Thứ ba 06/05/2025 - 16:32
Kinh tế
Hải Phòng lần đầu dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh
Thứ Ba 06/05/2025 - 16:26
Sáng 6/5, tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, TP Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI với 74,84 điểm.
- Ninh Thuận đứng thứ 11 cả nước về chỉ số PCI
- Quảng Ninh 7 năm liên tiếp đứng đầu chỉ số PCI
- Hải Phòng tập trung hoàn thành đề án chuyển đổi xanh trong tháng 8

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng (thứ 5 từ phải sang) và ông Lê Anh Quân (thứ 6 từ phải sang) - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đại diện cho TP Hải Phòng tại buổi lễ công bố sáng 6/5 tại Hà Nội. Ảnh: Đàm Thanh.
PCI được đánh giá chính thức từ thời điểm năm 2006, thời điểm này Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36-48 và luôn biến động, năm trước tăng hạng thì năm sau giảm hạng.
Xếp sau Hải Phòng về chỉ số PCI năm 2024 là tỉnh Quảng Ninh với 73,20 điểm; xếp thứ 3 là tỉnh Long An với 72,64 điểm; xếp thứ 4 là tỉnh Bắc Giang với 71,24 điểm; xếp thứ 5 là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với 71,17 điểm.
Sau đó đến giai đoạn 2012-2018, PCI đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những biến động lớn ở vị trí xếp hạng, năm 2013/2012 tăng 35 bậc, năm 2014/2013 giảm 19 bậc; năm 2017/2016 tăng 12 bậc, xếp vị trí 9/63 và lọt Top 10, năm 2018/2017 giảm 7 bậc.
Hàng năm, Hải Phòng đều phân tích cụ thể từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần trong số PCI để nêu ra các điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục, từ đó xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PCI, trong đó đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, các yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giao các Sở, ban, ngành, địa phương đơn vị thực hiện.
Bên cạnh chỉ số PCI, năm 2024, Hải Phòng cũng dần đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS) với kết quả đạt 96.17%, cao hơn 4.30% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023.

Một góc trung tâm TP Hải Phòng nhìn từ trên cao, minh chứng cho sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Ảnh: Đinh Mười.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp thành phố Hải Phòng tạo nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới. Năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch
Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) của thành phố Hải Phòng đạt 90,59%, tăng 1,69%, lần đầu tiên xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng. Trong đó, Hải Phòng cũng đứng đầu cả nước về mức độ hài lòng với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công.
Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên thành phố được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí thứ nhất các tỉnh, thành phố về Chỉ số PCI, sau 7 năm xếp hạng trong Top 10 cả nước.
Với kết quả này, năm 2024, Hải Phòng vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm: Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ về những nỗ lực của thành phố Cảng trong những năm qua để có được những con số phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng như hiện nay. Ảnh: Đàm Thanh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hải Phòng đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính là giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính; thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Cũng theo ông Lê Tiến Châu, những năm qua, chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, lan tỏa các bài học cải cách, xây dựng thương hiệu địa phương, và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh “tiếng nói” doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
"Những nỗ lực đã giúp Hải Phòng vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm qua. Thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao đến nay. Trong 4 năm gần đây (2021-2024), Hải Phòng luôn thuộc Top 5 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước".
Trong giai đoạn 2019 - 2024, chỉ số PCI của Hải Phòng đã có sự chuyển biến tích cực, liên tục tăng hạng: - Năm 2019: 68,73 điểm, xếp hạng 10/63. - Năm 2020: 69,27 điểm, xếp hạng 7/63. - Năm 2021: 70,61 điểm, xếp hạng 2/63. - Năm 2022: 70,76 điểm, xếp hạng 3/63. - Năm 2023: 70,34 điểm, xếp hạng 3/63. - Năm 2024: 74,84 điểm, xếp hạng 1/63. Năm 2021, Hải Phòng lần đầu tiên đạt hạng 2/63 tỉnh/thành phố và 2/11 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2024, thành phố này đứng đầu bảng xếp hạng. Trong số 10 chỉ số thành phần PCI, Hải Phòng có 4 chỉ số tăng điểm và 6 chỉ số giảm điểm. Mỗi năm, Hải Phòng đều phân tích từng chỉ tiêu để cải thiện chỉ số PCI và đưa ra kế hoạch cụ thể.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hai-phong-lan-dau-dan-dau-ca-nuoc-ve-chi-so-canh-tranh-d751646.html