| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 14:32

Khoa học - Công nghệ

Hồi ký con gái một điệp viên CIA: Rút chạy

Thứ Tư 17/06/2015 - 06:15

Rồi một ngày, mẹ tôi đưa tôi tới một bệnh viện. Ở đó toàn tiếng khóc và những người đau ốm./ Sống trong mắt bão

Không có đủ giường bệnh, người ta phải nằm trên chăn, chiếu rải xuống nền đất. Nhiều bệnh nhân là trẻ em, tay và ngực đầy vết bỏng do bom napalm gây ra.

Bất thình lình, tôi nhận thấy chiến tranh không chỉ là hình ảnh vài anh lính đứng gác sau ụ súng ở dinh tổng thống.

…Hôm ấy, tôi nửa nằm nửa ngồi trong trang phục bikini bên cạnh hồ bơi, nghe lén bố tôi nói chuyện. Giọng ông hôm nay khang khác. Không phải những câu bông đùa chính trị vui vẻ, cao hứng như thường thấy. Nội dung câu chuyện hôm nay đầy tính chỉ trích và u ám.

Tôi cố nghe và biết họ không biết là đang bị nghe lén. Bạn thân của bố tôi, Alex, nói: “Snepp đã đoán trước được tình hình”. Bố tôi nói: “Hoan hô ông ta”.

Frank Snepp là nhà phân tích hàng đầu về Bắc Việt trong hàng ngũ CIA, một người đàn ông đẹp trai, lanh lợi và trẻ trung hơn cha tôi, một “hot boy” của CIA chi nhánh Sài Gòn.

Trong câu chuyện của bố tôi và ông bạn, họ nghĩ rằng Snepp đã nói sự thật về cuộc chiến với ngài đại sứ.

Ông ta cho rằng quân Bắc Việt đang có những bước tiến vững chắc về Sài Gòn. Trong khi đó, ông đại sứ vẫn có những hy vọng hão huyền và ngớ ngẩn về khả năng chiến thắng (của Mỹ và Việt Nam cộng hòa).

“Mọi nguồn tin đều khẳng định những gì Snepp nhận định”, bố tôi nói. Ông và Alex đều nghĩ rằng những gì chính phủ Mỹ và Bộ Ngoại giao nói là rất nhảm nhí, tầm bậy.

Ông đại sứ tin rằng nếu anh tuyên bố cái gì, đó là sự thật. Tôi chợt nghĩ về nhận xét của Graham Greene rằng, “ngây thơ là một dạng điên rồ”. “Đúng vậy”, Alex nói. “Tôi nghe từ người của chúng ta nói rằng Việt Cộng sẽ tới đây nay mai thôi”. Bụng tôi chợt quặn lên.

Hai người đàn ông cười cay đắng. Bố tôi, cũng khởi sự như điệp viên Alden Pyle trong "Người Mỹ trầm lặng", nay đã biến thành anh chàng phóng viên chua chát Thomas Fowler.

Một tối ở đám tiệc tùng, bố tôi giới thiệu tôi với một người ông gọi là “bạn mới”. Khi nào bố tôi giới thiệu tôi với ai, tôi cũng có cảm giác mình là một công chúa được cưng chiều.

Bố tôi đặt nhẹ tay lên lưng tôi, và đưa tay kia vươn về phía người bạn và nói: “Đây là Sarah, con gái tôi”, cứ như thể đó là những lời quan trọng nhất hành tinh. Cha và con gái luôn khác mẹ và con gái.

Người đàn ông nọ ăn bận rất trang trọng. Ông có khuôn mặt vuông vức của người Đông Âu, cặp mắt sắc hệt như ngài Thomas Polgar, trưởng đại diện CIA ở Sài Gòn.

15-44-12_thoms-polgr
Thomas Polgar, cựu trưởng đại diện CIA tại Việt Nam

Ông ta và bố tôi tỏ ra tương đắc, thân mật và ai cũng có một chút nham hiểm. Tôi đoán ông ta làm việc cho bố tôi, cung cấp những thông tin bí mật chẳng hạn.

Những ngày cuối tại Việt Nam

Một ngày, mẹ tôi phải chuyển hàng cho một cô nhi viện tận Nha Trang bằng máy bay. Mà vùng gần đó đang nằm trong tầm kiểm soát của Việt Cộng.

