| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 18:35

Trồng trọt

Hàn Quốc bàn giao dự án cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH

Thứ Hai 28/04/2025 - 18:33

Sáng 28/4, Dự án 'Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH' được phía Hàn Quốc bàn giao cho Việt Nam sau 5 năm triển khai thành công tại huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Biểu tượng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Dự án được triển khai tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên từ 2020 – 2025 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Phát triển nông thôn Hàn Quốc – MAFRA. Tại Việt Nam, dự án được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) giao Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp phối hợp cùng Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) quản lý.

Đại diện Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc - KRC và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp ký kết, trao văn bản bàn giao dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc - KRC và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp ký kết, trao văn bản bàn giao dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 28/4 tại tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), đại diện MAFRA đã bàn giao dự án với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển kỹ lưỡng từ 2020 đến nay cho Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ trên phương diện kỹ thuật và hành chính mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược, hiệu quả và không ngừng phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Quang, dự án không chỉ mang lại kết quả cụ thể về hạ tầng, công nghệ mà còn là mô hình trình diễn chính sách, cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo gắn với phát triển bền vững và giảm phát thải mà Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh.

Ông khẳng định: “Tổ chức bàn giao tài sản tạm thời ngày hôm nay không chỉ là bước chuyển giao kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm, tiến độ và hiệu quả trong hợp tác giữa hai Chính phủ. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới vận hành mô hình một cách hiệu quả, phục vụ cộng đồng và lan tỏa sang các địa phương khác trong vùng”.

Một số trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phía Hàn Quốc tài trợ cho dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Một số trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phía Hàn Quốc tài trợ cho dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Về phía Hàn Quốc, ông Moon Kyung Duck, Giám đốc Ban Phát triển nông nghiệp toàn cầu (Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc MAFRA) cho biết, dự án này đã trở thành hình mẫu hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi không chỉ xây dựng cơ sở vật chất mà còn cùng nhau thiết lập nền tảng chung hướng tới đổi mới và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo”, ông nói.

Nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo Việt Nam

Chia sẻ lý do lựa chọn dự án này để đầu tư không hoàn lại trong nhiều dự án mà phía Việt Nam đề xuất, ông Moon Kyung Duck nói, nguyên nhân do ngành lúa gạo của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) – vùng sản xuất lúa trọng điểm giữ vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế. Do đó, MAFRA đã lựa chọn triển khai dự án này với mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành lúa gạo tại Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, dự án còn được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời xây dựng một mô hình nông nghiệp bền vững.

Đại diện địa phương và phía Hàn Quốc trao biển bàn giao dự án tượng trưng. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện địa phương và phía Hàn Quốc trao biển bàn giao dự án tượng trưng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Moon Kyung Duck cho biết với thành công của dự án, thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy việc nhân rộng các dự án tương tự tại các khu vực khác, qua đó tiếp tục nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp hai nước.

Ngoài các dự án nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, Hàn Quốc cũng đang xem xét nhiều hình thức hợp tác đa dạng để hỗ trợ sự phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn Việt Nam, nhất là ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân.

Là đơn vị đại diện phía Việt Nam tiếp nhận dự án trước khi bàn giao cho địa phương, ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp nói: "Sự kiện hôm nay đánh dấu bước chuyển giao từ xây dựng, vận hành sang chuyển giao tài sản cho phía Việt Nam. Chúng tôi rất hi vọng sau khi chuyển giao cho địa phương, dự án sẽ được vận hành hiệu quả hơn, đem lại lợi ích cho nông dân, tạo thêm giá trị và nâng cao thu nhập cho bà con”.

Gửi lời cảm ơn đến các đối tác phía Hàn Quốc, ông Bùi Hải Nam hi vọng sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp Việt Nam như sản xuất có trách nhiệm, phát triển kinh tế xanh.

Các đại biểu Hàn Quốc tham quan khu vực xử lý sau thu hoạch của dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Các đại biểu Hàn Quốc tham quan khu vực xử lý sau thu hoạch của dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Khi triển khai năm 2020, mục tiêu của dự án là xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khu vực ĐBSH, nâng cao năng lực canh tác lúa hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho nông dân nhằm nâng cao thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, xây dựng thành công mô hình trình diễn canh tác lúa bền vững, giá trị cao tại tỉnh Thái Bình để nhân rộng ra toàn bộ khu vực ĐBSH.

Những năm qua, hoạt động chính của dự án gồm xây dựng kế hoạch tổng thể cái tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH, tăng cường năng lực và truyền thông, chiến lược marketing cho dự án.

Ngoài ra, xây dựng và vận hành mô hình trình diễn canh tác, đào tạo và chế biến lúa gạo bền vững, lập kế hoạch nhân rộng sau dự án. Song song đó, phối hợp để điều phối, giám sát và quản lý dự án giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiện nay dự án đã triển khai 4 hợp phần tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình bao gồm: Trung tâm đào tạo nông nghiệp, khu canh tác thí điểm, khu xử lý sau thu hoạch và hệ thống nhà kính.

Sau 5 năm triển khai, dự án đã giúp năng suất lúa trung bình tăng 10% so với trước đây, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm rõ rệt. Dự án cũng giúp hình thành những mô hình khép kín, đồng bộ từ sản xuất lúa đến chế biến, tiêu thụ. Từ đó góp phần ổn định nguồn cung, giảm rủi ro mùa vụ và tăng thu nhập cho nông dân tham gia dự án.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/han-quoc-ban-giao-du-an-cai-tien-chuoi-gia-tri-lua-gao-vung-dbsh-d750651.html