| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 19/05/2025 - 04:29

Văn hóa

Hồi nhớ hai lần Bác về thăm quê

Thứ Hai 19/05/2025 - 04:27

Vùng đất thiêng Kim Liên đã sinh ra cho dân tộc Việt Nam một người con vĩ đại: Hồ Chí Minh. Nhưng quê hương Kim Liên cũng chỉ hai lần được đón Bác về thăm.

Hai lần Người về thăm quê

Sau bao năm rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, vì điều kiện công tác và kháng chiến dài dặc gian khổ, Bác Hồ chỉ được về thăm quê hương làng Sen và làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) 2 lần. Vào ngày 16/6/1957 và 9/12/1961.

Trong lần đầu về thăm làng Sen quê nội (16/6/1957), vừa về đến Nghệ An, Bác nói: "Xa nhà, xa quê đã lâu, Bác phải về thăm nhà trước". Trong bộ quần áo ka ki bạc màu và đôi dép cao su, Người đi theo lối nhỏ về ngôi nhà ngày xưa của gia đình ở xã Kim Liên.

Đến đầu cổng tre, trước tấm bảng nhỏ "Nhà Bác Hồ", Bác nhìn mọi người cười bảo: "Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu". Mọi người đáp: "Dạ, thưa Bác, đúng ạ. Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên (làng Sen) xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác khi đậu Phó bảng năm 1901".

Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác đứng lặng yên một lát ngoài sân rồi mới bước vào trong. Người bùi ngùi ngước nhìn lên bàn thờ mới được làm lại. Bác nói: "Hồi xưa, nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc...".

Dạo ngắm sân, vườn, Bác kể, ngày trước chỗ này có cây ổi đào, chỗ kia có cây bưởi và hàng cau rất đẹp. Có cán bộ ngỏ ý sẽ trồng hoa thay cho luống khoai trong vườn, Bác cười bảo: trồng khoai vừa cho củ lại vẫn có hoa để ngắm…

Hôm ấy, trong đám đông, một cụ già hàng xóm bước ra nghẹn ngào hỏi: "Bác còn nhớ tôi không". Bác xúc động thốt lên: "Hoàng Điền phải không". Hai người bạn thuở ấu thơ chăn trâu thả diều ôm lấy nhau, khóc vì xúc động.

Rồi Bác thăm giếng Cốc, hỏi thăm lò rèn cố Điền. Tiếp đến, Người hỏi thăm nhà cố Phương, một người dân nghèo nhất xã Kim Liên trước đây, giờ có đủ ăn hay không. Nghe Bác hỏi chuyện, mọi người ai cũng cảm động trước tình cảm của Người đối với quê hương.

Lần thứ hai Người về thăm quê là cuối năm 1961. Lần này, sau khi kết thúc buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh về những thành tích đạt được thời gian qua của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, sáng ngày 9/12/1961, Bác vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Thái Lão (xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên), rồi Người về thăm quê ngoại Hoàng Trù.

Mảnh đất Hoàng Trù - nơi Người cất tiếng khóc chào đời, sống 5 năm đầu tiên thời thơ ấu, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm với ông bà ngoại, dì An và bà con lối xóm... Bác vào thắp hương trong Nhà thờ họ Hoàng, đi quanh vườn, ngắm những đổi thay, hay những dấu ấn còn lưu lại. Người ngồi ở bậu cửa nhà ngang, trò chuyện với bà con và những người bạn tuổi thơ, ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu.

Bác ngồi ở bậu cửa nhà ngang trò chuyện với mọi người trong dịp về thăm quê. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác ngồi ở bậu cửa nhà ngang trò chuyện với mọi người trong dịp về thăm quê. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cũng dưới gốc đa như 4 năm về trước, Bác trò chuyện thân mật với nhân dân. Bác mong mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Người cũng không quên căn dặn bà con những công việc cụ thể và thiết thực.

Đặc biệt, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi. Bác nói: Phải chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho các cháu. Còn các cháu nhỏ thì phải chịu khó học hành để lần sau Bác về, thấy mọi người tiến bộ.

Cuối buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Cả ngàn người hòa nhịp kết đoàn cùng Bác dưới bóng cây đa quê hương.

Kim Liên đổi mới

Đã gần 64 năm trôi qua, kể từ mùa đông năm 1961, lần thứ hai cũng là lần cuối cùng quê hương đón Bác về thăm, nhưng những hình ảnh, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn luôn in đậm trong trái tim người dân quê hương. Đến nay, những lời căn dặn của Người đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên thực hiện rất tốt.

Trở lại quê Bác đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, chúng tôi nhận thấy rõ sự đổi thay lớn so với khoảng 10 năm trước. Hôm nay đường vào quê Bác như rộng hơn, sạch hơn, rợp bóng mát cây xanh và rực rỡ sắc hoa. Thêm nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, sáng màu ngói mới.

Con đường rải bê tông tại thôn Hoàng Trù (xã Kim Liên), hai bên là cánh đồng lúa và sen. Ảnh: Đình Tiệp.

