Thứ ba 06/05/2025 - 14:57
Chống tham nhũng - Lãng phí
Giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp đều là chứng chỉ có giá trị pháp lý
Thứ Ba 31/03/2009 - 08:46
Anh Trần Đình Dung công tác tại Huyện uỷ Đô Lương (Nghệ An) xin tư vấn:
Năm 1973 - 1974 tôi được đào tạo tại Trường tài chính quân đội ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) và được cấp chứng chỉ chứng nhận tốt nghiệp bổ túc trung cấp tài vụ. Khi thống nhất đất nước tôi không phục vụ trong quân đội nữa và chuyển ngành về công tác tại Huyện uỷ Đô Lương làm công tác kế toán đến bây giờ. Sau khi có Nghị định 132 tôi được cơ quan làm tư tưởng để nghỉ theo Nghị định 132 với lý do tôi không có bằng trung cấp tài vụ.
Vậy giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp có gì khác nhau không? Giữa hai vấn đề trên thì cái nào đạt chuẩn, cái nào không chuẩn? Kính mong luật sư tư vấn giúp.
Trả lời:
Theo quy định về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì văn bằng tốt nghiệp là văn bằng có giá trị pháp lý cao thể hiện việc một người đã được đào tạo ở một lĩnh vực, ngành nghề đã qua kỳ thi tốt nghiệp và đạt số điểm ở trình độ chuẩn mà Hội đồng thi đã đề ra theo một trình, thủ tục chung do Nhà nước quy định.
Đối với giấy chứng nhận tốt nghiệp thì giá trị pháp lý của nó thấp hơn so với văn bằng vì đây là giấy tờ, văn bản chứng nhận cho một người đã học một lớp đào tạo (bằng các hình thức tại chức hoặc tập trung), cũng đã hoàn thành các chương trình đào tạo, qua kỳ thi tốt nghiệp nhưng điều khác ở đây là còn thiếu một tiêu chuẩn nào đó mà không được cấp bằng mà chỉ cấp giấy chứng nhận.
Do đó về mặt pháp lý thì chứng chỉ Bằng tốt nghiệp có giá trị pháp lý cao hơn so với giấy chứng nhận tốt nghiệp.
Về thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị định 132 ngày 8/8/2007 của Chính phủ thì đối tượng được áp dụng là:
+ Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức, biên chế để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật.
+ Người thôi giữ chức vụ lãnh đạo, bao gồm: cán bộ do bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức hoặc không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được vào vị trí công tác mới.
Cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được để chuẩn hoá về chuyên môn; những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được công việc khác...
Trong các trường hợp trên anh được cơ quan làm công tác tư tưởng để về nghỉ hưu theo Nghị định 132 với lý do anh chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định (chưa có bằng đại học) đây là trình độ chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay theo Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giay-chung-nhan-va-bang-tot-nghiep-deu-la-chung-chi-co-gia-tri-phap-ly-d30699.html