Thứ năm 08/05/2025 - 16:43
Khoa học - Công nghệ
Hội thảo công nghệ sinh học 2025: Tăng cường hợp tác, thúc đẩy đổi mới
Thứ Năm 08/05/2025 - 16:36
Ngày 8/5, Trường Đại học Mở TP.HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế công nghệ sinh học lần thứ 3 với chủ đề 'Nghiên cứu và ứng dụng trong công nghệ sinh học'.
- Thành tựu công nghệ sinh học xây dựng nền nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL
- Công nghệ sinh học giúp chẩn đoán, phòng ngừa sớm dịch bệnh động vật
- Khuyến khích đổi mới công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất thuốc BVTV sinh học
Hội thảo thu hút gần 200 diễn giả, chuyên gia và giảng viên đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030 theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mục tiêu là xây dựng nền công nghệ sinh học vững mạnh với đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đưa công nghệ sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật chủ lực, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.

PGS.TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà Duyên
PGS.TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM cho biết, phát triển công nghệ sinh học không chỉ là chiến lược khoa học mà còn là mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua, những ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển nền kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng, văn hóa và xã hội toàn cầu.
“Với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và nhiều trường đại học, doanh nghiệp trong nước, hội thảo không chỉ là dịp để chia sẻ tri thức mà còn mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học”, PGS.TS Nguyễn Minh Hà kỳ vọng.

Nghiên cứu "Đa dạng di truyền của ruồi đục quả Bactrocera dorsalis trong vườn xoài tại Đồng Nai và Tiền Giang sử dụng chỉ thị phân tử SRAP" thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Ảnh: Hà Duyên
Các báo cáo tham luận trực tiếp tại hội thảo đã làm nổi bật vai trò trung tâm của công nghệ sinh học trong việc giải quyết những thách thức thực tế trên nhiều lĩnh vực, từ y tế và thực phẩm đến nông nghiệp và mỹ phẩm. Điểm chung nổi bật là khai thác tiềm năng to lớn của nguồn tài nguyên sinh học phong phú – bao gồm thực vật, vi sinh vật và sinh vật biển, kết hợp cùng các công cụ công nghệ sinh học tiên tiến như enzyme, phân tích gen và học máy.
Đặc biệt, các nghiên cứu đều cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ giữa nhiều ngành khoa học, bao gồm sinh học, hóa học, y học, nông nghiệp, khoa học máy tính và công nghệ thực phẩm. Nền tảng vững chắc của các ứng dụng này nằm ở những nghiên cứu cơ bản sâu rộng về cơ chế sinh học, phân tích gen, cấu trúc phân tử và các tương tác sinh học phức tạp.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoi-thao-cong-nghe-sinh-hoc-2025-tang-cuong-hop-tac-thuc-day-doi-moi-d752110.html