Thứ năm 29/05/2025 - 06:06
Trồng trọt
Hà Tĩnh huy động mọi giải pháp khẩn cấp cứu lúa
Thứ Hai 26/05/2025 - 18:23
Hà Tĩnh huy động tối đa mọi giải pháp nhằm cứu lúa, giảm thiểu thiệt hại đối với lúa đã thu hoạch bị ướt và lúa chưa thu hoạch trên đồng.
- Lũ sớm gây thiệt hại nặng nề tại Hà Tĩnh
- Hà Tĩnh: 15 cơ sở sẵn sàng thu mua, sấy lúa cho nông dân
- Hà Tĩnh ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong vòng 1 giờ
- Lũ lụt đến sớm, bất thường

Ngày 26/5 tại Hà Tĩnh trời vẫn mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa xuân chưa thu hoạch vẫn bị ngập, nguy cơ bị hỏng rất cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Huy động mọi giải pháp cứu lúa
Sáng 26/5, dưới cơn mưa tầm tã, chính quyền xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn tập trung huy động các tổ chức đoàn thể, người dân các thôn đẩy bèo ra khỏi ruộng, cứu lúa.
Vụ xuân 2025, gia đình bà Nguyễn Thị Dung tại thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong sản xuất hơn 5 sào lúa. Trận mưa lớn vừa qua đã làm thiệt hại toàn bộ diện tích lúa chưa kịp thu hoạch của gia đình bà. “Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đang cố gắng vớt bèo để thu hoạch diện tích lúa còn sử dụng được”, bà Dung buồn bã nói.
Ông Võ Tiến Sửu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong cho biết, vụ xuân 2025, toàn xã sản xuất 545ha lúa, hiện nay mới thu hoạch được 230ha. Trận mưa lớn vừa qua đã gây ngập lụt 115ha lúa. Mưa lũ lớn đã đẩy một lượng bèo Tây lớn ở các sông trên địa bàn về lấp gần 50ha lúa của người dân ở các thôn Trung Phong, Thượng Phong và Hà Phong.
"Hiện chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng, đồng thời hỗ trợ người dân thuê máy múc bèo lên khỏi vùng nước để tránh bèo tiếp tục trôi dạt xuống ruộng lúa khi có mưa to, nước sông dâng lên”, ông Sửu cho biết.

Chính quyền xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) huy động tối đa lực lượng, hỗ trợ người dân thuê máy khắc phục lúa bị thiệt hại. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Tại xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên), mưa lớn đã khiến gần 200 tấn lúa của người dân đã thu hoạch bị ướt.
Gia đình ông Dương Hiển tại thôn Xuân Lâu (xã Cẩm Thạch) vụ này sản xuất 9 sào lúa, trong đó 6 sào lúa mới thu hoạch được gần 2 tấn bị ướt toàn bộ, 3 sào chưa kịp thu hoạch bị đổ ngã, chìm trong nước. Ông Hiển cho biết: “Gia đình tôi đang tập trung phơi lúa trong nhà, dùng quạt điện để hong khô lúa, đồng thời bán bớt cho các thương lái đến thu mua để giảm thiệt hại”.
"Nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND xã Cẩm Thạch đã chủ động liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn để hỗ trợ mua lúa bị ướt, bị hư hỏng của người dân với giá hợp lý", ông Lê Quang Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch cho biết.
Những ngày này, HTX tổng hợp Xuân Thông tại thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch đã huy động tối đa lực lượng, xe cộ đi đến tận các thôn để thu mua lúa cho bà con. Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc HTX cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi thu mua gần trăm tấn lúa bị ướt do mưa lũ gây ra của bà con với giá 5.600 đồng/kg. Chúng tôi đã hỗ trợ xe, lực lượng vận chuyển lúa để giúp bà con giảm bớt thiệt hại”.

Người dân khẩn trương phơi lúa trong nhà, dùng quạt điện để hong khô lúa bị ướt do ngập lụt. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Huy động tối đa lò sấy
Cùng với việc thu mua lúa, các cơ sở sấy lúa trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung hết công suất để tổ chức sấy kịp thời số lúa đã bị ướt cho bà con nông dân, hướng dẫn bảo quản số lượng lúa đã thu hoạch chưa bị ướt nhằm giảm thiểu thiệt hại. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh đã tiến hành rà soát, liên hệ 15 cơ sở, công ty, HTX có dịch vụ sấy thực hiện sấy lúa cho bà con, trong đó tập trung ở các địa bàn Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, đến ngày 25/5, diện tích lúa xuân 2025 đã thu hoạch toàn tỉnh là 32.291 ha/59.273 ha (đạt 54,5% diện tích gieo cấy). Do ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa lớn những ngày qua, đã làm khoảng 2.271 ha lúa chưa thu hoạch của người dân bị ngập, có hơn 2.000 tấn thóc sau thu hoạch bị ướt.

Các địa phương chủ động liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp thu mua lúa bị ướt cho người dân với giá hợp lý để khẩn trương sấy khô. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Các diện tích lúa bị ngập sâu sẽ ảnh hưởng tới năng suất cuối vụ. Cùng với đó, một số diện tích được thu hoạch về nhà của bà con nông dân chưa kịp xử lý bị ướt, nguy cơ hư hỏng cao và rất khó phục hồi.
Để kịp thời khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động mọi nguồn lực tập trung ứng trực, nạo vét kênh mương, khơi thông cống tiêu thoát, dòng chảy để tiêu úng, rút nước ra khỏi ruộng, giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ. Các diện tích sâu trũng sử dụng máy bơm để hỗ trợ tiêu thoát nhanh.
Chủ động liên hệ, kết nối với các tổ chức, các cơ sở sấy trong và ngoài tỉnh, sẵn sàng các điều kiện để hỗ trợ sấy thóc cho bà con nông dân, đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động sử dụng quạt điện, bóng đèn và các biện pháp hong, phơi thóc để hạn chế thiệt hại sau thu hoạch.

Các cơ sở sấy lúa trên địa bàn Hà Tĩnh chạy hết công suất để sấy lúa bị ướt nông dân. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Mặt khác, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động lực lượng hỗ trợ tập trung thu hoạch nhanh gọn số diện tích còn lại để hạn chế thiệt hại. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để chủ động các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường có thể xẩy ra trong thời gian tới.
Một số đơn vị có năng lực thu mua, sấy lúa lớn tại Hà Tĩnh đang vận hành liên tục để sấy lúa bị ướt cho bà con như Công ty TNHH KC Hà Tĩnh với 3 lò sấy công suất 100 tấn/ngày, HTX Thương mại Dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (TP Hà Tĩnh) với 4 lò sấy công suất 70 tấn lúa/ngày...
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ha-tinh-huy-dong-moi-giai-phap-khan-cap-cuu-lua-d755077.html