Thứ ba 20/05/2025 - 15:01
Thời sự
Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển công nghệ viễn thám
Thứ Ba 20/05/2025 - 14:25
Việc sửa đổi một số điều của Nghị định 03/2019/NĐ-CP được kỳ vọng góp phần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, thúc đẩy viễn thám trở thành một ngành công nghệ chiến lược.
- Công nghệ viễn thám giúp phát triển nông nghiệp hiện đại và gìn giữ môi trường
- Công nghệ viễn thám - ‘tai mắt’ theo dõi môi trường
- Nghiên cứu khoa học môi trường, nước, viễn thám phải mang tầm vóc mới
Sáng 20/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì cuộc họp Tổ soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động viễn thám.
Bám sát thực tiễn, đón đầu công nghệ
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 03/2019/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng và vai trò ngày càng quan trọng của viễn thám trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, đại diện Tổ soạn thảo, bản dự thảo Nghị định đã bám sát tinh thần các nghị quyết, chiến lược quốc gia như Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định 169/QĐ-TTg về phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ; Nghị quyết 06/NQ-CP về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 03/2019/NĐ-CP bổ sung các nội dung như: quan trắc, giám sát tài nguyên và thiên tai, thành lập dữ liệu chuyên đề, xây dựng thư viện phổ và khóa giải đoán ảnh và quản lý chất lượng sản phẩm viễn thám. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ông Trần Tuấn Ngọc cho biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, nhiều nội dung mới quan trọng đã được bổ sung nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển công nghệ viễn thám trong bối cảnh hiện nay.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc bổ sung các quy định liên quan đến vệ tinh viễn thám. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về hoạt động phóng vệ tinh viễn thám lên quỹ đạo, bao gồm trách nhiệm của cơ quan quản lý, xử lý sự cố kỹ thuật và các ràng buộc quốc tế. Đồng thời, quy định về việc kết thúc hoạt động của vệ tinh, qua đó khắc phục khoảng trống pháp lý đang tồn tại.
Về quản lý cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu viễn thám, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cũng như kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, phù hợp với Luật Dữ liệu mới được ban hành. Đặc biệt, quy định về xác nhận và xác thực dữ liệu viễn thám, góp phần tăng cường tính pháp lý và độ tin cậy của dữ liệu. Ngoài ra, quy định về danh mục dữ liệu mở, cho phép cung cấp miễn phí một số dữ liệu nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng và nghiên cứu.
Dự thảo cũng lần đầu tiên bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ viễn thám, với các nội dung như quan trắc, giám sát tài nguyên và thiên tai, thành lập dữ liệu chuyên đề, xây dựng thư viện phổ và khóa giải đoán ảnh và quản lý chất lượng sản phẩm viễn thám. Ngoài ra, nội dung dịch vụ công về viễn thám cũng được bổ sung cho phù hợp với thực tế về việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thực hiện dịch vụ công “cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám”.
Đáng chú ý, về thủ tục hành chính và khai thác dữ liệu, sản phẩm viễn thám dự thảo Nghị định đã bổ sung một loạt quy định mới bao gồm: trình tự, thủ tục cung cấp thông tin; quy định về phí khai thác và giá dịch vụ và các trường hợp không cung cấp thông tin, dữ liệu.
Cũng theo ông Trần Tuấn Ngọc, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, các điều khoản đã được điều chỉnh để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai, giám sát thực thi; sửa đổi về kỳ hạn báo cáo và nội dung chi tiết, kiến nghị bãi bỏ một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo Nghị định cũng điều chỉnh kỹ thuật, thuật ngữ trong toàn bộ văn bản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan hiện hành. Một số quy định đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp với công nghệ hiện nay về xử lý dữ liệu đã được loại bỏ hoặc tích hợp vào các quy định khác trong hệ thống vận hành.
Phát huy trí tuệ tập thể, bảo đảm tính khả thi, minh bạch
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao tinh thần đóng góp nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị, Tổ soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng phù hợp với thực tiễn, đồng thời tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định, nhằm thúc đẩy lĩnh vực viễn thám phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa lưu ý, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 03/2019/NĐ-CP cần tập trung vào các nội dung thuộc quản lý nhà nước đối với hoạt động viễn thám, các tổ chức, cá nhân có liên quan, không mở rộng quá mức, tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Góp ý cụ thể cho dự thảo Nghị định, Thứ trưởng lưu ý, phạm vi điều chỉnh cần được xác định rõ ràng, chỉ tập trung vào các nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động viễn thám và các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc mở rộng quá mức có thể dẫn đến chồng chéo với các luật chuyên ngành hiện hành.
Thứ trưởng lưu ý, nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan phải được quy định cụ thể nhằm bảo đảm tính liên thông, thống nhất, nhưng vẫn tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Đối với các nội dung kỹ thuật, Thứ trưởng yêu cầu Tổ soạn thảo làm rõ quy định liên quan đến ảnh viễn thám, đặc biệt là ảnh thu từ vệ tinh, bảo đảm các yêu cầu về độ phân giải, chất lượng, tính xác thực và giá trị pháp lý. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu ảnh cần được quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong cung cấp và khai thác dữ liệu viễn thám cần được rà soát kỹ, bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa quy trình, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng đề nghị Tổ soạn thảo tiếp tục đối chiếu với các luật chuyên ngành liên quan để đảm bảo sự thống nhất, tránh xung đột pháp lý. Quá trình hoàn thiện dự thảo cần có sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và hiệu quả khi triển khai.
"Hiện nay, trên thế giới, công nghệ vũ trụ và viễn thám phát triển rất nhanh, nếu sửa Nghị định không sát thực tiễn, ban hành xong rồi lại phải sửa. Do đó, quá trình xây dựng Nghị định cần phát huy trí tuệ tập thể, lấy ý kiến sâu rộng từ các đơn vị chuyên môn, chuyên gia, doanh nghiệp, để Nghị định được triển khai hiệu quả trong thực tiễn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-thuc-day-phat-trien-cong-nghe-vien-tham-d754066.html