Thứ sáu 09/05/2025 - 22:52
Tài nguyên nước
Hồ thủy lợi đa mục tiêu, đa kỳ vọng
Thứ Sáu 09/05/2025 - 22:49
Được thiên nhiên ưu ái, vị trí đắc địa nhưng hai hồ thủy lợi Bò Lạc và Suối Sải đến nay vẫn chỉ là ‘giấc mơ bỏ ngỏ’ của du lịch Sông Lô.
“Viên ngọc xanh”
Hồ Bò Lạc (xã Đồng Quế) và hồ Suối Sải (xã Lãng Công) đều thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Hai công trình thủy lợi này có vai trò quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cách trung tâm huyện khoảng 10km, cả hai hồ được thiên nhiên ưu đãi với mặt nước rộng, cảnh quan hữu tình, khí hậu trong lành, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Hồ Bò Lạc nằm ở phía Nam núi Sáng, có địa hình mở, bằng phẳng, thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động ngoài trời như cắm trại, chèo thuyền, câu cá... Ven hồ là những bãi cỏ rộng sát bìa rừng, nhiều điểm cắm trại còn lưu lại bếp đá và than củi từ các nhóm khách trước.
Ông Đặng Ngọc Đức (sinh năm 1975, xã Đồng Quế) chia sẻ: “Mỗi tháng tôi đến đây câu cá 3-4 lần, tháng nào bận thì thôi. Hồ này đẹp lại gần nhà nên đi câu cho khuây khỏa”.

Ông Đức là một trong số nhiều khách câu cá quen của hồ Bò Lạc. Ảnh: Hùng Khang.
Không chỉ người dân địa phương, nhiều bạn trẻ từ các huyện lân cận cũng chọn hồ Bò Lạc là điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn vào dịp cuối tuần. Anh Trần Ngọc Bình (22 tuổi, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Mỗi tháng mình đều cùng bạn bè đến đây cắm trại, nướng gà. Mùa đông thì ít, nhưng mùa hè có những tháng đi 2-3 lần vì gần nhà mà cảnh quan lại đẹp”.
Khác với hồ Bò Lạc, hồ Suối Sải nằm ở phía Bắc núi Sáng, còn được gọi là hồ Suối Sỏi. Không sở hữu địa hình mở nhưng hồ Suối Sải lại có hệ sinh thái đa dạng, nhiều khu vực vẫn giữ được nét hoang sơ tự nhiên.
Mặt nước rộng và yên tĩnh, không gian thoáng đãng. Địa hình ven hồ bằng phẳng, gần các đồi thấp, khí hậu trong lành, rất phù hợp phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày cho khách thành thị và vùng lân cận.
Khu vực xung quanh hồ còn gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm nông thôn, giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên, đồng thời giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.

Người dân nuôi trồng thủy sản và khai thác tại hồ Bò Lạc. Ảnh: Hùng Khang.
Đặc biệt, hồ Suối Sải nằm gần đường tỉnh lộ, giao thông thuận lợi, tạo điều kiện kết nối dễ dàng với các điểm du lịch khác trong vùng. Tuy nhiên, đến nay, hồ Suối Sải vẫn chủ yếu phục vụ cho mục đích tưới tiêu. Hạ tầng du lịch gần như chưa có, các tiện ích cơ bản như đường vào, bãi đỗ xe, khu nghỉ chân, nhà vệ sinh công cộng… còn thiếu và yếu. Công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến chưa được triển khai, khiến hồ Suối Sải vẫn là một “vùng trũng” trên bản đồ du lịch huyện Sông Lô.
Nguồn nước của sự sống
Hồ Bò Lạc và hồ Suối Sải là hai công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, điều tiết dòng chảy mùa mưa, góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân trong khu vực.
Hồ Bò Lạc được xây dựng từ năm 1982 tại xã Đồng Quế. Ngoài nhiệm vụ cấp nước sản xuất, hồ còn được kết hợp khai thác nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi sinh và tạo dựng không gian cảnh quan, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng địa phương.

