Thứ hai 05/05/2025 - 15:18
Khuyến nông
Giống VN10 mất mùa riêng ở Nam Sách: Thức tỉnh nhiều người
Thứ Hai 28/06/2010 - 15:15
Nếu tiên lượng được thời tiết ở vụ xuân đó để xác định thời điểm gieo mạ thích hợp và đầu tư phân bón cân đối, lúa sẽ dày bông, sai hạt; ít nhiễm rầy nâu. Ngược lại thì...
Vụ lúa xuân, cấy giống cũ dài ngày VN10 phải gieo mạ qua đông; nếu tiên lượng được thời tiết ở vụ xuân đó để xác định thời điểm gieo mạ thích hợp và đầu tư phân bón cân đối, lúa sẽ dày bông, sai hạt; ít nhiễm rầy nâu. Ngược lại thì...
Giống lúa VN10 do trường Đại học Nông nghiệp 1 lai tạo và được công nhận là giống quốc gia năm 1985; thời vụ gieo mạ sớm từ 25/11-30/11, cấy từ 25/1-5/2. Nhờ có đặc tính chịu rét tốt ở giai đoạn mạ; thích ứng nhiều chất đất và chân ruộng, chống đổ tốt, năng suất cao trung bình, nặng thóc, thóc để được lâu; tỷ lệ gạo xát cao và làm hàng tốt (bún, bánh đa mỳ ngon) nên giống cũ này vẫn được bà con nông dân ở 2 xã An Bình, Quốc Tuấn, huyện Nam Sách (Hải Dương) gieo cấy, đáng tiếc không ít hộ gia đình đã gặp phải khó khăn ở vụ xuân 2010 do không làm đúng yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể: Từ cuối tháng 3 lúa đã bước vào phân hóa đòng; đòng bé, lúa trỗ sớm, thưa bông, ít hạt. Đã thế, rầy nâu lứa 3 lại phát sinh phá hại ở giai đoạn từ chín đỏ đuôi đến sau khi thu hoạch. Dẫn đến phải phun thuốc nhiều lần hoặc gặt chạy... Hậu quả, làm tăng chi phí và mất mùa riêng. Điển hình như hộ gia đình chị Mai, chị Liên ở đội 7, chị Thắm ở đội 10, thôn An Đông - xã An Bình và hộ gia đình chị Điện, anh Thành, đội 7, thôn An Xá - xã Quốc Tuấn.
Mặc dù giống VN10 không còn trong cơ cấu gieo cấy của tỉnh và huyện, nhưng từ lâu bà con một số xã ở Nam Sách vẫn duy trì và gieo mạ từ 25/11 – 5/12. Vụ xuân 2010, những hộ gieo mạ qua đông trong tháng 11 và chăm bón thừa đạm, không cân đối N.P.K, không phun trừ sâu bệnh cuối vụ theo nguyên tắc 4 đúng thì đều bị trỗ sớm (trước 20/4) và rầy nâu phá hại nặng. Trong khi đó, những hộ gia đình anh Thanh, anh Thắng, chị Liêm ở đội 4 và chị Hiền ở đội 5 xã An Bình; hộ gia đình chị Loan, chị Vân ở đội 10, thôn Đông Thôn và chị Hải, chị Chung, bác Huynh ở đội 1, thôn Lương Gián - xã Quốc Tuấn đã gieo mạ đầu tháng 12, chăm bón cân đối N.P.K, lúa trỗ đầu tháng 5 và thu hoạch đầu tháng 6 thì đạt năng suất cao (từ 190 – 210 kg/sào) và không bị rầy nâu phá hại.
Nhớ lại vụ lúa xuân năm 2008, trời rét căm căm, những dược mạ Xi 23 và các ruộng lúa cấy sớm đều bị chết khô, 1 số bác ở 2 xã An Bình và Quốc Tuấn đã bộc bạch đắc ý: “Cấy giống lúa VN10 nhàn tênh, gieo mạ dược ngoài đồng, dù trời rét đậm kéo dài mạ vẫn xanh liễng. Cả tháng áp Tết cứ việc đi chợ xa, chợ gần mà giải quyết chênh lệch; chứ làm mạ non vất vả lắm, chuột phá hại mạnh, đang mải chợ lại phải đi lo giống má, che đậy nilon. Thóc rất dễ bán, thóc VN10 giá trị gấp 1,3 – 1,5 lần thóc KD18”. Thì nay, cũng các bác ấy lại thổ lộ: “Ở vụ xuân, ngoài việc cần giống chịu rét còn phải chú ý thời vụ gieo cấy và cách chăm bón, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết với cây lúa là quan trọng. Những chân ruộng có thể gieo cấy được bằng giống ngắn ngày, nếu tỉnh và huyện trợ giá giống lúa lai thì cần nắm bắt đăng ký mua. Nếu không thì mua giống KD18 hay Bắc Thơm số 7 của công ty giống cây trồng Hải Dương cũng tốt: các xã (Hồng Phong, Minh Tân, Thái Tân) trong huyện, họ gieo thẳng vụ vừa rồi, bông dài đến hơn gang chứ ngắn đâu”.
Những năm gần đây, nhằm tăng năng suất lúa, các cấp các ngành ở huyện đều thống nhất tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT), chỉ đạo sử dụng giống ngắn ngày để mở rộng tối đa diện tích trà xuân muộn thông qua gieo cấy bằng phương pháp làm mạ non hoặc gieo vãi. Đây là một chủ trương đúng và thực tế nhiều nơi đã bỏ hẳn xuân sớm với giống dài ngày. Tuy nhiên, do đặc điểm chân ruộng và chất đất, giá trị hàng hóa của hạt thóc… nên làm mạ qua đông với giống lúa dài ngày để cấy một phần diện tích trà xuân sớm vẫn phù hợp. Vì vậy chúng tôi đề nghị, một trong các biện pháp kỹ thuật đặt ra cho các cấp các ngành ở Nam Sách (Hải Dương) là tiếp tục, thường xuyên tuyên truyền, tập huấn KHKT về thời tiết với đời sống cây lúa, cây lúa với yếu tố dịch hại, tính 2 mặt của phân bón với sự sinh trưởng phát triển của cây lúa… càng trở nên quan trọng và cần thiết. Hãy nắm bắt câu chuyện VN10 và những lời thổ lộ trên để tuyên truyền sâu rộng trong các lớp tập huấn khuyến nông.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giong-vn10-mat-mua-rieng-o-nam-sach-thuc-tinh-nhieu-nguoi-d55515.html