Thứ ba 13/05/2025 - 17:49
Văn hóa
Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì - nhà chính trị tài năng thế kỷ XVII
Thứ Sáu 18/11/2016 - 08:35
Hơn 50 năm tham gia việc nước, dưới 3 triều vua (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông), 2 đời chúa (Trịnh Tùng, Trịnh Tráng), trong bối cảnh xã hội có nhiều biến loạn...
Hội thảo Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp
Hơn 50 năm tham gia việc nước, dưới 3 triều vua (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông), 2 đời chúa (Trịnh Tùng, Trịnh Tráng), trong bối cảnh xã hội có nhiều biến loạn, Nguyễn Duy Thì (1572 - 1651) đã trở thành nhà chính trị, nhà ngoại giao hết lòng phụng sự đất nước và nhân dân.
Nguyễn Duy Thì sinh tại xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông thi đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm 1598 đời vua Lê Thế Thông khi 27 tuổi. Với hơn 50 năm làm quan, Nguyễn Duy Thì đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng: Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương Giám đốc ĐHQG ngày nay), Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ sự, Thái phó và được mở phủ Bỉnh Quân tại quê nhà.
Đương thời, đó là người có quyền uy lẫy lừng, chỉ dưới vua Lê, chúa Trịnh. Quyền cao chức trọng đồng thời Nguyễn Duy Thì cũng được đánh giá là nhà chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao tài ba, uy danh góp phần ổn định chính trị trong nước, bang giao hòa hảo với các nước láng giềng.
Hội thảo Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp
Bởi vậy, tương truyền thần nhân đã từng hiện lên đọc mấy câu thơ về Nguyễn Duy Thì: “Yên Lãng nhân, Yên Lãng nhân/ Thiên hạ an nguy tại hệ nhất thân”. Câu này có nghĩa là: Người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng/ Đất nước yên nguy liên quan đến người này.
TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong báo cáo đề dẫn Hội thảo đã nhấn mạnh: “Trong suốt cả cuộc đời, tư tưởng “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi” luôn thấm đẫm trong con người và sự nghiệp của ông.Là người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân tài, từng giữ cả chức Tế tửu Quốc Tử Giám trong một thời gian dài, Nguyễn Duy Thì không chỉ là người thầy đáng kính mà còn là nhà quản lý giáo dục, tham gia trực tiếp tuyển chọn người hiền tài cho đất nước”.
Cụ thể, Nguyễn Duy Thì được triều đình giao trọng trách tham gia 3 kỳ thi Hội để tuyển chọn nhân tài, trong đó 2 lần làm Giám thí (Phó chủ khảo kỳ thi Hội) vào các năm 1613 và 1623.
Trong đó, kỳ thi năm 1613 chỉ lấy đỗ 7 người, được đánh giá “đó là những người lấy chính trực mà đứng trong triều, lấy tiết liêm bắt mình giữ phép, lau quang chùi bóng bụi nhơ, một chí dồi mài đức hạnh… dốc lòng giúp sáng vương độ… đặt thiên hạ vào chốn vững yên như Thái Sơn bàn thạch”.
Đến năm 1637, Nguyễn Duy Thì được cử làm Tri cống cử (Phó chủ khảo kỳ thi Đình). Qua 3 kỳ thi trên đây, ông đã trực tiếp giúp triều đình tuyển chọn 34 Tiến sĩ Nho học. Trong số đó, nhiều người trở thành lương đống của triều đình.
Hội thảo Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp
Nguyễn Duy Thì qua đời ở tuổi 80, được triều đình truy phong Thái tể (tương đương như Thủ tướng ngày nay). Đền thờ của còn câu đối: “Bát cổn ngoại xuân thu lũy triều nguyên lão/ Tứ thập niên tể phụ vạn cổ danh gia”.
Nghĩa là: Áo mũ làm quan ngoài 80 tuổi, liên tiếp đứng thứ nhất triều đình/ 40 năm làm chủ giúp nhà vua, muôn xưa vẫn là một gia đình danh tiếng”. Đó là nhắc đến người con trai của Nguyễn Duy Thì là Nguyễn Duy Hiểu, cũng đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm 1628, đồng khoa với Thám hoa Giang Văn Minh. Năm 1637, Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh cùng làm Chánh sứ sang nhà Minh. Cả hai ông đều bị triều Minh sát hại trên đất Trung Hoa.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, đánh giá cao việc cha con cùng thi đỗ và làm quan cùng triều. Ông nhấn mạnh đến chuyện xưa để làm gương cho đời nay. Hai cha con cùng làm quan một triều nhưng làm quan là qua thi cử thực, qua công việc thực sự, chứ không phải nhờ “hậu duệ” hay “tiền tệ”.
Nhân kỷ niệm 365 năm ngày mất của của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (1572 - 1651), ngày 17/11/2016, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp”. 27 bài tham luận của các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu đánh giá những đóng góp của ông đối với sự nghiệp chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục của đất nước. |
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoang-giap-nguyen-duy-thi---nha-chinh-tri-tai-nang-the-ky-xvii-d180675.html