Con đường rải bê tông tại thôn Hoàng Trù (xã Kim Liên), hai bên là cánh đồng lúa và sen. Ảnh: Đình Tiệp.

Trong buổi chiều yên bình, nhiều cụ già đang ngồi chuyện trò, ngắm đóa sen tỏa hương thơm ngát, khoe sắc dưới hồ sen thôn Hoàng Trù. 

Xã Kim Liên có hơn chục hồ sen lớn nhỏ, được chăm sóc chu đáo nên đều tươi tốt, hương sắc thắm tươi. Trong khuôn viên UBND xã, xung quanh nhà, quê nội, quê ngoại Bác Hồ, hay hồ bán nguyệt trước đền Chung Sơn thờ gia tiên Bác, cũng trồng rất nhiều sen. Mùi sen dịu nhẹ, thanh khiết làm lòng người bình yên đến lạ.

Bà Nguyễn Thị Thơ (71 tuổi) là người có trách nhiệm trông coi nhà văn hóa thôn Hoàng Trù và một ao sen trồng bằng giống sen Đồng Tháp Mười rộng đến 7 sào đang độ xanh tốt, hoa sen bắt đầu nở  những búp to, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Sen Tháp Mười trên quê hương Bác. Ảnh: Đình Tiệp.

Sen Tháp Mười trên quê hương Bác. Ảnh: Đình Tiệp.

Bà Thơ kể, lần Bác về thăm quê, bà còn nhỏ nên không nhớ rõ hết. Chỉ biết là được đón Bác về, ai cũng háo hức, xúc động vô cùng, bà cũng cố chen chân để được nhìn thấy Bác.

Bà nói: "Ngày đó cuộc sống vùng quê ở đây đang nghèo khó lắm, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm. Nghĩ lại mới đó thôi mà cũng đã hơn 60 năm trôi qua rồi. Giờ thì cuộc sống của người dân chúng tôi không chỉ ăn no, mặc ấm mà đa phần đã ăn ngon, mặc đẹp. Thấy quê hương thay đổi lớn như vậy, tôi rất vui mừng”.

Ngoài đời sống vật chất, trình độ dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần cũng được nâng lên rõ rệt. Xã có nhiều người học hành giỏi giang, công tác thành đạt. Giao tiếp, ứng xử của người dân nơi đây cũng rất văn minh, lịch sự, thể hiện rõ ý thức nhũng người con trên quê hương Bác luôn gương mẫu, học tập Người.

Chứng kiến những thay đổi của quê hương Kim Liên, cụ Vương Hoàng Đồng, năm nay đã 79 tuổi ở thôn Hoàng Trù, vui mừng chia sẻ: “Kim Liên hôm nay đã thay đổi một trời một vực so với trước đây. Đặc biệt là sau quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cảnh quan xanh sạch đẹp, kinh tế của các gia đình ngày càng khá giả”.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên tự hào cho biết, năm 2014, Kim Liên là xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, xã được tỉnh chọn để xây dựng là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Vinh dự, tự hào nhưng cũng rất áp lực. Thế nhưng, nhờ quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đoàn kết chung sức, đồng lòng nên đến năm 2021, xã nhà đã “về đích”.

Năm 2024 vừa qua, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 670 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2022 toàn xã đã không còn hộ nghèo. Kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỉ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

“Với lợi thế có Khu di tích Kim Liên được xếp hạng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, xã Kim Liên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất theo hướng phục vụ du lịch, nâng cao các tiêu chí văn hóa và cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”, bà Nguyễn Thị Hằng, chia sẻ thêm.

Hiện xã đã có hàng chục nhà hàng phục vụ ăn uống đáp ứng nhu cầu du khách viếng thăm. Hệ thống các ki ốt kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng được đầu tư, hàng hóa phong phú và từng bước đảm bảo chất lượng. Sản phẩm đặc trưng của quê hương, đặc biệt là các sản phẩm từ sen… ngày càng có giá trị thương hiệu.

Những năm gần đây, mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sen quê Bác sử dụng công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất có hiệu quả với hàng chục sản phẩm OCOP đang là những điểm nhấn điển hình.

Về Kim Liên hôm nay, đi trên những con đường trải nhựa, đổ bê tông thẳng tắp, rộng rãi, dưới hàng cây xanh mát và trong thơm ngát hương sen, ai cũng cảm nhận được bước chuyển mình mạnh mẽ trên quê hương Bác. Với người dân Kim Liên, những quyết tâm đổi thay, dựng xây quê hương phát triển mạnh mẽ còn mang một ý nghĩa sâu sắc, đó là vươn lên để xứng đáng là xã Kim Liên  - quê hương của Bác Hồ. Sức vươn mạnh mẽ ấy còn là thông điệp thiết tha: Kim Liên một lòng ơn Bác!

Quê hương Kim Liên ngày nay. Ảnh: Thiên Vỹ.

Quê hương Kim Liên ngày nay. Ảnh: Thiên Vỹ.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoi-nho-hai-lan-bac-ve-tham-que-d753787.html