Thứ hai 12/05/2025 - 06:38
Văn hóa
Hoàn táng vua Lê Dụ Tông ở đâu?
Thứ Sáu 30/10/2009 - 12:18
Theo dự kiến, khu lăng mộ vua Lê Dụ Tông được xây tại làng Bàn Thạch và việc hoàn táng sẽ diễn ra vào ngày 10/10 âm lịch, nhưng người dân ở làng Bái Trạch không đồng tình.
Thi hài vua Lê Dụ Tông được bảo quản tại bảo tàng LSVN
Theo dự kiến, ngày 9/9 âm lịch (tức 26/10/2009 vừa qua) sẽ khởi công xây dựng khu lăng mộ vua Lê Dụ Tông tại làng Bàn Thạch và việc hoàn táng sẽ diễn ra vào ngày 10/10 âm lịch, nhưng người dân ở làng Bái Trạch không đồng tình.
Tỉnh "nhầm"?
Năm 1958, mộ vua Lê Dụ Tông được phát hiện trên khu đất của gia đình ông Đỗ Văn Lương, làng Bái Trạch, xã Xuân Giang (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Đến năm 1963, di hài vua Lê Dụ Tông được khai quật, đưa về bảo tàng Lịch sử Việt Nam để nghiên cứu, bảo quản tại kho di vật của bảo tàng. Từ năm 1996, con cháu họ Lê đã nhiều lần đề nghị được rước thi hài vua về cố hương hoàn táng.
Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa thể tiến hành được, bởi người dân làng Bái Trạch, xã Xuân Giang không đồng tình việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang (Thọ Xuân). Trao đổi với NNVN, một vị lãnh đạo địa phương khẳng định đúng là làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang không phải là nơi yên nghỉ của vua Lê Dụ Tông ngày trước. Thực ra, trang Bàn Thạch xưa thuộc đất 4 xã: Xuân Giang, Xuân Sơn, Xuân Hưng, Xuân Quang (Thọ Xuân) ngày nay. Năm 1922, thực dân Pháp đào kênh Nông Giang xây đập Bái Thượng. Từ đó tách thành 2 xã Xuân Giang và Xuân Quang. Và làng Bái Trạch thuộc về xã Xuân Giang, làng Bàn Thạch về xã Xuân Quang. Như vậy làng Bái Trạch và làng Bàn Thạch đều thuộc trang Bàn Thạch xưa.
Thế nhưng không hiểu sao, trong công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ VH, TT&DL lại cho rằng: “Mộ vua Lê Dụ Tông trước kia đặt tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân. Năm 1963, thi hài vua Lê Dụ Tông được đưa về bảo tàng Lịch sử VN bảo quản, phục vụ nghiên cứu khoa học. Đến nay đã quá lâu, cần được hoàn táng, UBND tỉnh đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL báo cáo Chính phủ cho phép hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang. Về quy mô xây dựng lăng mộ, xây như lăng mộ các Hoàng đế nhà Lê tại khu di tích lịch sử Lam Kinh”. Như vậy theo văn bản chính thức này thì mộ vua Lê Dụ Tông trước kia thuộc làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang.
"Người dân Bái Trạch có lý"
Trao đổi với NNVN bên lề kỳ họp Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc thắc mắc của bà con làng Bái Trạch, xã Xuân Giang là hoàn toàn có lý, bởi địa điểm mộ cũ của vua Lê Dụ Tông ở làng Bái Trạch chứ không phải ở làng Bàn Thạch như văn bản đã nêu. “Tôi đồng tình với đề nghị của dòng họ Lê, là trả thi hài vua Lê Dụ Tông để hoàn táng tại quê hương ông. Tuy nhiên, về địa điểm cụ thể của việc hoàn táng cần phải cân nhắc kỹ.
Vua Lê Dụ Tông tức Dụ Tông Hòa Hoàng Đế, là miếu hiệu của Lê Duy Đường (1680 – 1731). Ông là con vua Lê Hy Tông, được truyền ngôi từ tháng 4 năm Ất Dậu (1705), đến tháng 4 năm Kỷ Dậu (1729) thì nhường ngôi cho con là Lê Duy Phường. Ông mất vào tháng giêng năm Tân Dậu (1731), thọ 52 tuổi, ở ngôi 24 năm. Lê Dụ Tông được xem là vị vua có công trong việc đòi lại đất bị xâm chiếm trong thời gian trị vì. |
Theo quan điểm của một vị lãnh đạo địa phương thì việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông tại khu di tích Lam Kinh là điều không thể, bởi đây chỉ là khu an táng riêng các vị vua thời Hậu Lê. Lê Dụ Tông và 15 vị vua khác thời Lê Trung Hưng đều được an táng rải rác ở các xã của huyện Thọ Xuân và Thiệu Hoá. Việc hoàn táng nên tôn trọng ý kiến của dòng họ và người dân địa phương. Về mặt tâm linh, nên xây lăng mộ hoàn táng vua về vị trí cũ là tốt nhất.
Ông Lê Văn Tam, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam cho biết: “Tâm nguyện của chúng tôi là mong muốn được đưa di hài vua về hoàn táng tại quê Thọ Xuân. Vì lẽ, lúc sống, vua có công với nước, khi mất thì phục vụ công việc nghiên cứu khoa học suốt 45 năm rồi, đã đến lúc hoàn táng để vị vua được yên nghỉ. Theo dư luận chung và nguyện vọng của người dân địa phương thì đây là việc tâm linh, khi vua Lê Dụ Tông tạ thế, người xưa đã cất công lựa chọn, tìm chỗ đắc địa, là khu đất ở làng Bái Trạch, xã Xuân Giang. Thiết nghĩ, ý người xưa đã vậy, nay cháu con không nên làm khác”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoan-tang-vua-le-du-tong-o-dau-d42091.html