Thứ năm 08/05/2025 - 17:20
Xã hội
Giông lốc đầu mùa mưa gây thiệt hại lớn
Thứ Năm 08/05/2025 - 17:13
Mới chỉ bắt đầu vào mùa mưa, nhưng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã phải hứng chịu nhiều trận mưa lớn kèm giông lốc khiến hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái...
- Gần 20 ngôi nhà bị lốc cuốn bay mái
- Bình Định: Mưa lớn gây ngập úng nhiều diện tích cây trồng
- Mưa lớn gây ngập úng nhà dân và hàng chục ha vườn cây ăn trái
- 16 nhà dân ở Tuyên Quang bị tốc mái

Tôn bay tả tơi sau những trận cuồng phong. Ảnh: ĐL.
Nỗi ám ảnh vào đầu mùa mưa
Mỗi năm, cứ bắt đầu bước vào mùa mưa, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên lại nơm nớp nỗi lo mưa đá, giông lốc gây ảnh hưởng đến nhà cửa, ruộng vườn và các công trình công cộng khác. Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum cũng không ngoại lệ.
Chiều ngày 26/4, trận mưa lớn kèm giông lốc đã càn quét qua một số địa phương như huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Theo đó, có khoảng 80 căn nhà ở hai địa phương này bị hư hỏng, tốc mái. Không ít ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, nhiều nhà bị nứt tường ngang dọc, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), trận mưa lớn kèm giông lốc hôm 26/4 đã cuốn bay mái của hơn 40 căn nhà tại các xã Ia Rsiơm, Ia Rsai và Chư Rcăm. Riêng xã Chư Rcăm bị nặng nhất với hơn 30 căn nhà bị tốc mái, nhiều nhà bị lốc cuốn toàn bộ mái tôn tung lên trời rồi hất văng ra xa. Ông Siu Bé ở xã Chư Rcăm vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể: “Chiều hôm đó, tôi đang đi làm ngoài đồng, thấy gió mỗi lúc một lớn. Nhìn về phía làng, thấy nhiều tấm tôn bay tơi tả trên trời. Chạy về xem thì tôn trên mái nhà đã bị gió lốc cuốn đi gần hết”.
Cũng vào chiều ngày 26/4, tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), mưa lớn kèm gió lốc làm 5 căn nhà bị tốc mái, cổng chào thôn Lung Leng bị gió quật đổ gục. Còn tại thành phố Kon Tum, trong 2 ngày 25 và 26/4, mưa lớn đi kèm giông lốc đã gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân. Cụ thể, trận cuồng phong này đã làm 34 nhà dân trên địa bàn thành phố bị hư hỏng, tốc mái, nhiều tài sản trong nhà cũng bị hư hỏng do ngấm nước. Trường Mầm non Vàng Anh và Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Kroong bị tốc mái hoàn toàn, 7 trụ điện ở xã Kroong bị gió quăng quật đến gãy đổ...
Trước đó, vào chiều ngày 5/4, trận mưa đá kèm gió mạnh xảy ra ở xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) làm 17 căn nhà bị tốc mái, trong đó có 1 nhà rông bị sập mái. Chưa hết, mưa đá kèm gió mạnh đã làm hư hỏng một số công trình khác. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Mới đây nhất là trận mưa lớn kèm lốc xoáy vào sáng ngày 7/5 đã càn quét, cuốn tốc mái 15 nhà dân và 1 nhà công vụ tại xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai, Gia Lai).

Nhà dân bị tốc mái sau lốc lớn tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai, Gia Lai) hôm 7/5. Ảnh: ĐL.
Ông Nguyễn Văn Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chía cho biết: “Sáng sớm ngày 7/5, trời đang tạnh ráo, bỗng nổi gió mỗi lúc một to rồi trở thành lốc xoáy. Tiếp đó là mưa lớn ập đến. Nhận định sẽ có nguy hiểm, thiệt hại nên lãnh đạo xã đã khẩn trương huy động lực lượng đến từng nhà, động viên và hướng dẫn bà con tránh trú ở những nơi an toàn, đề phòng tôn bay, nhà sập”.
Tuy không thiệt hại về người, nhưng trận cuồng phong này cũng kịp khiến 15 nhà dân và 1 nhà công vụ của Trường THCS Lê Hồng Phong bị tốc mái, trong đó có nhiều nhà bị tốc mái hoàn toàn. Cụ thể, tại làng Beng có 11 nhà bị ảnh hưởng; làng Kom Ngó có 4 nhà, trong đó một số nhà bị lốc cuốn bay toàn bộ mái tôn và xà gồ, nứt tường, cong xà ngang; Trường THCS Lê Hồng Phong bị bay mái nhà công vụ, nứt tường và rách trần tôn... Thiệt hại về tài sản, ước tính ban đầu khoảng trên 160 triệu đồng.
Giúp dân sớm bình ổn cuộc sống
Chủ tịch UBND TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), ông Nguyễn Thanh Mân cho biết, ngay khi mưa lớn và giông lốc vừa dứt, địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định tinh thần. “Cụ thể, thành phố đã giao các địa phương bị ảnh hưởng huy động nguồn lực để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục, ổn định cuộc sống.
Đối với các công trình giáo dục bị thiệt hại, trước mắt đã đề nghị Phòng Giáo dục- Đào tạo phối hợp địa phương chủ động khắc phục, tập kết các vật liệu hư hỏng, tổng dọn vệ sinh nhằm sớm ổn định việc học tập của học sinh. Đồng thời, cân đối từ ngân sách của đơn vị để làm mới lại tường rào của trường học; chủ động phối hợp với các phòng ban chuyên môn thành phố xác định thiệt hại, trên cơ sở đó đề xuất phương án xử lý, khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học”, ông Mân cho biết.

Lực lượng dân quân giúp dân sửa chữa nhà cửa sau thiên tai tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) ngày 6/4. Ảnh: ĐL.
Tại xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa, Gia Lai), ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã khẩn trương huy động lực lượng dân quân, phối hợp với người dân địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả như lợp lại mái nhà, dọn dẹp cây cối ngã đổ. Đồng thời, UBND xã đã xuất kinh phí dự phòng 30 triệu đồng, hỗ trợ cho 16 hộ bị ảnh hưởng và đề nghị huyện xem xét, hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp giúp dân sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng do thiên tai gây ra vào chiều ngày 26/4. “Đối với hộ nghèo, hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện sẽ hỗ trợ khắc phục 100% thiệt hại do thiên tai gây ra, tránh để dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất”, ông Thảo nhấn mạnh.
Chính quyền địa phương ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum khuyến cáo người dân khi có thiên tai như mưa đá, giông lốc thì trước tiên cần bình tĩnh tìm nơi an toàn toàn để tránh trú. Đặc biệt không vì tiếc của dẫn đến thiệt hại đến tính mạng do tôn bay, nhà sập. Lực lượng dân quân tự vệ phải luôn trong tinh thần sẵn sàng để hỗ trợ người dân khi có thiên tai...
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giong-loc-dau-mua-mua-gay-thiet-hai-lon-d752126.html