| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 16:47

Chăn nuôi

Gỡ rào cản thủ tục, cám gạo Việt sẵn sàng chinh phục thị trường Trung Quốc

Thứ Ba 27/05/2025 - 09:02

Dù đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp xuất khẩu cám gạo Việt Nam vẫn gặp khó về thủ tục hành chính theo Nghị định thư mới.

Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc. Ảnh: Thanh Thủy.

Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc. Ảnh: Thanh Thủy.

Thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao và ổn định với cám gạo

Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi với kim ngạch ước tính khoảng 7 - 8 tỷ USD. Do đó, định hướng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới đặt ra yêu cầu cấp thiết giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh.

Hiện nay, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm cám gạo Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Trung Quốc, nơi có nhu cầu cao và ổn định đối với nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.

Ngày 15/4/2025 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, 2 quốc gia đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc ký kết Nghị định thư không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cám gạo và cám gạo chiết ly làm thức ăn chăn nuôi mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, góp phần gia tăng giá trị phụ phẩm nông nghiệp.

“Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc, cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt theo quy định của Nghị định thư”, ông Đăng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Kim Đăng, việc Nghị định thư được ký kết đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Ảnh: Thanh Thủy.

Theo ông Phạm Kim Đăng, việc Nghị định thư được ký kết đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Ảnh: Thanh Thủy.

Theo đó, sản phẩm không được chứa các sinh vật gây hại như vi khuẩn Salmonella, nấm mốc hoặc thành phần biến đổi gen chưa được phê duyệt. Đồng thời, toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc.

Mỗi lô hàng xuất khẩu đều bắt buộc phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và công bố vệ sinh an toàn thực phẩm do các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu cần được Cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, đánh giá và giới thiệu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, đồng thời triển khai quy trình truy xuất nguồn gốc toàn diện để đảm bảo minh bạch và an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu

Việc xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa giá trị phụ phẩm lúa gạo.

Mỗi năm, Công ty TNHH Gia công Cám gạo Honoroad Việt Nam xuất khẩu khoảng 150.000 tấn cám gạo, trong đó 100% sản lượng được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ với báo Nông nghiệp và Môi trường, bà Huỳnh Tuyết Nghi, Giám đốc Công ty, cho rằng, hoạt động từ thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm mà phía Trung Quốc đề ra trong khuôn khổ Nghị định thư.

Tuy nhiên, bà Nghi cũng chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay không nằm ở sản phẩm xuất khẩu mà nằm ở khâu thủ tục hành chính. Cụ thể, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều thách thức trong việc nắm bắt kịp thời các thông tin cập nhật về quy định, thủ tục giữa 2 nước, nhất là khi các yêu cầu này có thể thay đổi thường xuyên và thiếu tính đồng bộ.

Doanh nghiệp cám gạo Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc nắm bắt thông tin. Ảnh: Phạm Hiếu.

Doanh nghiệp cám gạo Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc nắm bắt thông tin. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đáng chú ý, đại diện doanh nghiệp cho biết, thời gian từ khi hoàn tất khâu đóng gói đến khi tàu cập cảng Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 3 - 4 ngày. Điều này tạo ra áp lực rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải hoàn tất toàn bộ thủ tục, hồ sơ xuất khẩu trong thời gian ngắn để tránh bị chậm trễ hoặc bị từ chối thông quan.

“Trong thời gian tới, để việc xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc diễn ra thuận lợi và bền vững hơn, doanh nghiệp mong muốn Cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, đặc biệt trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xuất khẩu. Đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt hơn tiềm năng từ thị trường Trung Quốc”, bà Huỳnh Tuyết Nghi bày tỏ.

“Cục Chăn nuôi và Thú y kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ chủ động cập nhật quy định, tăng cường tự kiểm soát chất lượng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của ngành hàng cám gạo Việt Nam”, ông Phạm Kim Đăng bày tỏ.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/go-rao-can-thu-tuc-cam-gao-viet-san-sang-chinh-phuc-thi-truong-trung-quoc-d755094.html