Hồ Bò Lạc trực tiếp phục vụ tưới tiêu cho khoảng 370 ha đất canh tác nông nghiệp thuộc bốn đơn vị hành chính: Đồng Quế, Phương Khoan, Nhạo Sơn và thị trấn Tam Sơn. Ảnh: Hùng Khang.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Lập Thạch, hồ Bò Lạc có diện tích lưu vực 8,6km², dung tích toàn bộ đạt 2,75 triệu m³, trong đó dung tích hữu ích khoảng 2,5 triệu m³. Đây là một trong những hồ chứa lớn của huyện Sông Lô, đảm bảo cung cấp nước ổn định cho hơn 250 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các xã Đồng Quế, Nhạo Sơn và Yên Thạch và 120 ha của thị trấn Tam Sơn.
Hệ thống công trình đi kèm gồm đập đất dài 380m, cao 21,2m; tràn xả lũ với lưu lượng thiết kế 30m³/s và cống lấy nước khẩu độ 0,8x0,8m. Hạ tầng kỹ thuật này bảo đảm công trình vận hành linh hoạt, kịp thời, đặc biệt trong mùa khô.
Tương tự, hồ Suối Sải cũng là một công trình thủy lợi quy mô lớn, được khởi công năm 1985 và hoàn thành năm 1989. Hồ có vai trò đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 500 ha lúa và hoa màu tại năm xã: Lãng Công, Quang Yên, Nhân Đạo, Hải Lựu và Phương Khoan.

Phía dưới tràn xả lũ của hồ Suối Sải. Ảnh: Hùng Khang.
Với dung tích toàn bộ khoảng 2,8 triệu m³, diện tích lưu vực 9,1km², đập cao 27,4m, hồ được thiết kế theo kiểu điều tiết lũ tràn tự do. Năm 2014, công trình được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn vận hành và nâng cao hiệu quả khai thác. Trong vòng 5 năm trở lại đây, hồ Suối Sải vận hành ổn định, không xảy ra sự cố, tiếp tục giữ vai trò là hạ tầng thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sông Lô.
Đánh thức tiềm năng xanh
Từ những công trình phục vụ tưới tiêu thuần túy, hồ Bò Lạc và hồ Suối Sải đang dần được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch sinh thái. Sự hoang sơ, nguyên bản của cảnh quan trở thành lợi thế để hai công trình này chuyển mình, góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế cho địa phương.
Theo ông Trần Tuấn Vinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Sông Lô, cả hai hồ đều sở hữu tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch. Hồ Bò Lạc nằm dưới chân Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, cách thác Bay khoảng 5km, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh. Trong khi đó, hồ Suối Sải nằm gần trục tỉnh lộ, có hệ thống giao thông khá thuận tiện, dễ dàng kết nối với các điểm tham quan khác trong khu vực.

Mô hình hồ “đa mục tiêu” cần được xem xét và đánh giá một cách cụ thể. Ảnh: Hùng Khang.
Hồ Bò Lạc đã được đưa vào quy hoạch khu nghỉ dưỡng cùng với núi Sáng và hồ Vân Trục từ năm 2022. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư để triển khai dự án. Một trong những trở ngại lớn là vị trí của cả hai hồ đều thuộc các xã xa trung tâm các đô thị lớn như TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hay TP. Việt Trì (Phú Thọ). Theo ông Vinh, để khai thác được tiềm năng du lịch vốn có, cần ưu tiên đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh và thông tin quy hoạch lên các cổng thông tin điện tử của huyện và tỉnh nhằm thu hút nhà đầu tư.
Hồ thủy lợi không chỉ giữ vai trò trữ nước. Việc hướng đến mô hình hồ “đa mục tiêu” - vừa phục vụ nông nghiệp, vừa phát triển thủy sản và du lịch, cần được đặt ra như một bước chuyển quan trọng cho phát triển bền vững tại địa phương.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ho-thuy-loi-da-muc-tieu-da-ky-vong-d751734.html