| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 05/05/2025 - 14:50

Nông thôn mới

Hậu Giang phấn đấu 'cán đích' nông thôn mới năm 2025

Thứ Hai 05/05/2025 - 14:33

Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, năm 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các tiêu chí nông thôn mới.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kiều Trang.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kiều Trang.

Năm then chốt trong việc cụ thể hóa mục tiêu

Không chỉ dừng lại ở việc về đích đúng lộ trình, tỉnh còn đẩy mạnh nâng chất các tiêu chí đã đạt, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, mang đến diện mạo nông thôn phát triển toàn diện, bền vững.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang cho biết: Giai đoạn 2021–2025 là chặng đường quyết định để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Đối với Hậu Giang, năm 2025 được xác định là năm then chốt trong việc cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện 19 tiêu chí NTM ở tất cả các xã chưa đạt chuẩn, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ công nhận mới 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 45/51 xã (đạt tỷ lệ 88,24%). Cùng với đó, sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số lên 18 xã. Đặc biệt, Hậu Giang phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đưa tổng số xã kiểu mẫu lên con số 6.

Song hành với đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh, với mục tiêu công nhận ít nhất 40 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, trong đó có tối thiểu 8 sản phẩm đạt 4 sao. Tỉnh cũng đặt mục tiêu thăng hạng ít nhất 25% số sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, đồng thời thực hiện tái công nhận các sản phẩm đã hết thời gian chứng nhận.

Đồng bộ giải pháp, quyết liệt hành động

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết là việc hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng từng tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 864/QĐ-UBND ngày 5/5/2022. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và cân đối nguồn lực thực hiện ngay từ đầu năm.

Công tác quy hoạch cũng được tỉnh quan tâm điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, nhằm bảo đảm tiêu chí môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn với các phong trào thi đua như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hay “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng NTM.

Theo ông Huỳnh Thành Hữu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là chìa khóa then chốt để nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ảnh: Kiều Trang.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là chìa khóa then chốt để nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ảnh: Kiều Trang.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là chìa khóa then chốt để nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích đổi mới công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, nhất là đối với các sản phẩm OCOP đạt sao.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, đồng thời xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là nền tảng để thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững. Hậu Giang chú trọng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; nguồn vốn Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn huy động từ doanh nghiệp, người dân để tập trung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu.

Các công trình như đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện, nước sinh hoạt... sẽ được ưu tiên bố trí vốn đầu tư, góp phần nâng cao điều kiện sống và sinh hoạt của người dân nông thôn. Đồng thời, các tiêu chí về giáo dục, y tế, môi trường nông thôn và an ninh trật tự cũng được quan tâm thực hiện đồng bộ.

Tổng nguồn lực dự kiến để thực hiện chương trình NTM năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 10.629,434 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ là 77,140 tỷ đồng; ngân sách địa phương 130,045 tỷ đồng; vốn lồng ghép 538,749 tỷ đồng; vốn tín dụng 9.712,5 tỷ đồng; và vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân khoảng 171 tỷ đồng.

Để sử dụng hiệu quả nguồn lực này, tỉnh sẽ rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, bố trí đủ nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tham mưu và điều phối thực hiện chương trình.

Với định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể và quyết tâm chính trị cao, tỉnh Hậu Giang đang từng bước tiến nhanh, tiến chắc trên hành trình về đích nông thôn mới. Không chỉ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình, tỉnh còn hướng đến một nông thôn Hậu Giang hiện đại, văn minh, nơi người dân thực sự được hưởng thành quả phát triển bền vững trong từng bước chuyển mình.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hau-giang-phan-dau-can-dich-nong-thon-moi-nam-2025-d751395.html