Thành phố Nha Trang vẫn an toàn, theo lời người ta nói với tôi, cho dù có vẻ quân đội Bắc Việt ngày một siết chặt vòng vây.

Nhưng mục đích của mẹ con tôi là được bơi ở biển Nha Trang, nơi mẹ nói là “tuyệt đẹp”, và ăn tôm hùm ở nhà hàng Jacques, với lời mô tả của mẹ là “ngon quên đường về”.

Mẹ tôi thuê một ngư dân chèo thuyền trên vịnh Nha Trang. Lúc quay lại bờ, đưa tôi đi dạo dọc những ngôi nhà thấp và trại lính đặt dọc bờ biển.

Mẹ tôi chỉ cho tôi thấy những hàng rào thép gai bao quanh thành phố. Hóa ra chúng tôi đang ở một tiền đồn thực sự. “Việt Cộng chỉ quanh đây thôi, trong rừng chẳng hạn”, mẹ tôi nói.

Tại nhà hàng của Jacques, ông chủ, kiêm phục vụ bàn, kiêm đầu bếp, chúng tôi được ăn một bữa hải sản tươi ngon và tinh tế chưa từng thấy. Tôm hùm bắt từ biển lên, khoai tây chiên giòn, salad cà chua lấp lánh những giọt dầu ăn.

Mẹ con tôi ăn chầm chậm, nhấm nháp từng miếng nhỏ với rượu vang đỏ. Cứ lâu lâu chúng tôi lại nghe thấy tiếng nổ, và mẹ tôi lại nói: “Việt Cộng đấy”.

Jacques nói, cứ định kỳ, quân Việt Cộng lại tấn công Nha Trang, nhưng từ đó đến giờ họ luôn để ông yên. Họ biết ông là một người Pháp vô tội và vô hại.

Thật dễ hiểu, Việt Nam cộng hòa đã mất hết nhuệ khí khi người Mỹ đã bỏ rơi họ sau 40 năm và trong thời khắc cuối cùng, nhóm nhân viên “Nhà số bảy” trong đó có bố tôi đã rời Việt Nam dưới làn đạn, không phải của quân Bắc Việt, mà chính từ họng súng của lính Việt Nam cộng hòa bắn ra.

Thật là kỳ lạ khi chứng kiến người đàn ông Pháp này, một trong những kiều dân của đất nước gần đây nhất xâm chiếm Việt Nam đã chịu trận, ở đây để thu lợi từ kinh doanh trong rủi ro. Tôi tự hỏi vì sao chính phủ Mỹ không nhìn thấy ở người Pháp một bài học cay đắng?

Tôi bay trở lại Sài Gòn một mình, trên một ghế bố trong chiếc máy bay vận tải quân sự C-47. Mẹ tôi phải tới một cô nhi viện khác còn tôi phải về làm việc.

Cuối cùng mẹ tôi cũng đưa tôi về ngôi nhà ở Sài Gòn sống với gia đình, thay vì ở khách sạn. Bà mua một tấm rèm ngăn giường ngủ giữa tôi và em trai để mỗi người có khoảng trời riêng.

Tôi rời Việt Nam vào cuối mùa hè, trở về học tiếp năm thứ ba đại học. Nhưng khi máy bay chạy ra đường băng, tôi có cảm giác về một điều gì đen tối, một thế giới mà nhiều sự thật bị che giấu, bề mặt và chiều sâu, thật và giả, rõ và mờ.

Đến tháng 4/1975, sau khi tôi đã rời Việt Nam, một trong những chuyến bay chở trẻ mồ côi có sự giúp đỡ của mẹ tôi lúc khởi hành đã bị rơi tại một cánh đồng cách sân bay Tân Sơn Nhất không xa, làm thiệt mạng 138 người trong đó có nhiều trẻ em.

Cũng trong tháng đó, do sắp xếp của các bộ phận thuộc đại sứ quán Mỹ không tốt, bố tôi và nhân viên của “Nhà số bảy” bị bỏ lại Việt Nam sau khi những chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi nóc nhà sứ quán.

Bố tôi và nhiều người phải đi nhờ tàu vận tải trên vịnh Thái Lan. Thậm chí cả Frank Snepp, “ngôi sao” của CIA tại Sài Gòn cũng quên mất việc đưa bố tôi và nhân viên “Nhà số bảy” vào danh sách di tản không vận. (Hết)

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoi-ky-con-gai-mot-diep-vien-cia-rut-chay-d144613.html