch. Qua đó, đã góp phần phòng, chống xâm nhập mặn hiệu quả. 

Sản xuất nông nghiệp an toàn trước hạn, mặn

Theo báo cáo của các địa phương nằm trong vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, gồm Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2024-2025 là 383.620 ha, gồm lúa, rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản

Hàng trăm nghìn ha sản xuất lúa trong vùng hưởng lợi từ các công trình thủy lợi vượt qua đỉnh điểm mùa khô hạn. Ảnh: Trung Chánh.

Hàng trăm nghìn ha sản xuất lúa trong vùng hưởng lợi từ các công trình thủy lợi vượt qua đỉnh điểm mùa khô hạn. Ảnh: Trung Chánh.

Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 7 huyện nằm trong vùng hưởng lợi dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, với diện tích sản xuất lúa 179.500 ha (gồm lúa vụ mùa và đông xuân), đến nay đã thu hoạch dứt điểm. Diện tích nuôi trồng thủy sản 118.080 ha, chủ yếu nông dân thả giống nuôi tôm nước lợ theo mô hình luân canh tôm - lúa.  

Tại tỉnh Hậu Giang, các địa phương trong vùng dự án đã gieo trồng lúa đông xuân 2024-2025 diện tích 48.700 ha, diện tích gieo trồng rau màu 5.100 ha, cây ăn trái các loại là 10.300 ha và nuôi thủy sản khoảng 940 ha.

Từ đầu mùa khô 2024 - 2025 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa ghi nhận thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, diện tích lúa là hơn 58.200 ha, đến nay đã thu hoạch dứt điểm. Diện tích xuống giống rau màu các loại gần 1.630 ha, nuôi tôm đã thả giống lũy kế khoảng 69.000 ha. Tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa đã xuống giống 18.500 ha, hiện đang thu hoạch. Diện tích trồng màu và cây ăn trái hơn 2.500 ha và nuôi thủy sản 3.300 ha.

Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đánh giá cao kết quả vận hành các công trình thủy lợi, ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn. Việc phối hợp vận hành các hệ thống công trình, nhất là các công trình có tính chất liên hệ thống, đã được đơn vị quản lý vận hành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước hiệu quả, hỗ trợ cấp nước cho các tiểu vùng sản xuất.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hon-383000-ha-dat-san-xuat-vuot-qua-han-man-d746274.html